Góp ý lọt tai!

GD&TĐ - Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp không còn là thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định và phân loại phim truyện do vi phạm quy chế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người trẻ nhất trong 11 thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định và phân loại phim truyện - vừa ra khỏi hội đồng này từ cuối tháng 10, theo Quyết định do Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch Tạ Quang Đông ký.

Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới điện ảnh. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Hoàng Điệp bị loại - đồng nghĩa mất đi một cầu nối giữa các nhà làm phim và các nhà quản lý.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - nói với báo chí: “Hội đồng có nguyên tắc là mọi quyết định của hội đồng theo nguyên tắc đa số. Ý kiến của cá nhân có thể được bảo lưu, nhưng phát ngôn và đưa ra thông tin phải là ý kiến mà đa số thành viên hội đồng đã thống nhất, và chủ tịch hội đồng mới là người phát ngôn chứ không phải bất cứ thành viên nào cũng được phát ngôn theo ý mình. Tóm lại là vi phạm quy chế của hội đồng nên buộc phải thay người”.

Vậy nữ đạo diễn đã nói gì vi phạm quy chế?

Báo GD&TĐ từng thông tin về cuộc tọa đàm mang tên “Ai góp ý giơ tay lên”. Đó là cuộc đối thoại mở mà Nguyễn Hoàng Điệp và nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim khởi xướng để thảo luận các vấn đề trên tinh thần xây dựng, nhằm góp ý dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.

Phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo thắng đoạt giải thưởng quan trọng ở LHP Busan 2021, nhưng lại bị cấm chiếu tại Việt Nam vì “cảnh nude trực diện và kéo dài”. Nữ đạo diễn Hoàng Điệp nói: “Chừng nào còn chưa thấu hiểu thì chừng đó “Ròm” hay “Vị” chỉ là 2 trong số những ví dụ mà giới làm phim đã, đang và sẽ trải qua. Có sự vênh nhau giữa cách hiểu của nhà làm phim và người thực thi luật. Họ cần có cơ chế đối thoại với nhau”.

Sau cùng khi tổng kết sự kiện, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận định: “Điện ảnh Việt Nam có vị gì thì vị nhưng không nên có vị kiểm duyệt”.

Rất nhiều tranh luận về đúng – sai, phải – trái trong sự việc này. Thế nhưng, điều mà một bộ phận người làm văn hóa cũng như một phần giới làm phim cho rằng, có “độ vênh” trong quan niệm về quy chế phát ngôn và tinh thần tranh luận góp ý.

Nguyễn Hoàng Điệp nói rằng: “Luật có sai, chưa khớp ở đâu đấy, mỗi người phải tìm cách giải quyết. Mỗi người phải nhìn rộng hơn bộ phim, dự án mình theo đuổi, nhìn xa hơn thời gian công tác làm phim, nhiệm kỳ quản lý của mình. Việc hôm nay làm đã khá chậm, nhưng còn hơn ngày mai mới bắt tay thực hiện…”.

Có ý kiến cho rằng, giá như Nguyễn Hoàng Điệp không nói gì, và không tổ chức tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên”. Giá như nữ đạo diễn đừng đứng ra làm “cầu nối”, đừng nghe ý kiến của các đạo diễn và nhà làm phim, thì chắc chắn cô vẫn ngồi ở ghế hội đồng.

Thế nhưng, muốn xã hội tốt đẹp và hoàn thiện hơn thì cần phải góp ý. Làm người, không nên sống thu mình để cầu 2 chữ bình yên! Vấn đề là cách thức góp ý làm sao để lọt tai. Lời nói có lọt tai thì mới mang lại hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.