Bộ GD&ĐT cho biết: Trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến GDMN, ban hành nhiều đề án, chính sách phát triển GDMN như: Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; Đề án Phát triển GDMN giai đoạn 2018 - 2025; Nghị định của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách đối với GV mầm non...
GV mầm non, ngoài được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như GV ở các cấp học khác, ở trường vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn và đặc biệt khó khăn, GV mầm non còn được thanh toán tiền tài liệu khi trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số; được hỗ trợ thêm 1 khoản bằng tiền với việc dạy trực tiếp 2 buổi/ngày tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở điểm lẻ, hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiếu số...
Tuy nhiên, đời sống của nhiều GV mầm non vẫn còn khó khăn, nhất là những GV mới vào nghề hoặc GV hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu GV mầm non (theo định mức) vẫn còn ở hầu hết các địa phương. Điều này gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp GV và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Để quan tâm hơn nữa đối với GDMN về chế độ, chính sách, biên chế GV mầm non, Bộ GD&ĐT theo thẩm quyền đã xây dựng, đề xuất chính sách tiền lương và phụ cấp ngành Giáo dục gửi Bộ Nội vụ. Trong đó, chú ý đến cải thiện mức lương, phụ cấp ưu đãi nghề cho GV mầm non so với GV ở các cấp học khác.
Với việc khắc phục tình trạng thiếu GV ở cấp học mầm non, trong năm 2019, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non của 14 tỉnh tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên (Bộ Nội vụ đã giao số biên chế trên cho các địa phương). Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo địa phương rà soát về biên chế, hợp đồng GV để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ đề nghị xem xét ban hành Nghị quyết cho phép không tinh giản biên chế đối với GV mầm non, tiếp tục hợp đồng GV mầm non.
Để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất như: Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình GDMN và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025... Các chương trình, đề án có nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương khó khăn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để địa phương huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho trường học. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; bảo đảm ngân sách địa phương chi cho GD&ĐT, dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ.
Khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và phân bổ, bố trí kinh phí cho các địa phương đặc biệt khó khăn.