Cần mạnh tay trấn áp “tín dụng đen“

GD&TĐ -  Ngày 8-3, tại tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị bàn và triển khai các giải pháp nhằm hạn chế "tín dụng đen". Thông tin tại hội nghị theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã hình thành tới 210 băng nhóm với khoảng 1.600 đối tượng cho vay lãi suất cao - tín dụng đen...

Nhiều vụ tín dụng đen đã được cơ quan công an triệt phá. Ảnh DĐDN
Nhiều vụ tín dụng đen đã được cơ quan công an triệt phá. Ảnh DĐDN

Hậu quả của tín dụng đen thật sự khủng khiếp, khi lãi suất lên đến 365%/năm. Bốn năm qua, cả nước ghi nhận hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp giật, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 165 vụ hủy hoại tài sản...

Hiện nay, ngành Công an đang triển khai các giải pháp để trấn áp tội phạm hoạt động theo kiểu "tín dụng đen", nhiều đối tượng đã bị xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băng nhóm đang ngấm ngầm chờ thời cơ hoạt động trở lại. Để đối phó với lực lượng chức năng, bọn chúng thay đổi nhiều cách thức hoạt động một cách tinh vi, khó phát hiện. Vậy nên, "tín dụng đen" vẫn là nỗi lo của người dân và xã hội, chỉ cần lơ là trấn áp, ngăn chặn là bọn chúng lại ngóc đầu lên để hoạt động,

Thành phần vay "tín dụng đen" rất đa dạng, số vụ vay nợ với yêu cầu chính đáng rất thấp, trong khi đó số vụ có người vay nợ nhằm phục vụ nhu cầu ăn chơi, cờ bạc…lại chiếm đa số.

Khi cho vay, bọn chúng tìm hiểu kỹ nhân thân và điều kiện kinh tế của người vay, nếu người vay không trả tiền thì thực hiện các hành vi bắt cóc, tống tiền, uy hiếp, bắt người thân phải mang tiền trả nợ. Nếu không, bọn chúng sẽ tra tấn dã man con nợ, đã có trường hợp dẫn đến tử vong. Bọn chúng còn dồn nạn nhân "tín dụng đen" vào đường cùng phải phạm tội để có tiền trả nợ, nhiều người không chịu nỗi phải chạy trốn hoặc tự tử; ngoài ra, bọn chúng còn nhắm đến người thân của các con nợ, bắt phải trả nợ thay bằng cách dụ dỗ, đe dọa hoặc ép viết giấy nhận nợ...

Để tìm kiếm "con mồi", bọn chúng cho người đi thăm dò những người có nhu cầu vay, sau đó hứa hẹn cho vay với lãi suất thấp nhưng sau đó người vay mới vỡ lẽ là đang "dính bẫy" của "tín dụng đen".

Để dứt tín dụng đen, nhiều người đã cầm cố tài sản để trả nợ nhưng khi mang tiền đi trả nợ thì bọn chúng cố tình né tránh, không để người vay có cơ hội trả nợ, đây là một trong những thủ đoạn khá phổ biến trong thời gian qua.

Ngân hàng nhà nước hiện đang đề ra giải pháp để ngăn chặn "tín dụng đen" bằng cách cho vay tiêu dùng với thủ tục gọn, nhẹ để hạn chế việc người dân tiếp cận với "tín dụng đen". Tuy nhiên, như đã đề cập trên, đối tượng vay đa số là người nghiện ngập, lô đề, cờ bạc...thì không thể tiếp cận được nguồn vốn này của Ngân hàng, vì vậy, đây chưa phải là giải pháp căn bản để ngăn chặn "tín dụng đen".

Để đẩy lùi "tín dụng đen", thiết nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như ngành Công an đã thực hiện thời gian qua. Đặc biệt, là phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong việc rà soát, nắm bắt các đối tượng cho vay nặng lãi và các thủ đoạn hoạt động của chúng; siết chặt quản lý hoạt động của các tiệm cầm đồ trên địa bàn; nghiêm cấm việc phát tờ rơi, tờ bướm có nội dung cho vay; kịp thời tẩy xóa các tờ quảng cáo có nội dung cho vay trên cột điện, tường rào... không để người dân tiếp cận với số điện thoại cho vay.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân như không liên hệ, không vay "tín dụng đen" và kịp thời trình báo với cơ quan công an nếu bị đe dọa, gây thương tích hoặc bắt người trái pháp luật, uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản...để được bảo vệ và xử lý kịp thời.

Đồng thời, cần phát huy các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ...trong việc giúp đỡ hội viên tiếp cận với nguồn vốn hợp pháp, lãi xuất thấp để tiêu dùng hoặc phát triển kinh tế. Có như vậy, mới có thể khắc chế được cơn bão "tín dụng đen" đã và đang hoành hành gây mất an ninh trật tự tại địa phương hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ