Trong khuôn khổ diễn đàn giáo dục Phần Lan - Nga lần thứ hai, Giáo sư Đại học Helsinki, Kirsti Lonka, trao đổi với Báo “Mel” về vai trò của công nghệ kỹ thuật số trong nhà trường phổ thông hiện nay.
- Trong một bài trả lời phỏng vấn, bà nói rằng hồi học phổ thông bà rất chán học. Có phải điều đó thôi thúc bà nghiên cứu các phương pháp giảng dạy tương tác mới?
- Ở trường phổ thông, tôi là một HS rất năng động. Tôi không thể ngồi nghe GV giảng bài, đặc biệt là khi chủ đề không có gì hấp dẫn. Vì vậy tôi rất khó hòa đồng với GV. Không ai nghĩ rằng ở trường phổ thông truyền thống, tất cả những HS năng động thường chán học. Tôi đã làm việc với GV 12 năm, đang phụ trách chương trình đào tạo về tâm lý giáo dục cho GV phổ thông ở Phần Lan.
Ba năm trước, các trường phổ thông Phần Lan đã áp dụng chương trình mới. Hiện nay, GV có thể áp dụng các kỹ năng của họ vào dạy học định hướng nêu vấn đề. Cùng với các môn học thông thường ở trường, HS thực hiện một hoặc hai dự án lớn mỗi năm.
Các em không phải học riêng môn Sinh vật hay Toán, mà học ngay một chủ đề lớn “Sự sống và cái chết”. Trong một dự án, các em vận dụng kiến thức về một số môn học cùng lúc - sinh vật, thần học, nghệ thuật, âm nhạc, kết hợp kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau, đồng thời nghiên cứu toàn diện các hiện tượng phức tạp. Điều đó phát triển tư duy sáng tạo và tư duy phê phán của HS, những kỹ năng rất cần thiết trong thế kỷ XXI.
Những dự án này đòi hỏi tinh thần làm việc đồng đội, sự kiên nhẫn và những kỹ năng giao tiếp nâng cao. Một mặt là HS chỉ đơn giản thực hiện những gì thầy giáo nói với mình. Mặt khác, HS buộc phải tự suy nghĩ và thỏa thuận với các bạn học trong quá trình này. Lúc bấy giờ động cơ của HS thay đổi.
- Xin bà cho biết công nghệ hiện đại đóng vai trò gì ở đây?
- Mấy năm trước, chúng tôi nghiên cứu về việc HS sử dụng công nghệ ở trong và ngoài nhà trường như thế nào. Đối với nhiều em, thế giới xung quanh giờ đây thú vị hơn nhiều so với việc học tập trên lớp. Một nửa số HS các trường phổ thông Phần Lan, nơi chúng tôi tiến hành nghiên cứu, độc lập tiếp thu kiến thức với sự trợ giúp của công nghệ. Các em không cần nhà trường và GV, không thích hí hoáy ngồi viết trên giấy. Các em hiểu rằng có thể biết nhiều hơn những gì được giảng dạy ở trường, nếu tự vào Google tìm kiếm.
Hiện nay, mỗi HS phổ thông là một nhà nghiên cứu nhỏ, các em có thể tự mình tìm hiểu những vấn đề phức tạp. Công nghệ hiện đại đã thay đổi công việc của các em, nhưng nhà trường không muốn thay đổi, điều này nhân đôi nỗi thất vọng. Khảo sát những HS sinh năm 2000, chúng tôi thấy nếu nhà trường không cho phép sử dụng công nghệ, các em sẽ cảm thấy xa lạ đối với nó.
Phần Lan có rất nhiều trường phổ thông đổi mới, nhưng không phải tất cả GV, đặc biệt là những người lớn tuổi, đều thành thạo công nghệ. Trong khi đó, họ lại đang giảng dạy những đứa trẻ lớn lên với các thiết bị công nghệ trong tay! Điều này thôi thúc chúng tôi kết hợp những lợi thế của việc học tập cá nhân với khả năng của công nghệ số. Chúng tôi gọi đó là dạy học kỹ thuật số. HS chỉ cần phác ra những ý tưởng của mình trên bảng tương tác lớn trong lớp học và tự mình tìm kiếm những kiến thức thường được trình bày trong sách giáo khoa dưới dạng có sẵn.
- Trong khi đó, ở nước Nga, người ta đang đề nghị cấm HS mang điện thoại di động đến trường. Theo bà, điều đó có nên không?
- Tôi đã từng làm việc ở châu Phi, nơi các trường phổ thông không được trang bị nhiều máy vi tính. Thông thường, mỗi trường có một hoặc hai chiếc, và HS phải xếp hàng để sử dụng. Tôi nghĩ, thay vì hạn chế sử dụng điện thoại di động trong các trường phổ thông, chúng ta nên điều chỉnh việc sử dụng đó. HS đã sử dụng hiệu quả điện thoại thông minh để giải trí. Bây giờ là lúc cần sử dụng chúng vào việc học tập và tự giác điều chỉnh quá trình đó.
Khi thực sự say mê nghiên cứu và tìm kiếm thông tin trên Internet, HS không bị phân tâm bởi những video hài hoặc những thông tin vô ích khác. Đơn giản là vì các em không có thời gian để làm điều đó. Việc sử dụng điện thoại hiệu quả trên lớp của HS phụ thuộc vào thầy giáo. Phải dạy các em kiến thức truyền thông: Cách sử dụng công nghệ một cách hợp lý, phát hiện tin giả và các hiện tượng bắt nạt trên mạng. Kỹ năng tự điều chỉnh trong chương trình giáo dục của các trường phổ thông Phần Lan chiếm một vị trí quan trọng.
Chúng ta không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng cách cấm điện thoại di động. Việc tự giác sử dụng điện thoại di động trong học tập hiện nay cũng đồng nghĩa với kỹ năng điều chỉnh cuộc sống riêng.
- Một số thanh thiếu niên tìm cách tự hạn chế sự hiện diện của mình trên mạng xã hội. Theo bà, sự quan tâm của HS phổ thông đối với công nghệ kỹ thuật số sẽ kéo dài bao lâu?
- Tôi không nghĩ rằng một lúc nào đó chúng ta sẽ quay lại các phương pháp dạy học truyền thống. Thứ nhất, cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật số của chúng ta liên tục thay đổi. Ví dụ, cách đây không lâu, Facebook rất phổ biến, còn hiện nay ở Phần Lan, nhiều người đã bỏ dịch vụ này vì cho rằng nó chỉ “dành cho người già”. Instagram đã lên ngôi, nhưng rồi đến một lúc nào đó, nó cũng sẽ bị thay thế bởi một nền tảng giao tiếp mới.
Tất nhiên, không ai biết thế giới và công nghệ kỹ thuật số sẽ thay đổi như thế nào trong 5 năm tới. Tôi nghĩ các công nghệ di động theo nghĩa thông thường sẽ được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, đối với HS hiện nay, tiết học thông thường theo kiểu thầy nói trò chép là một cực hình thực sự. Chúng ta không chấp nhận điều đó và không ngừng học hỏi để làm một cái gì đó mới mẻ.
Trên thực tế, gốc rễ của những thay đổi này hoàn toàn không phải là công nghệ kỹ thuật số. Sự chuyển đổi từ im lặng nghe giảng sang đối thoại và cùng tiếp thu kiến thức là một cuộc cách mạng trong giáo dục học. Và quá trình này có thể diễn ra ở bất cứ đâu - cả trong đời thực và ảo.