Tự chủ tài chính của các trường đại học tại các quốc gia trên thế giới là sự kết hợp hành lang pháp lý do Chính phủ ban hành cộng với nỗ lực tự thân của các trường đại học dựa trên hành lang pháp lý. Hành lang pháp lý do Chính phủ ban hành thường nhắm đến hai tiếp cận chính sách gồm: Chính phủ đảm bảo các tài trợ công chiến lược nhưng vẫn cắt giảm nguồn ngân sách tài trợ nhằm tạo động lực/áp lực cho trường đại học nỗ lực tìm kiếm nguồn thu và sử dụng hiệu quả nguồn thu; Nới lỏng các chính sách tạo nguồn thu và đa dạng hóa nguồn thu để đại học có khả năng đầu tư và phát triển bền vững. Từ hai tiếp cận chính sách này, kinh nghiệm tự chủ tài chính đại học ở các quốc gia trên thế giới tập trung vào ba khía cạnh sau: Phân bổ nguồn ngân sách công cho hệ thống đại học; Quy định về khả năng vay mượn từ thị trường tài chính của trường đại học; Khung pháp lý thúc đẩy nỗ lực tự thân đa dạng hóa nguồn thu của trường đại học.
Ngân sách tài trợ của Chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng
Tự chủ tài chính đại học không đồng nghĩa với việc Chính phủ cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ. Nguồn ngân sách tài trợ của Chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các trường đại học, bởi lẽ nguồn ngân sách này tạo nền tảng vững chắc để trường đại học chuyển dần sang mô hình tự chủ tài chính. Điển hình là các quốc gia trên thế giới, dù đã triển khai tự chủ tài chính từ những năm 1980, nhưng đến nay vẫn duy trì nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ một phần cho các trường đại học.
Hiện nay, hệ thống trường đại học tại Việt Nam còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đa dạng hóa nguồn thu, nguồn thu chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào học phí và lệ phí. Do đó, việc Nhà nước cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ sẽ tạo ra những khó khăn rất lớn cho trường đại học trong việc duy trì quá trình hoạt động ổn định.
Vì vậy, gói tài trợ từ Chính phủ cần hướng đến các trường đại học được cho phép tự chủ hoàn toàn, cụ thể là phải tập trung vào các lĩnh vực như: Hình thành campus đại học đúng nghĩa; các phòng thí nghiệm có khả năng tiếp cận nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; thu hút sinh viên quốc tế và thu hút học giả quốc tế phát triển nghiên cứu; cơ chế học bổng đào tạo nghiên cứu sinh trong nước có khả năng công bố quốc tế; nguồn tài trợ cho các tạp chí học thuật phát triển hệ thống xếp hạng quốc tế; nguồn tài trợ nghiên cứu công bố quốc tế và nghiên cứu chuyển giao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Thiết kế cơ chế chính sách cụ thể để phân bổ nguồn ngân sách công
Chính phủ cần có thiết kế cơ chế chính sách cụ thể để phân bổ nguồn ngân sách công cho trường đại học một cách hợp lý. Hiện nay, hình thức gói tài trợ (block grant) được nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Úc và châu Á áp dụng. Việc triển khai hình thức này mang lại ba tác động tích cực.
Thứ nhất, Nhà nước giảm thiểu được một phần gánh nặng về ngân sách tài trợ cho giáo dục đại học.
Thứ hai, chính sách này khuyến khích các trường đại học sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả và tránh lãng phí.
Thứ ba, cơ chế phân bổ nguồn ngân sách theo hình thức gói tài trợ dựa trên nền tảng đánh giá kết quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu cụ thể hàng năm của trường đại học, chẳng hạn như căn cứ vào tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên cơ hữu, số bài báo công bố quốc tế và trích dẫn từ giảng viên và nghiên cứu sinh, số nghiên cứu được chuyển giao cho các ngành kinh tế và địa phương, số chuyên ngành đào tạo được kiểm định, tài trợ khuyến khích bổ sung cho các quỹ nghiên cứu huy động từ các khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Điều này không chỉ tạo động lực để các trường phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, mà còn tạo ra cơ chế cạnh tranh giữa các trường đại học trong việc dành được các gói tài trợ từ Chính phủ, và từ cơ chế này hệ thống đại học sẽ phát triển bền vững gắn với các kết quả theo hướng quốc tế hóa.
Nới lỏng các quy định về tài chính, cho phép hoạt động như một doanh nghiệp
Chính phủ cần nới lỏng các quy định về tài chính cho trường đại học, cho phép hoạt động theo một cơ chế như một doanh nghiệp. Đây là tiền đề để trường đại học có thể vay mượn nguồn tài chính từ thị trường tài chính, hoặc mua bán bất động sản, hoặc sử dụng các bất động sản để thực hiện các kinh doanh dịch vụ gắn với năng lực đào tạo và nghiên cứu nhằm gia tăng nguồn thu phục vụ cho hoạt động.
Thông lệ của một số quốc gia phát triển cho thấy rằng, Nhà nước cho phép trường đại học sở hữu các hình thức bất động sản như đất và các tòa nhà, và được toàn quyền quyết định việc mua bán và sử dụng các bất động sản trên theo chiến lược tổng thể của trường gắn với lợi ích chung của quá trình đào tạo và nghiên cứu và phát triển cơ sở vật chất.
Hoặc ở một số quốc gia khác, trường đại học có tư cách pháp nhân để thực hiện các giao dịch vay mượn từ thị trường tài chính đáp ứng cho nhu cầu phát triển chiến lược của trường đại học. Chính các chính sách trên góp phần nâng cao tính tự chủ của trường đại học, tạo động lực để trường đại học sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả và tối ưu hơn.
|
Khuyến khích hoạt động trên tinh thần kinh doanh
Sự kết hợp giữa hành lang chính sách của Nhà nước và nỗ lực của tự thân trường đại học về đa dạng hóa nguồn thu. Chính phủ cần khuyến khích các trường đại học hoạt động trên tinh thần kinh doanh, đồng thời tạo hành lang chính sách thuận lợi để trường đại học tiến tới tự chủ tài chính thông qua hai hoạt động sau.
Thứ nhất, đó là cải thiện các nguồn thu hiện có (như học phí, các dịch vụ liên quan đến nghiên cứu khoa học, tài trợ tư nhân và các giải thưởng), và quản lý tài chính hiệu quả hơn thể hiện qua việc tối ưu hóa hoạt động thu và chi.
Thứ hai, đó là chủ động tìm kiếm các nguồn thu mới như sự hiến tặng và tài trợ của cựu sinh viên, mua bán bất động sản, vay mượn từ thị trường tài chính và các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học. Điều này tạo cơ sở để các trường đại học dần nâng cao năng lực tự chủ và hướng đến mô hình trường đại học tự chủ.
Song song đó, trường đại học cũng cần phát huy tối đa tính chủ động và năng lực đổi mới sáng tạo trong việc tìm kiếm các nguồn thu mới; mạnh dạn triển khai các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học theo định hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế nhằm gia tăng tính đa dạng của nguồn thu.
Sau cùng, thực hiện những chính sách trên là bước đầu trong quá trình chuyển dần quyền điều hành từ Nhà nước sang trường đại học trên tất cả các khía cạnh gồm tài chính, học thuật, nhân sự và quản trị tổ chức. Hay nói cách khác, đây là tiến trình chuyển đổi cơ chế quản lý hệ thống giáo dục đại học từ mô hình Nhà nước điều hành thành mô hình Nhà nước giám sát theo thông lệ quốc tế.