Còn người… còn của

GD&TĐ - Cho dù người Anh đã thắp lên những ngọn nến tưởng niệm 39 người chết trong container đông lạnh khi nhập cư vào Anh, thì chúng ta vẫn còn có quyền hy vọng khi chưa có các kết quả xét nghiệm để khẳng định trong đó có người Việt. Nhưng đây cũng là lúc phải ngẫm lại về những cuộc ra đi của người lao động sang nước ngoài.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hàng loạt nỗ lực đang được đồng loạt triển khai từ phía Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và chính quyền các địa phương có 14 gia đình trình báo nghi vấn thân nhân mất tích khi sang Anh. Phía Việt Nam và Anh cũng đã có những cuộc điện đàm, các trao đổi hồ sơ những người nghi mất tích.

Việc xác định nhân thân nạn nhân phải rất thận trọng và chỉ có thể bằng phương pháp sinh trắc học mới bảo đảm chính xác, chứ không thể chỉ là nhận diện; do đó công tác này mất ít nhất một tuần - cảnh sát Anh đã thông báo như vậy. Nghĩa là vẫn có thể còn hy vọng cho các gia đình đã trình báo về việc con em họ mất tích. Rất có thể người thân của họ ở trên 2 xe container khác cùng nhóm, chứ không chắc đã là chiếc xe định mệnh chở 39 người này.

Cho dù dư luận có tranh cãi nhiều thế nào, thì công việc phối hợp giữa Việt Nam và Anh vẫn đang diễn ra rất cấp tập. Một thảm kịch quá lớn, nghi vấn quá lớn, chính vì thế việc xác định danh tính nạn nhân lại càng không được phép vội vàng. Mọi sự phán xét nóng vội sẽ chỉ cản trở cuộc tìm kiếm này và cản trở việc chúng ta có cái nhìn bình tĩnh, tỉnh táo để ngăn chặn những cuộc ra đi bất hợp pháp của người lao động, ngăn chặn những thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.

Cho dù các nạn nhân chưa được xác nhận là người Việt, cũng cần nhận thức rõ tình trạng không ít người Việt nhập cư lậu vào Anh bị bóc lột nặng nề hoặc bị đưa vào những trang trại trồng cần sa bất hợp pháp của bọn tội phạm đã diễn ra từ lâu.

Báo cáo hàng năm về người nhập cư bất hợp pháp ở Anh, mà chính phủ Anh gọi là những nô lệ thời hiện đại, có cho biết, trong quý II năm 2018 hơn 2.300 người có nguy cơ trở thành nô lệ thời hiện đại vì bị bóc lột sức lao động, trong đó người Việt là nhóm đông thứ ba trong số này.

Bọn buôn người và những người đã nhập cư trót lọt trước đó phóng đại viễn cảnh sang Anh dễ dàng và làm giàu không khó; đưa ra những lời hứa giả dối về giấc mơ đổi đời khiến nhiều người, dù không bị thôi thúc về các lý do kinh tế trước mắt, cũng chấp nhận đi chui, thậm chí được gia đình ủng hộ, bất chấp các rủi ro. Thực trạng này diễn ra cả chục năm qua, trước hết do thông tin về tình trạng của người nhập cư lậu dường như đã không đến được tận địa phương.

Các chương trình tăng cường nhận thức về di cư, buôn bán người cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ để người dân hiểu về sự nguy hiểm khi đến Anh bất hợp pháp. Việc xử lý nạn buôn người dường như chưa đủ mạnh, có lẽ do tội phạm buôn người không được xem là nguy hiểm tức thời như buôn bán ma túy, càng tạo nên kẽ hở cho các đường dây buôn người hoành hành, lợi dụng nhận thức không đầy đủ của người dân.

Những cơ hội kinh tế, giáo dục, việc làm trong nước đang ngày càng mở rộng. Không có sự giàu có chóng vánh nào là bền vững, là đáng để đánh đổi cuộc đời của những người lao động. Bởi thực tế, khi họ chấp nhận ra đi bất hợp pháp như thế, họ đã để những đồng tiền mà gia đình phải đi vay rơi vào túi bọn môi giới, bọn buôn người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ