Bất cập biên chế giáo viên trước thềm năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2019 - 2020 sắp bắt đầu nhưng nỗi lo về biên chế giáo viên của các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn đó. Đặc thù vùng bị chia cắt bởi sông rạch, nhiều điểm trường nên giáo viên phải bảo đảm theo số trường, lớp. Nếu “căn” theo chủ trương tinh giản biên chế, cắt giảm cơ học, nguy cơ học sinh bỏ học, trường thiếu giáo viên là không thể tránh khỏi!

Cô trò Trường TH A thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau).	Ảnh: Quốc Ngữ
Cô trò Trường TH A thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau). Ảnh: Quốc Ngữ

Nhiều năm xin biên chế chưa xong

Đó là tình cảnh hết sức khó khăn của tỉnh Kiên Giang. Hơn 5 năm qua, năm nào tỉnh cũng kêu than thiếu giáo viên, gửi văn bản khắp nơi xin biên chế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Chỉ ra cái khó nhất ngành đang gặp phải, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận: “Nguồn lực con người (biên chế, tuyển dụng) cho đến tài chính ngành Giáo dục không thể chủ động thì rất khó!”. Nguyên nhân do trước đây, Trung ương giao quyền quyết định biên chế giáo viên cho địa phương, cần đến đâu giao đến đó. Nhưng sau khi có Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập phải được Bộ Nội vụ trình Chính phủ mới được thực hiện nhưng việc phê duyệt này rất chậm…

 

Cần có chính sách đặc thù cho giáo dục vùng ĐBSCL, đặc biệt là suất đầu tư cho ngành. Bộ GD&ĐT cần tích cực tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách riêng cho vùng để vực dậy chất lượng GD-ĐT của khu vực, trong 5 năm tới, ít nhất cũng bằng với bình quân chung của cả nước… Định hướng sắp xếp đội ngũ giáo viên của tỉnh sẽ thực hiện với tinh thần chung là giữ ổn định, sắp xếp hợp lý... 

 

Ông Nguyễn Minh Luân -

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, năm học 2018 - 2019, tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non chiếm khoảng 60 - 70%. Câu chuyện thiếu giáo viên của tỉnh không phải mới đây mà kéo dài từ năm 2015. Điều khó khăn nhất là từ năm 2015 đến nay, tỉnh chưa được giao thêm biên chế ngành Giáo dục.

Đã thiếu giáo viên nhưng không được bổ sung, trong khi đó ngành vẫn phải thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế từng năm. Cụ thể, năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục Kiên Giang cần thêm 543 giáo viên cho các cấp học nhưng chỉ được bổ sung 53 biên chế trong khi phải tinh giản 356 biên chế theo kế hoạch năm 2016. Năm học 2017 - 2018, tỉnh cần thêm 709 biên chế nhưng không được bổ sung và tiếp tục tinh giản 241 biên chế theo kế hoạch năm.

Đến năm học 2018 - 2019, thiếu 906 giáo viên so với quy mô học sinh nhưng vẫn không được bổ sung… Vì lý do này, ngành Giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều bất cập cho dù đã đề nghị rất nhiều lần với Bộ Nội vụ, tổ chức đoàn đến làm việc với các cơ quan Trung ương; dù đã được ghi nhận nhưng vẫn chưa được giải quyết!

Tỉnh Cà Mau cũng gặp khó khăn lớn về biên chế giáo viên. Do số lượng người làm việc được giao thấp hơn so với số lượng định mức giáo viên đủ để giảng dạy ở tất cả các môn học (chủ trương không cho hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ). UBND tỉnh đã tham mưu với HĐND tỉnh tạm thời điều chuyển 615 biên chế viên chức (số lượng người làm việc) từ sự nghiệp y tế sang giáo dục.

Theo ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, là vùng ngập nước, sông ngòi chằng chịt, điều kiện đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn nên tỉnh phải bố trí nhiều điểm trường lẻ và giáo viên.

Học sinh tỉnh Cà Mau đến trường bằng đò. Ảnh: T.G
  • Học sinh tỉnh Cà Mau đến trường bằng đò. Ảnh: T.G

Cần cơ chế đặc thù cho vùng

Theo thống kê, 13 tỉnh, thành ĐBSCL thiếu 11.637 giáo viên mầm non, 2.583 giáo viên tiểu học, 2.157 giáo viên THCS, 401 giáo viên THPT. Tuy nhiên, toàn vùng cũng thừa 1.686 giáo viên tiểu học, 1.073 giáo viên THCS, 3.579 giáo viên THPT. Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành GD-ĐT các địa phương, hiện nay vùng cần dự báo nhu cầu đào tạo, đặc biệt là đào tạo ngành sư phạm.

Tiếp đến là thực hiện việc sắp xếp trường lớp, tinh giản đội ngũ một cách hợp lý. Quan trọng nhất là cần tính toán lại định mức giáo viên từng cấp học, từng địa bàn và không tinh giản biên chế một cách cơ học đối với đội ngũ giáo viên. Đối với vùng ĐBSCL cần có cơ chế đặc thù để ngành Giáo dục tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, việc phân bổ biên chế theo số lượng học sinh như hiện nay là chưa hợp lý đối với vùng sâu, vùng xa. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 700 trường học mà có tới 1.900 điểm trường lẻ. “Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm trường lẻ. Khoảng cách các điểm từ 5 - 10km nên không thể giảm hơn được nữa. Việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp tưởng như thuận lợi nhưng đây là vùng nông nghiệp lúa nước nên rất khó khăn. Kênh rạch giao thông chằng chịt, quy mô trường lớp rất lớn nhưng học sinh phân tán nhiều nơi. Do vậy, khi bố trí đầu tư nên có cơ chế đặc thù cho vùng” - bà Nguyễn Thị Minh Giang cho biết.

Trao đổi về vấn đề biên chế giáo viên, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Xác định GD-ĐT là ngành đặc thù nên khi thực hiện tinh giản biên chế thì Sở GD&ĐT tham mưu, xây dựng đề án riêng. Nếu giao cho Sở Nội vụ triển khai đề án này thì sẽ gây xáo trộn. Trước hết, quy mô trường lớp học, việc sáp nhập phải hợp lý, đảm bảo cự ly, không quá nhiều các điểm lẻ, không gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo. Việc thực hiện tinh giản biên chế phải bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo quy định giáo viên/lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ