Gốm Thiền của Lê Thiết Cương

GD&TĐ - Lê Thiết Cương, cái tên quen thuộc trong giới hội họa đã và đang làm những người yêu gốm Việt ngỡ ngàng trước sự kết hợp “3 trong 1”: Gốm cổ - kinh Phật – hội họa.

“Gốm kinh” của Lê Thiết Cương.
“Gốm kinh” của Lê Thiết Cương.

Với hơn 40 lọ gốm của 4 làng nghề nổi tiếng: Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thanh Hà (Hội An), Bát Tràng (Hà Nội). Các tác phẩm được họa sĩ Lê Thiết Cương chọn những câu thơ kinh điển của nhà Phật để viết lên kèm minh họa sinh động.

Những câu kinh ngắn gọn, có khi chỉ vài ba chữ nhưng chứa đựng tư tưởng sâu sắc.

Làm mới gốm cổ

Năm 2017, Lê Thiết Cương có “Thơ gốm”, nhưng lần này lại là “Kinh gốm”. Là người tự nhận “cái tạng” phương Đông, Lê Thiết Cương yêu mến Kinh Dịch, Lão Trang và triết lý nhà Phật.

Thời sinh viên, ông đã bén duyên với Phật khi ngắm nghệ nhân Bát Tràng làm gốm, bất chợt suy nghĩ ngày nào đó sẽ viết kinh Phật lên dòng gốm cổ.

“Kinh gốm” ra đời kết hợp với hội họa. Theo Lê Thiết Cương, mỹ thuật của người Việt nằm trong gốm, khi các nghệ nhân cầm bút chấm mực vẽ lên một bề mặt, đó là mỹ thuật của người Việt.

Lịch sử mỹ thuật của người Việt là lịch sử của gốm. Tuy nhiên, những biến thiên thời cuộc đã làm các làng gốm cổ chết dần, mai một đi những nét đẹp huyền bí. Điều đó không chỉ là mất đi các sản phẩm gốm mà là mất văn hóa, tập tính, lịch sử dân tộc. Từ đó, ông muốn mang hội họa vào gốm để làm mới, tôn vinh, đưa gốm đến gần hơn với con người, như một cách góp phần bảo tồn các làng nghề gốm.

Cách bảo tồn của Lê Thiết Cương thật độc và thật quái, đúng như cái tên, ngược với tính cách nhưng thuận theo quan niệm.

Nhà thơ Bảo Sinh từng kể rằng: Nhà mặt tiền phố Lý Quốc Sư thì thường một cửa chính một cửa phụ hoặc chỉ một cửa chính, nhà Cương lại hai cửa to bằng nhau, đã thế còn sơn màu đỏ chói không giống ai. Trong nhà, nền cao nền thấp, gập ghềnh như ruộng bậc thang.

Nền nhà như ruộng bậc thang! Hẳn đó là sở thích và quan niệm của gia chủ. Quan niệm ấy tác động đến gốm, Lê Thiết Cương thông qua gốm hiện đại bảo tồn gốm truyền thống, làm mới cái cũ bằng một quan niệm lạ.

Họa sĩ muốn những cái niêu kho cá, những vại muối dưa, những ấm sắc thuốc vừa là chính nó nhưng phải đẹp và hiện đại. Những sản phẩm truyền thống phải tỏa sáng trong đời sống hiện đại.

“Khi tôi còn nhỏ, bà tôi thường sắc thuốc bằng ấm sắc của làng gốm Hương Canh. Đó là chiếc ấm có cái vòi rất đặc biệt, gọi là vòi sâu kèn. Bây giờ tôi không còn thấy ai sắc thuốc trong cái ấm đó nữa.

Ngay tại làng Hương Canh cũng không có ai bán ấm sắc thuốc từng là sản phẩm nổi tiếng của làng. May mắn tôi tìm được một nghệ nhân cao tuổi có thể giúp nặn chiếc ấm sắc thuốc ấy. Trên chiếc ấm, tôi viết một câu kinh Phật”, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.

Bảo tồn gốm bằng chính dòng gốm cổ. Thu hút người đến với gốm bằng những câu kinh, triết lý. Cách làm ấy, không phải chỉ Lê Thiết Cương mới nghĩ ra, nhưng đúng là chỉ có ông mới làm được.

Gốm trở thành những vật dụng gần gũi đấy mà sao sang trọng, rất giản dị, đậm đặc phong thái nghệ thuật. Đúng, chỉ có bàn tay cùng óc thẩm mỹ vượt qua sự thuần tuý của thói quen nghề nghiệp mới biến ảo gốm mang hơi hướng thiền.

Họa sĩ Lê Thiết Cương muốn làm mới gốm cổ để bảo tồn các làng nghề gốm.
Họa sĩ Lê Thiết Cương muốn làm mới gốm cổ để bảo tồn các làng nghề gốm.

Tối giản để thấy “thực tướng”

Lòe loẹt không phải là thứ bền lâu, nên Lê Thiết Cương luôn hướng về sự tối giản. Hướng về không phải hướng tới, nhưng để hướng về thì buộc phải đi tới. Kết quả là những chủ đề rất quen như phố xá, nhà cửa, cây cối, dòng sông… qua đôi tay của ông đã làm người xem phải suy tư rất nhiều.

30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, Lê Thiết Cương thiết lập riêng cho mình bút pháp xem qua thì rất giản đơn, nghèo nàn. Nhưng, thật tình như nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Có lẽ họa sĩ muốn xây dựng một lối thiền họa mới mà ở đó hội họa cũng chỉ có giá trị tượng trưng và gợi ý mà thôi”. 

Phớt qua. Tượng trưng hay gợi ý bằng hội họa, thì những bức tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương chính là “những bức tranh có giá của máu”. Cách gọi ấy, là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói ra, khi “nhìn” thấu những trăn trở, tìm tòi, mò mẫm, thể nghiệm của một nghệ sĩ suốt 30 năm định hình phong cách.

Tối giản, cũng bởi vì thế mà những tác phẩm gốm Thiền kia rất đơn giản. Một nghệ nhân cao tuổi đã giúp họa sĩ vuốt chiếc lai (vật dụng đựng hạt giống treo trong bếp). Đơn giản, nhưng chính Lê Thiết Cương khẳng định tập tính đựng hạt giống ấy của người Việt đã mất cùng với chiếc lai.

Và thật đáng tiếc, những cái mất ấy rất khó nhìn ra. Vì vậy, người nghệ sĩ đã cố tìm lại, cố tình để cho người khác thấy chiếc lai, ngõ hầu đánh thức tập tính xưa cũ qua giấc mộng thiền.

Ngoài lọ, “Kinh gốm” cũng đưa người xem đến với 13 bức tranh chất liệu bột màu - vải màn. Sự mộc mạc giản dị của chất liệu này, theo họa sĩ Lê Thiết Cương là rất hợp với chất Thiền của nhà Phật. Trên đó, họa sĩ viết bình chú giải thích cách hiểu của mình về những câu kinh.

Chú giải, minh họa thì người xem đã rõ. Nhưng không ít thắc mắc là tại sao các tác phẩm gốm thiền trong triển lãm lần này lại nhỏ bé đến vậy. Tranh kích thước chỉ 55 x 35cm, còn lọ - vại gốm chỉ cao 20 - 28cm với đường kính miệng 8 - 15cm. Chiếc tiểu nhi (gốm Phù Lãng) kích thước cũng chỉ 38 - 18 - 14cm.

“Cái hình dáng, hình tướng chân thực nhất của một hữu thể chính là không có hình tướng gì hoặc là có hình tướng nhưng là hình tướng - không. Nếu hình tướng chỉ là hình tướng, thì một hạt cải không thể chứa được cả quả núi Tu di. Vì thế mà đạo Phật có câu “Thực tướng vô tướng”, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.

Gốm kết hợp hội họa thì nhiều. Gốm chứa mộng thiền cũng không ít. Lê Thiết Cương kết hợp cả 3. Thế nên, dù triển lãm tới ngày 12/10 (tại Gallery 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm - Hà Nội) mới đóng cửa, nhưng người xem vẫn háo hức thấy gốm – niệm Thiền và cảm nhận những đường nét tối giản của hội họa Lê Thiết Cương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ