Góc nhìn của các nhà khoa học nữ về những vấn đề “nóng” toàn cầu

GD&TĐ - Sáng nay (19/10), Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á – Thái Bình dương lần thứ 8 (INWES-APNN 2018) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nữ Trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức đã mở 3 Hội thảo lớn với các chủ đề rất “nóng” trên toàn cầu.  

Đại biểu quốc tế tại Hội thảo Giới và bình đẳng giới trong Khoa học và Công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Đại biểu quốc tế tại Hội thảo Giới và bình đẳng giới trong Khoa học và Công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Giới và bình đẳng giới trong Khoa học và Công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đây là 1 trong 3 chủ đề chính được thảo luận trong khuôn khổ hội nghị INWES-APNN 2018. Phiên thảo luận của Hội thảo do bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Nữ Trí thức Việt Nam chủ trì.

Các nhà khoa học nữ đã phân tích một số lý do dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Cùng đó, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất về bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xác định những thách thức và khó khăn trong việc gia tăng bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học nữ và đại biểu tham dự đã chia sẻ thực tiễn tốt nhất về chiến lược quốc gia trong nhận thức bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; trao đổi ý tưởng, sáng kiến cũng như cách thức và phương tiện để cải thiện bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ; xem xét việc kiến nghị về chính sách với các nhà lãnh đạo trong nước và quốc tế, trước hết là về ý chí chính trị các cấp ở mọi quốc gia về bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ.

Hội thảo Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm
Hội thảo Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm

Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm

Trong khuôn khổ của Hội nghị INWES-APNN 2018, Hội thảo về Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm được tổ chức nhằm xác định các vấn đề về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm hiện nay đồng thời đưa ra các giải pháp và can thiệp hiệu quả để giải quyết “gánh nặng kép về suy dinh dưỡng” và vấn đề an toàn thực phẩm trong khu vực.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học quốc tế đã giới thiệu về hệ thống an toàn thực phẩm ở Nhật Bản, Đài Bắc Trung Hoa, Mông Cổ… 3 nhà khoa học nữ nước chủ nhà Việt Nam giới thiệu bức tranh tổng thể về hệ thống giám sát an toàn thực phẩm ở Việt Nam; Khẩu phần ăn của người Việt Nam, xu hướng và phương pháp đánh giá; Hiện trạng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, tiềm năng và thách thức; Tiếp cận lồng ghép Giới góp phần giải quyết suy dinh dưỡng ở trẻ em nông thôn Việt Nam…

Nhà khoa học Sri Lanka thuyết trình tại Hội thảo Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
 Nhà khoa học Sri Lanka thuyết trình tại Hội thảo Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ đề về biến đổi khí hậu được các nhà khoa học khu vực châu Á - Thái Bình dương khai thác nghiên cứu dưới nhiều góc độ, từ phân tích thực trạng, nhìn nhận các thách thức và đưa ra nhiều giải pháp có thực tiễn nghiên cứu để giải quyết vấn đề.

Đó là các nội dung: Thỏa thuận Paris và việc Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Thực trạng hệ thống tưới tiêu truyền thống ở làng xã Sri Lanka, Môi trường làng nghề Việt Nam; Ứng dụng các giải pháp tổng hợp về khoa học và công nghệ nhằm giảm thiểu tác động và nguy cơ của biến đổi khí hậu ở Việt Nam; Xây dựng nguồn lực từ cộng đồng trong các dự án phát triển bền vững; Hệ thống cảnh báo và sơ tán năng động; Phát triển vật liệu nano tích hợp cho cây trồng nhằm ứng phó vối biến đổi khí hậu…

3 Hội thảo chuyên đề tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình dương là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của khu vực và quốc tế, đồng thời cũng nằm trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ