Chuyện gì ở Khánh Hòa?

GD&TĐ - Kể từ năm 1945 đến nay, chưa có một địa phương nào mà “nguyên cụm lãnh đạo” bị kỷ luật như ở tỉnh Khánh Hòa mới đây.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch đương nhiệm Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch Đào Công Thiên đều bị cách hết các chức vụ trong Đảng.

Riêng ông Trần Sơn Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng; còn ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ từ 2010 đến nay thì tạm không xem xét kỷ luật vì đang điều trị bệnh hiểm nghèo. Toàn bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thì bị cảnh cáo!

Những người không mấy quan tâm đến thế sự ở Khánh Hòa, khi nghe ti vi phát bản tin về việc này từ Ban Bí thư Trung ương đã ngơ ngác nhìn nhau và hỏi: Vì sao lại như thế? Còn những ai theo dõi sự “chuyển động” của địa phương này suốt 10 năm qua thì có thể tự trả lời được một phần nguyên nhân dẫn đến bị kịch đó.

Thành phố Nha Trang đã thật sự “lột xác” trong khoảng 10 năm trở lại đây. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về Nha Trang với tốc độ tăng trưởng phi mã. Những cao ốc chọc trời ngày một giăng kín thành phố, nhất là các trục đường ven biển.

Nhà cao tầng bây giờ ở Nha Trang chẳng thua kém bất cứ một thành phố lớn nào trên cả nước, đủ thấy tốc độ phát triển của Khánh Hòa như thế nào. Mỗi mét vuông đất ở một số tuyến đường ven biển Nha Trang được tính bằng hàng trăm triệu đồng nhưng cũng không còn để giao dịch nữa rồi. Nhưng nhà ở Nha Trang ngày càng cao, đất càng lên giá thì cũng là lúc lòng tin của người dân đối với chính quyền ngày càng hao khuyết.

Ông chủ tịch tỉnh nào lên nắm quyền cũng lo chăm chắm đến chuyện bán đất công sản, được núp dưới vỏ bọc mỹ miều là “đổi đất lấy hạ tầng” để phát triển thành phố. Có những khu “đất vàng” như Trường Chính trị tỉnh mà định giá có từ 7,8 triệu đến 22,5 triệu/m2, trong khi giá thị trường thời điểm mà tỉnh giao cho doanh nghiệp (2016) là 380 - 400 triệu/m2.

Rồi sân bay cũ ở Nha Trang cũng chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức BT để họ phân lô bán nền. Cả một vùng núi non trùng điệp ở phía tây thành phố đã được tỉnh giao cho các doanh nghiệp thi nhau băm vằm tan nát để xây biệt thự vườn đồi và “du lịch tâm linh”. Có thời điểm, tỉnh này còn có ý định giao luôn trụ sở của UBND tỉnh và một số sở ngành ven đường Trần Phú cho doanh nghiệp xây khách sạn và căn hộ du lịch.

Cũng may là Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời “thổi còi”, nếu không thì cả khuôn viên của Trường Cao đẳng Sư phạm nằm sát biển cũng thành khách sạn hoặc căn hộ du lịch rồi.

“Cái gì bán được cho doanh nghiệp là bán tất”, đó là câu cửa miệng mà người Nha Trang dành cho những người lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong hai nhiệm kỳ qua.

Điều mà những vị lãnh đạo cựu trào ở Khánh Hòa cũng như dân tỉnh này băn khoăn là từ 10 năm qua, rất nhiều cuộc thanh tra kiểm tra ở Trung ương liên tục về Khánh Hòa để “nắm bắt tình hình” nhưng hầu như không có một lời cảnh báo nào từ chuyện bán đất vàng nói trên để đến khi không gì có thể bưng bít được nữa thì mới kỷ luật tập thể cả Ban thường vụ như mọi người đã biết.

Một cuộc đại phẫu như thế dù có đau đớn nhưng cần thiết vào lúc này. Mong cuộc “đại phẫu” về đất và nhà công sản không chỉ dừng lại ở Khánh Hòa hay Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.