Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức hội nghị, họp, dạy học... bằng hình thức trực tuyến để áp dụng rộng rãi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Ứng phó dịch Covid-19 trong thời gian qua cho thấy, các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức đào tạo trực tuyến (ĐTTT) theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (Công văn 795/BGDĐT-GDĐH về việc triển khai công tác đào tạo từ xa (ĐTTX) ứng phó dịch Covid-19, Công văn 988/BGDĐT-GDĐH về việc bảo đảm chất lượng ĐTTX trong thời gian phòng chống dịch Covid-19). 

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức 2 hội nghị trực tuyến: Hội nghị ĐTTT trong dịch Covid-19 và Hội nghị trực tuyến đánh giá chất lượng dạy học qua Internet và trên truyền hình. Một số ý kiến phản hồi cho thấy, mô hình tổ chức dạy học trực tuyến được triển khai hiệu quả ở một số cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm về triển khai công tác ĐTTX, ĐTTT, đặc biệt trong thời gian ứng phó dịch Covid-19. Một số cơ sở đào tạo đã tích cực đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ ĐTTT từ các công ty, cơ sở đào tạo đã có hệ thống ĐTTX để triển khai chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang ĐTTT.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức ĐTTT để có chính sách phù hợp cho cơ sở đào tạo có thể chuyển đổi sang mô hình ĐTTT hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm khai thác tối đa ưu điểm của hình thức đào tạo này. 

Với giáo dục phổ thông, để đối phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT  liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc dạy - học từ xa qua truyền hình, trực tuyến qua mạng Internet; hướng dẫn xây dựng chương trình, học liệu, tổ chức giảng dạy, đánh giá công nhận kết quả và huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cần thiết. 

Cụ thể: Cho phép cơ sở giáo dục được áp dụng các hình thức dạy học qua Internet khi học sinh nghỉ học do dịch Covid-19, khi học sinh quay trở lại trường học, nhà trường tổ chức đánh giá và công nhận kết quả học tập qua các hình thức từ xa; đóng góp xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình học tập trực tuyến qua Internet. 

Đánh giá bước đầu cho thấy, dạy học trực tuyến đã đáp ứng phần nào chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”; cải thiện khả năng ứng dụng CNTT của giáo viên và tính tự giác, tự học của học sinh; tuy nhiên chất lượng, tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến không đồng đều giữa các địa phương (tỉ lệ cao hơn các thành phố, vùng đồng bằng), giữa các bậc học (tăng dần từ tiểu học, THCS đến THPT), giữa các khối học, môn học (hiện tập trung nhiều ở các môn Toán, Văn, Tiếng Anh) và giữa các trường công lập, tư thục (các trường tư có điều kiện hơn các trường công lập). 

Để phát huy thế mạnh của dạy và học trực tuyến, Bộ GD&ĐT tiến hành khảo sát và xây dựng dự thảo Thông tư quy định các việc dạy học trực tuyến trong trường phổ thông để hướng dẫn các địa phương, nhà trường chủ động áp dụng hình thức này phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Dự kiến Thông tư sẽ hoàn thiện và ban hành áp dụng từ năm học mới. Theo đó, dạy - học trực tuyến được coi là một phần của hoạt động dạy - học (không chỉ là giải pháp tình thế), có các mức độ ứng dụng phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...