Đề tài phổ biến của các sản phẩm gốm Bát Tràng là hình rồng, phượng, câu thơ đối, hoa văn, cảnh người, cảnh hoa, cảnh thiên nhiên... |
Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhằm giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển làng nghề từ thế XIV-XV đến nay và giới thiệu nghề gốm sứ truyền thống của làng Bát Tràng xưa và nay.
Đồng thời triển lãm cũng tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật, các nghệ nhân, thợ thủ công Bát Tràng thông qua các sản phẩm tinh xảo, độc đáo là kết quả của sự kết hợp giữa tâm hồn, sự sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người dân Bát Tràng qua các thời kỳ.
Cùng đó, triển lãm sẽ khẳng định những kết quả trong quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề, mở ra những cơ hội mới cho nghề gốm sứ truyền thống trên con đường hội nhập quốc tế hiên nay, đồng thời nâng cao nhận thức của nhân dân Bát Tràng trong việc bảo vệ sinh thái, phát triển nghề, làng nghề mang tính bền vững, và phát triển du lịch trong những năm tới.
Với chủ đề “Huyền thoại Gốm,” “Hoa của đất,” “Hội nhập,” “Lan tỏa,” người xem sẽ được các nghệ nhân giới thiệu quy trình sản xuất đồ gồm từ khâu chọn đất, xử lý pha chế đất đến tạo dáng, tạo hoa văn, phơi sấy sản phẩm và sửa hàng mộc; kỹ thuật vẽ, chế tạo men, tráng men...
Đồng thời các làng nghề gốm truyền thống Giang Cao, Kim Lan, Chu Đậu, Phù Lãng, Thổ Hà, Đông Triều, Hương Canh cùng tham gia triển lãm sẽ giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của mình và chia sẻ kinh nghiệm làm gốm.
Đặc biệt khách tham quan, du lịch sẽ được tự tay làm các sản phẩm và sẽ được giữ sản phẩm làm kỷ niệm. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5 - 9/10 tại thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Làng gốm sứ Bát Tràng - ngôi làng cổ khoảng 500 tuổi nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 10km về phía Ðông Nam, bên tả ngạn sông Hồng, trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tên xã Bát tức Bát Tràng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1352. Nhưng theo dã sử thì vào thời nhà Lý (1010-1225) dân từ xã Bồ Bát thuộc tỉnh Ninh Bình đến lập nghiệp tại vùng đất này và đặt tên là xã Bát Tràng. Sở dĩ người dân Bồ Bát chọn vùng đất này để lập nghiệp vì ở đây có đất sét trắng-một nguồn nguyên liệu tốt để cho ra những sản phẩm gốm có chất lượng cao. Hơn nữa, vùng đất này nằm cạnh bờ sông Nhị tức sông Hồng sẽ thuận lợi cho việc giao thông, chuyên chở và trao đổi hàng hóa. Từ khi những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng ra đời đã được các bậc vương giả quyền quý ở kinh thành Thăng Long cho đến nông phu chân lấm tay bùn ở thôn quê đều ưa chuộng. Không những thế, nhiều đồ gia dụng thường ngày ở Bát Tràng còn vượt ra biên giới đất Việt. Từ thế kỷ XV, đồ gốm Bát Tràng có mặt trong lễ vật triều cống cho các hoàng đế Trung Hoa-nơi có truyền thống làm gốm sứ từ hàng ngàn năm trước và nổi tiếng khắp thế giới. Từ đó về sau, thời đại nào, dù suy hay thịnh, thì làng gốm Bát Tràng vẫn khẳng định giá trị hàng hóa của mình, nghề gốm vẫn trụ vững và vượt qua mọi thử thách. Từ vài thập kỷ nay, sức sống của làng nghề truyền thống vẫn được thổi lên bởi ngàn lò gốm cháy rực suốt ngày đêm. Hiện nay, ở Bát Tràng nhiều lò gốm đã không dùng than, củi hay rơm rạ để đốt lò mà đã dùng lò công nghiệp đốt bằng ga nên hạn chế được sự ô nhiễm môi trường đồng thời cũng giảm được lượng phế phẩm. Theo các nghệ nhân của làng, đề tài phổ biến của các sản phẩm gốm Bát Tràng là hình rồng, phượng, câu thơ đối, hoa văn, cảnh người, cảnh hoa, cảnh thiên nhiên... đều phản ánh đời sống tâm linh và triết lý của con người Việt Nam. Từ các thế kỷ trước, gốm Bát Tràng chủ yếu là đồ thờ. Về sau gốm Bát Tràng đã có nhiều đồ gia dụng, phổ biến nhất là bát, đĩa, bình, lọ, ấm chén. Và ngày nay, gốm Bát Tràng đã có khá nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, bao gồm cả những mặt hàng mỹ nghệ như đĩa treo tường, lọ hoa, con giống, tượng phiên bản và phù điêu với kỹ thuật và công nghệ cao. Các bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật chế tạo đồ gốm sứ ở Việt Nam. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không những nổi tiếng trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới từ năm 1990 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước trong khối EU. Nhiều sản phẩm gốm cổ Bát Tràng đang được lưu trữ tại một số viện bảo tàng lớn trên thế giới như Viện bảo tàng Royaux - Bỉ, Viện bảo tàng Guimet - Pháp |
Anh Thư