Đưa STEM vào trường học nếu không muốn bị lạc hậu

GD&TĐ - Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng dạy về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) là yêu cầu khách quan của xã hội trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh.

Đưa STEM vào trường học nếu không muốn bị lạc hậu

Tại hội thảo Kiến tạo tương lai từ giáo dục STEM vừa được tổ chức, ông Phạm Ngọc Tiến - Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM  nêu một con số thú vị vừa được các nhà khoa học công bố: Có tới 50% công việc của năm 2050 hiện giờ chúng ta không biết và 50% công việc hiện tại sẽ biến mất.

Xã hội đang phát triển quá nhanh trước cuộc cách mạng 4.0, kiến thức học trong trường học chỉ trong 5 đến 10 năm là sẽ hoàn toàn lạc hậu. Do đó, học sinh không chỉ phải biết học cái gì mà quan trọng là học như thế nào.

Các chuyên gia đều cho rằng lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ chiếm vị trí thống lĩnh trong xã hội và học tập, trong các mặt cuộc sống trong tương lai. Do đó phải cho STEM vào trong giáo dục nếu không muốn lạc hậu trong tương lai.

Phương pháp giáo dục bằng các môn khoa học STEM là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học).

Phương pháp này cho phép học sinh tham gia giải quyết các vấn đề thực tế thông qua áp dụng kiến thức, hiểu biết và kỹ năng về 4 môn khoa học ứng dụng kể trên một cách tích hợp. STEM đề cao phong cách học hỏi sáng tạo - yếu tố kích thích niềm đam mê học tập của trẻ.

Ví dụ, khi một đứa trẻ quan sát một con chuồn chuồn, nếu được hướng dẫn với STEM, học sinh sẽ không chỉ dừng lại ở việc biết gọi tên sự vật.

Học sinh được tìm hiểu nguyên lý giúp chuồn chuồn có thể giữ thăng bằng và bay giỏi với đôi cánh mỏng (khoa học), học cách phân tích tỉ lệ hoàn hảo của cơ thể chuồn chuồn (toán học), khám phá cách thức con người áp dụng thuật mô phỏng để chế tạo máy bay (kỹ thuật)… và trên hết, tất cả được hỗ trợ sinh động bởi các thiết bị thông minh (công nghệ).

“Thời gian tới, Sở GD&ĐT TPHCM đang dần đưa giáo dục STEM vào trường học, thực ra đây là một yêu cầu khách quan chứ không phải chủ quan, nó xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống rằng sẽ áp dụng giáo dục STEM trong nhà trường.

Không có STEM thì trong 10 năm nữa, người công nhân chúng ta hiện giờ chủ yếu là người lao động sẽ mất việc. Do đó, chúng ta bắt buộc phải cho STEM vào trong nhà trường”- ông Tiến chia sẻ thêm.

Còn tại bài tham luận của mình, ông Lê Đình Hiếu- Giám đốc Chương trình tìm kiếm tài năng trẻ Talent Hub của Trung tâm văn hóa giáo dục UNESCO- cũng dẫn chứng cho thấy thế giới đang quan tâm đến giáo dục STEM.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết đến năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% nghề nghiệp hiện tại của con người, tương đương 800 triệu việc làm. Nhiều nước trên thế giới đang chuẩn bị cho sự thay đổi này.

Chẳng hạn tại Mỹ, Barack Obama trong nhiệm kỳ đầu hồi tháng 11/2009, ông đã đưa ra cải tiến giáo dục Educate to Innovate (Giáo dục để đột phá) bỏ ra 700 triệu USD và 100.000 giáo viên STEM để thực hiện chiến dịch này.

Đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ, Obama đưa ra một sáng kiến tương tự tiếp theo tên là Computer Science for All (Khoa học máy tính cho mọi người) với mục tiêu tương tự, ngân sách được nâng lên 4 tỷ USD. Người Mỹ đang chi trả rất nhiên cho sự thay đổi của thế giới.

Một trường hợp khác, nước Estonia khai sinh vào năm 1991, dân số rất nhỏ, chỉ tầm 1 triệu người. Tuy nhiên ở quốc gia này, 100% người dân được bầu cử online, 100% trường học được trang bị máy tính và mạng internet, quyền truy cập vào hệ thống thư viện quốc gia từ bất kỳ nơi đâu.

Điều ngạc nghiên nhất tại Estonia là họ dạy STEM “proge Tiger” từ mẫu giáo, việc này giúp ích rất nhiền cho việc phát triển khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, tư duy sáng tạo, tư duy giải quyết vấn đề.

“Thế giới thay đổi rất rất nhanh, nhiều nước đi nhanh hơn Việt Nam rất nhiều và xuất phát điểm của họ cũng cao hơn. Và rất nhiều nước trên thế giới đã dùng STEM như một quyết sách giáo dục. Chúng ta làm gì cho các em học sinh, cho sự thay đổi của thế giới, cho Cách mạng 4.0, tôi xin dành câu trả lời cho các bạn”, ông Hiếu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ