Đề nghị tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Trên địa bàn tỉnh có những xã sau sáp nhập có đến 3 trường tiểu học. Đề nghị Bộ GD&ĐT tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên cho ngành Giáo dục tỉnh bảo đảm số lượng giáo viên

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên cho ngành Giáo dục trong tỉnh bảo đảm số lượng giáo viên đứng lớp, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ Nội vụ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương rà soát biên chế, thực hiện biên chế để báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế (Công văn số 6450/BNV-TCBC ngày 5/12/2020 về việc điều chỉnh biên chế sự nghiệp ngành Giáo dục). 

Vì vậy, để bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên cho ngành Giáo dục trong tỉnh, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với UBND tỉnh chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ GD&ĐT luôn ủng hộ việc bổ sung biên chế cho địa phương nhằm đáp ứng đủ về số lượng nhà giáo trong công tác dạy học và sớm có ý kiến thẩm định gửi Bộ Nội vụ khi nhận được đề xuất của địa phương.

Về xem xét giải quyết những bất cập và tâm tư của người dân trong lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 cho từng trường, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng theo lộ trình từ năm học 2020 - 2021.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, sở giáo dục và đào tạo, phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương tổ chức thực hiện lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, bảo đảm việc học tập của học sinh đỡ bị xáo trộn, và trước mắt thực hiện tốt ở lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế cho Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT. Như vậy, sau ngày 1/7/2020, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lựa chọn, quyết định sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ