Trước hết về lời chê của cụ Lê Văn Hòe
Chúng ta đều biết không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các học giả đều tin và cho rằng “xấp xỉ tới tuần cập kê” là khoảng gần (xấp xỉ) 15 tuổi. Chính cụ Lê Văn Hòe cũng thừa nhận như vậy.
Sở dĩ cụ chê “người chép truyện” (có thể là Thanh Tâm Tài Tử chứ không phải Nguyễn Du) vì cụ Hòe “suy luận” là “Kiều mới gần 15 tuổi, cách Thúy Vân rồi mới đến Vương Quan. Nghĩa là Vương Quan tuổi mới độ 11 - 12 là cùng.
Vậy mà Vương Quan lại hiểu truyện Đạm Tiên kĩ càng, tỉ mỉ như thế, còn Kiều thì không biết tí gì. Đó cũng là một điều khó tin, nhất là Kiều lại không phải là người vô học. Nhà chép truyện sắp đặt chưa được khéo” (Đã dẫn trong bài).
Việc cụ Hòe chê tác giả “Kim Vân Kiều” cho thấy cụ khá chủ quan và không chú ý tới văn bản. Xin trở lại với nguyên bản Kim Vân Kiều:
“Khoảng năm Gia Tĩnh nhà Minh, ở thành Bắc kinh có nhà Vương viên ngoại tên là Lưỡng Tùng, tự là Tử Trinh, vợ họ Hà, hai vợ chồng cùng hiền hậu, gia sản vào hàng trung bình, sinh hạ được 2 con gái đầu lòng và một con trai út tên gọi là Vương Quan, cậu cũng theo đòi nghiệp nho.
Con gái trưởng là Thúy Kiều, gái thứ là Thúy Vân…” (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 50). Văn bản gốc viết 2 con gái đầu lòng, cho phép hiểu Kiều và Vân song sinh. Nếu không thế, hẳn phải viết “sinh hạ được gái trưởng là Thúy Kiều, gái thứ là Thúy Vân và con trai út là Vương Quan”.
Thông tin “2 con gái đầu lòng” là thừa thãi và không cần thiết. Nguyễn Du đã vô cùng tinh tế khi viết Truyện Kiều về cậu em và 2 cô gái đầu lòng:
Một trai con thứ rốt lòng
Vương Quan là chữ
nối dòng nho gia
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
(Chúng ta lưu ý là Nguyễn Du gọi Vương Quan là con thứ rốt lòng - con thứ út - để so với 2 chị gái đầu lòng)
Nếu Kiều và Vân cũng khoảng gần 15 tuổi thì Vương Quan theo lệ “sinh năm một” thì chàng 14, hoặc cùng lắm là kém hai chị thì cũng 13. Không thể là 11 - 12 như cụ Lê Văn Hòe suy luận (ở đây cụ Hòe đã suy rằng Thúy Vân đẻ sau Thúy Kiều một hai năm).
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không suy luận tuổi Vương Quan. Chỉ biết rằng tác giả Thanh Tâm Tài Tử chép truyện để Vương Quan biết kỹ truyện Đạm Tiên, còn Kiều, dù biết chữ, nhưng không biết truyện đó.
Việc suy một người mới 11 - 12 so với một người gần 15 là việc của cụ Hòe, cụ chê là chê “người chép truyện”. Nhưng rõ ràng cụ chỉ “suy” mà không có chứng cứ văn bản.
Bây giờ bàn sang việc cụ Lê Thước
Không phải ngẫu nhiên mà quan điểm của cụ Lê Thước bị tác giả Nguyễn Văn Nho phản biện. Mặt khác, theo chúng tôi, cụ Thước cũng hoàn toàn võ đoán khi cho rằng “Kiều và Vân không thể là chị em song sinh” (Ở trên chúng tôi đã dẫn bản “Kim Vân Kiều” để chứng minh rằng, nếu 2 người không song sinh thì chi tiết “2 con gái đầu lòng” sẽ là thừa thãi, không cần thiết).
Mặt khác, đúng như người ta “phản biện”, nếu Kiều hai mươi tuổi thì đã “quá lứa, nhỡ thì”. Xin trích một câu ca dao:
Lấy chàng từ thuở 13
Đến nay 18 thiếp đà 5 con
Ra đường người tưởng còn son
Và một câu thành ngữ: “Nữ thập tam, nam thập lục”: Con gái ít nhất 13 tuổi, con trai ít nhất 16 tuổi mới được lấy chồng lấy vợ, theo luật xưa.
Như vậy, cụ Thước lập luận không chặt. Và cả những suy luận của cố GS Nguyễn Tài Cẩn đáng kính về tuổi Kiều 18, 19, tuổi Vân 17, 18, Vương Quan 16, 17 cũng không đáng tin.
Tác giả Nguyễn Tuấn Cường đã tìm một giải pháp ngữ pháp để giải quyết vấn đề tuổi. Bạn Tuấn Cường không có chứng cứ chắc chắn. Tuy nhiên nói hai chị em tuổi xấp xỉ cũng có thể chấp nhận.
Ở đây chúng tôi cho rằng bạn Cường đã lầm lẫn. Cụ Lê Văn Hòe chê “người chép truyện” nên hiểu là cụ Hòe chê Thanh Tâm Tài Tử chứ không phải chê Nguyễn Du.
Tác giả Trần Đình Tuấn đã “phản biện” Nguyễn Tuấn Cường. “Câu hỏi đặt ra là, nếu hai chị em tuổi xấp xỉ nhau thì quãng thời gian xấp xỉ đó được hiểu là bao nhiêu tuổi (1, 2 hay… 10 tuổi).
Còn nếu không, thì khi nói hai chị em thì bản thân hai chị em đã xấp xỉ tuổi nhau rồi (vì cùng ở thời điểm xuân xanh) nên việc gì phải giải thích hai chị em xấp xỉ tuổi nhau?”. (Cõi người ta, trang 18). Rõ ràng, giải pháp “ngữ pháp” cũng không ổn.
Bài bàn thêm của tác giả Trần Đình Tuấn khá dài. Đáng chú ý là tác giả đưa khái niệm: Xấp xỉ tuần cập kê, chính tuần cập kê và ngoại tuần cập kê. Xấp xỉ tuần cập kê là xấp xỉ tuổi 15.
Tóm lại, vì các vị không chú ý đến văn bản, vì chỉ suy luận theo chủ quan của mình cho nên mới cảm thấy “rắc rối” tuổi “xấp xỉ tới tuần cập kê”.
Chúng tôi tin vào các bậc trí giả đã chú thích “Truyện Kiều”. Và việc phân tích, phản bác của tác giả Trần Đình Tuấn cũng chỉ là khẳng định chị em Kiều khi đó bước vào tuổi 15. Mà ở Việt Nam và Trung Quốc thời xưa thì 13 tuổi đã có thể lấy chồng.