Với cách hiểu này, đồng thời trên cơ sở tìm hiểu những vấn đề cơ bản về dạy học phân hóa, TS Lê Thị Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) - đưa ra một số gợi ý giúp giáo viên phân hóa nội dung dạy học phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh.
Khắc sâu kiến thức cơ bản
Điều đầu tiên được TS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh là khắc sâu những kiến thức cơ bản. Trong quá trình dạy học, học sinh được học rất nhiều khái niệm, quy tắc và nếu giáo viên không tổ chức tốt thì học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định những kiến thức, kĩ năng cơ bản, trọng tâm của bài học.
Vì thế, giáo viên có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn và nắm được ý nghĩa của tri thức được học thông qua việc nhấn mạnh những khái niệm hoặc quy tắc cơ bản, học “hiểu” chứ không phải học “vẹt”.
Khi đó, hệ thống tri thức mà các em thu được trong quá trình dạy học sẽ trở nên bền vững hơn và bằng cách này, học sinh có thể: Hiểu chứ không chỉ là ghi nhớ vấn đề; ghi nhớ các kiến thức lí thuyết và thực tiễn một cách có mục đích bởi vì nhận thấy điều đó có ý nghĩa;
Đồng thời, tìm ra mối liên hệ giữa các đối tượng và các khía cạnh của cùng một chủ đề; liên hệ kiến thức được học với thực tiễn cuộc sống; tìm ra mối liên hệ có ý nghĩa giữa những kiến thức này với các kiến thức được học trong thời gian tiếp theo.
TS Lê Thị Thu Hương cũng cho rằng: Nội dung, cấu trúc của chương trinh giao dục đổi mới sau 2018 xuất phát từ những yêu cầu hình thành các năng lực mà lựa chọn nôi dung dạy học; ưu tiên những kiến thức cơ bản, hiện đại nhưng gắn bó thiết thực với những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày, tránh hàn lâm/kinh viện. Ưu tiên thực hành/vận dụng, tránh lý thuyết suông; tăng cường hứng thú, hạn chế quá tải.
Do đó, để thực hiện “đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”, trước hết cần phát triển ở mọi cá nhân giáo viên năng lực phát triển chương trình sách giáo khoa.
Chuẩn bị chu đáo nguồn học liệu
Bên cạnh khả năng xây dựng nội dung dạy học phân hóa, TS Lê Thị Thu Hương cũng nhấn mạnh đến năng lực thiết kế và sử dụng các nguồn học liệu trong quá trình dạy học.
"Để quá trình dạy học đạt hiệu quả tốt nhất, giáo viên cần có sự chuẩn bị chu đáo về môi trường dạy học, điều kiện và phương tiện dạy học,...
Muốn nâng cao tác dụng tích cực của các phương pháp dạy học, cần sử dụng đủ và hiệu quả các thiết bị dạy học, phương tiện dạy học trong nhà trường. Cần quán triệt rằng phương tiện dạy học không chỉ là vật minh họa mà phải là công cụ để hỗ trợ dạy học. Tri thức được chứa đựng trong phương tiện dạy học và phương tiện dạy học trở thành giá mang tri thức.
Mỗi giờ học, mỗi nội dung dạy học, mỗi đối tượng học sinh cần sử dụng các phương tiện dạy học khác nhau nên giáo viên phải có ý thức chuẩn bị chu đáo và phối hợp sử dụng các phương tiện dạy học một cách hợp lí nhất để phát huy tối đa sức mạnh tổng thể của các phương tiện dạy học"- TS Lê Thị Thu Hương lưu ý.
Cũng theo TS Lê Thị Thu Hương, trong dạy học phân hóa, giáo viên nên thiết kế các tài liệu bổ sung phục vụ cho quá trình dạy học bằng cách: Chia nhỏ khối kiến thức; đánh dấu nội dung của tài liệu; cung cấp những bản tóm lược vấn đề cơ bản; sử dụng phiếu học tập như là công cụ giao bài tập, nhiệm vụ cho từng đối tượng học sinh.
Các nguồn học liệu sử dụng bên cạnh SGK cũng cần phù hợp với đối tượng học sinh. Theo đó, những học sinh khá - giỏi nên được giới thiệu các cuốn sách tham khảo nâng cao, các cuốn sách bồi dưỡng học sinh giỏi;
Học sinh có trình độ nhận thức trung bình - yếu cần tham khảo thêm các sách bài tập đơn giản như bài tập trắc nghiệm, luyện giải để củng cố kiến thức cơ bản vững chắc cho các em.
"Sự ra đời của các phần mềm dạy học như Graph, Power Point, Violet,... là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc giảng dạy của giáo viên cũng như học tập của học sinh.
Sử dụng các nguồn tài liệu học tập khác nhau và kết hợp chúng với những phương tiện dạy học khác sẽ giúp giáo viên tiếp cận gần hơn với nhu cầu học tập của từng cá nhân học sinh. Giáo viên có thể thu thập các tài liệu học tập này thông qua sách, báo, sách tham khảo, internet" - TS TS Lê Thị Thu Hương cho biết thêm.
Phối hợp linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học
Giáo viên nên sử dụng các hình thức tổ chức dạy học đa dạng như: Toàn lớp, nhóm nhỏ, cá nhân,... tùy thuộc vào điều kiện dạy học, đối tượng học sinh và nội dung dạy học.
Bên cạnh đó, giáo viên cần sử dụng các chiến lược dạy học khác nhau nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập của đa dạng học sinh. Một số kế hoạch dạy học thường áp dụng là: Thông qua nhóm học tập, sắp xếp các hoạt động, học độc lập, điều chỉnh câu hỏi,...
Thông thường, trong lớp học có nhiều trình độ, các phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo; dạy học dựa trên dự án, dạy học hợp đồng,. tỏ ra rất hiệu quả, đặc biệt là đối với những học sinh khá - giỏi.
Những phương pháp dạy học này cũng được áp dụng đối với những đối tượng học sinh gặp nhiều khó khăn khi học tập bên cạnh các phương pháp thực hành, luyện tập, gợi mở - vấn đáp.
Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc: Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên, trong đó chú trọng rèn luyện tư duy logic, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo của học sinh thông qua các hoạt động phân tích, tổng hợp, so sánh, vận dụng kiến thức lí thuyết vào giải quyết một số bài toán thực tế và một số vấn đề của môn học khác.
Tăng cường vận dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học hợp tác, lí thuyết tình huống. Dạy phương pháp học, đặc biệt là phương pháp tự học, tăng cường năng lực làm việc với sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, rèn luyện kĩ năng tự học.
Việc sử dụng các phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện dạy học cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như cá nhân, học nhóm, học trong lớp, ngoại khóa.
Chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành vào thực tiễn, nâng cao hứng thú học tập cho học sinh. Phải làm sao để cho người học được “suy nghĩ nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn”, được “học tập trong hoạt động và bằng hoạt động”.
Trong một tiết học, thậm chí trong từng hoạt động dạy học, giáo viên có thể cần kết hợp các hình thức tổ chức dạy học khác nhau tùy theo đối tượng học sinh, phụ thuộc vào nội dung dạy học, trang thiết bị vốn có.
Vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học trong một lớp học có nhiều trình độ sẽ phát huy tính tích cực, tinh thần hợp tác của học sinh. Nhờ vào những hình thức tổ chức dạy học này, học sinh không chỉ chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng mà còn được rèn luyện các phẩm chất, thái độ cần thiết khác.
Năng lực rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn dạy học
TS Lê Thị Thu Hương cũng lưu ý, giáo viên cần rút ra những kinh nghiệm dạy học cho mình; cần kiểm tra xem khi nào và làm thế nào để học sinh có thể chia sẻ kiến thức và hiểu biết mà mình đã có với các bạn khác trong lớp?
"Có thể cho học sinh viết ra các thông tin, kiến thức để những em khác đọc và nhận xét; trình bày kiến thức đó cho một nhóm hay toàn lớp; cung cấp các nguồn tài nguyên học tập cho các bạn khác sử dụng hoặc thiết kế các hoạt động cho bạn khác thực hiện" - TS Lê Thị Thu Hương cho biết.