Gruzia không giúp Ukraine mở ‘mặt trận thứ hai’ sau lưng Nga

GD&TĐ -Những bài học xương máu từ quá khứ còn nguyên vẹn khiến chính quyền Gruzia hiện nay tuyên bố, không giúp Ukraine mở “mặt trận thứ hai” sau lưng Nga

Gruzia không giúp Ukraine mở ‘mặt trận thứ hai’ sau lưng Nga

Mới đây, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Imedi TV rằng, Đảng “Giấc mơ Gruzia” cầm quyền sẽ không cho phép mở mặt trận quân sự thứ hai (phối hợp với Ukraine để chống Nga) ở nước này.

“Tôi biết có vài chục người đến từ Ukraine. Tôi muốn kêu gọi họ - đừng ảo tưởng và kỳ vọng điều gì đó sẽ xảy ra ở đây.

Tôi muốn chúc tất cả các chiến binh ở Ukraine khỏe mạnh trở về với gia đình của mình, nhưng tôi thúc giục bạn đừng làm những hành động khiêu khích bẩn thỉu.

Chúng tôi biết nhiều hơn những gì họ có thể tưởng tượng ra” - người đứng đầu chính phủ Gruzia nói.

Ông nhấn mạnh rằng, chừng nào đảng “Giấc mơ Gruzia” còn nắm quyền ở đất nước này, đảng của ông sẽ không cho phép mở mặt trận thứ hai, ông khẳng định sẽ loại trừ trường hợp này.

Thủ tướng cũng gọi việc một số người trong quân đội tham gia vào các cuộc biểu tình hồi tuần trước là “không thể chấp nhận được” và kêu gọi mọi người không cố gắng gây ra tình trạng bất ổn ở Gruzia.

Được biết, vào ngày 10 tháng 3, Phó Chủ tịch Quốc hội Gruzia Volsky thông báo một nhóm những người ủng hộ cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili, người đã chiến đấu bên phía Ukraine, đã đến nước này.

Theo ông, mục tiêu của họ làm sao để “tiến trình cách mạng” ở Gruzia (tức là những cuộc biểu tình chống đảng cầm quyền) không bị dừng lại.

Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở Tbilisi vào ngày 7 và 8 tháng 3, sau khi quốc hội nước này thông qua ngay trong lần biểu quyết đầu tiên dự thảo luật “về tính minh bạch của ảnh hưởng từ nước ngoài”, để phản đối việc quốc hội thông qua dự thảo luật này.

Được biết, dự thảo đề xuất thành lập một sổ đăng ký các tổ chức phi chính phủ, các phương tiện truyền thông và các thực thể nhận tài trợ từ ngoại quốc.

Những người khởi xướng dự luật cho rằng đây là một phiên bản nhẹ nhàng hơn của luật pháp Hoa Kỳ. Còn phe đối lập, cũng như Đại sứ Hoa Kỳ tại Gruzia Kelly Degnan nói rằng, dự luật hoàn toàn không liên quan gì đến luật pháp Hoa Kỳ và mà tương tự như điều luật đang hiện hành ở Nga.

Những người tham gia cả hai cuộc biểu tình vào đêm muộn đã bị lực lượng an ninh giải tán, nhân viên công lực sử dụng vòi rồng và hơi cay. Hơn 130 người đã bị giam giữ trong 2 ngày biểu tình.

Sau tình trạng bất ổn ở thủ đô vào sáng 9/3 và nhận được sức ép lớn từ Liên minh châu Âu về việc “Gruzia có nguy cơ mất đi phần lớn sự ủng hộ của EU do đàn áp các cuộc biểu tình của người dân” và “khuynh hướng phi dân chủ”, đảng cầm quyền “Giấc mơ Gruzia” đã buộc phải quyết định rút lại dự luật.

Được biết, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã nhiều lần đề nghị Gruzia cung cấp viện trợ quân sự, đặc biệt là vũ khí sát thương có từ thời Liên Xô cho Kiev.

Thậm chí chính quyền của ông Zelensky còn yêu cầu Tbilisi “trả lại” những vũ khí, đặc biệt là các hệ thống phòng không Buk trước đây Ukraine đã hỗ trợ cho Gruzia trong “cuộc chiến tranh 5 ngày” (còn gọi là chiến tranh Nam Ossetia 2008) với Nga vào tháng 8/2008.

Tuy nhiên, chính phủ Gruzia đã phớt lờ yêu cầu của phương Tây, từ chối cung cấp những vũ khí Liên Xô trước đây cho Ukraine, với lí do là để nhận được viện trợ vũ khí từ Kiev, chính quyền Tbilisi hồi đó đã phải trả lại bằng những khoản tiền khác.

Theo giới phân tích, những cuộc biểu tình chống chính quyền vừa qua có thể nhằm mục đích buộc chính phủ Gruzia phải tăng cường hỗ trợ Ukraine nhiều hơn, thậm chí có thể mở một “mặt trận thứ 2” sau lưng Nga, buộc Moscow phải căng sức đối phó ở hai bên sườn phía tây và phía nam.

Tuy nhiên, có lẽ giới chức lãnh đạo ở Tbilisi hiện nay hiểu rằng, không nên vô cớ gây sự với một nước láng giềng hùng mạnh, điều đó không có lợi gì cho lợi ích an ninh quốc gia của họ.

Những bài học quá khứ đã chỉ ra rằng, chung sống hòa bình với láng giềng là điều tốt nhất đối với bất cứ đất nước nào.

Được biết, Nga đã đánh bại Gruzia (lúc đó do chính ông Mikheil Saakashvili làm Tổng thống) trong một cuộc chiến tranh thần tốc chỉ kéo dài 5 ngày hồi tháng 8/2008, để bảo vệ hai nước cộng hòa li khai Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia, trước cuộc tấn công của Tbilisi.

Hậu quả của cuộc chiến là Gruzia đã buộc phải đầu hàng, ký kết thỏa thuận hòa bình khi quân Nga tiến đến cửa ngõ thủ đô Tbilisi.

Sau đó, Moscow đã công nhận nền độc lập của 2 vùng lãnh thổ li khai Gruzia, đồng thời ký các hiệp ước an ninh và quân sự để bảo hộ 2 quốc gia tự tuyên bố độc lập này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.