Khi nhắc đến múa cột, múa bụng hay những môn nghệ thuật trên sàn diễn, người ta thường nghĩ đến những vũ công nữ xinh đẹp, gợi cảm. Nhưng trong nhiều chương trình, người ta sẽ không thể tin nổi những “cô gái” đó lại là nam giới. Nhiều khi để có thêm thu nhập, họ cũng phải “đi khách” như những cô gái bán dâm khác...
Lời tâm sự người trong cuộc
Hiện nay ở các quán hát, câu lạc bộ đêm nở rộ các tiết mục múa cột, múa bụng và có cả múa lửa rất thu hút giới trẻ. Tìm hiểu những môn nghệ thuật đầy tính nhạy cảm này, PV báo đã có những trải nghiệm thú vị khi mà diễn viên múa đẹp đầy gợi cảm với những điệu múa dẻo như công nhưng hoàn toàn lại là nam được hóa trang thành gái. Nếu không nghe họ nói chuyện thì thật khó để nhận ra đó lại là nam giới.
Một buổi diễn phải hóa trang của nhóm giả gái.
Liên lạc với một thành viên của nhóm HD (tên nhóm đã được đổi), một nhóm múa theo kiểu trai giả gái, Dương Thị Th. (tên thường gọi của một bạn trai phải đổi tên thành con gái để tiện cho việc biểu diễn và cũng để tránh việc bố mẹ phát hiện) đã chia sẻ về công việc của một diễn viên múa quán bar đầy những góc khuất ít ai có thể thấy được sau ánh đèn sân khấu lung linh.
Quá trình để biến thành “thiên nga” của các chàng trai là một quá trình biến hóa đầy gian khổ, có thể mang so sánh với quá trình phẫu thuật chuyển giới. Vì là con trai nên họ chưa bao giờ tiếp xúc với mỹ phẩm. Mới đầu các bạn trong nhóm đều bị dị ứng với phấn và keo dán mi.
Theo lời Th., những ngày đầu tham gia nhóm, sau mỗi lần đi diễn, bạn đều bị nổi mẩn trên da mặt, mắt thì đỏ ửng vì dán mi không quen. Đã có thời gian Th. phải nghỉ diễn để đi điều trị da liễu.
“Nhớ thời gian đầu thật kinh khủng, tiền đi diễn không đủ cho việc đi chữa bệnh. Nhiều bạn còn bị rỗ vì việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, gây dị ứng, đau đớn tột độ”, Th. tâm sự.
Các tiết mục biểu diễn của nhóm chủ yếu là múa bụng, nhảy dancer, biểu diễn thời trang tại các câu lạc bộ đêm, sự kiện truyền thông, tiệc sinh nhật ở Hà Nội, nên hầu hết phải đi giày cao gót.
Theo lời Th., đó là điều mà các thành viên trong nhóm sợ hãi nhất. Đã tìm những cỡ giày cao gót lớn nhất mà vẫn không vừa chân. Có bạn phải chịu đi diễn với giày quá chật dẫn đến gót chân chảy máu, các đầu ngón chân sưng đỏ, bật móng. Không đợi khỏi lại có tiếp buổi diễn nên quá trình chảy máu không có cơ hội liền miệng.
Tai nạn nghề nghiệp với giày cao gót như trẹo chân, bong gân, ngã ngay trên sàn diễn là chuyện xảy ra rất thường xuyên ở các buổi diễn. Với những tiết mục như múa bụng hay múa cột thì trang phục cần phải rất gợi cảm, vì vậy các bạn lại phải đối mặt với quá trình ép ngực bằng các loại áo silicon bó chặt vào cơ thể đến nỗi nhiều bạn vừa cố cười, mà đau như cắt thịt, cắt da.
Không dừng ở đó, khi nhóm mới hoạt động, đã có không ít lần cả buổi diễn phải ra về tay không vì bị chủ quán quỵt tiền diễn. Thành viên trong nhóm lại tự bỏ tiền túi để chi trả cho việc thuê trang phục và mỹ phẩm trang điểm.
Trong những buổi diễn đầu tiên, vì quá tò mò với hình thức biểu diễn kiểu này, khách đã lên tận sân khấu để “mục sở thị” xem chắc chắn là trai hay gái, nhiều khách bất lịch sự còn giật cả đồ của diễn viên để thỏa mãn ngờ hoặc. Một bạn trong nhóm HD rùng mình kể lại: “Có lần mình bị khách kéo cho bằng được áo ngực để kiểm tra xem hàng giả khác hàng thật như thế nào.
Rồi còn bị khách chuốc rượu mà để khỏi say trước khách, mình phải tự véo vào phần đùi non để tỉnh táo hơn. Sáng hôm sau nhìn lại đùi thấy thâm tím vì tụ máu”. Cát-xê cho những buổi diễn cũng rất “bèo”, mỗi người chỉ khoảng 150 – 200 nghìn đồng cho một buổi diễn từ 10h đêm đến gần sáng.
Hầu hết nhóm phải chạy show ngoại tỉnh để có đủ chi phí duy trì hoạt động. Và mỗi lần đi tỉnh cũng là những lần chịu kham khổ về điều kiện ăn ở, sinh hoạt.
Những bí mật đau đớn
Theo chia sẻ của các thành viên trong nhóm HD, các bạn hầu hết biểu diễn để thỏa đam mê nghệ thuật, một phần vì cuộc sống mưu sinh. Với nhóm thì không có việc tiếp khách ngoài lề. Nhưng theo lời kể của Th., các nhóm biểu diễn theo kiểu trai giả gái như nhóm HD trong các tụ điểm vui chơi ở TP. Hồ Chí Minh nhận đi khách là chuyện không hiếm gặp.
Th. tâm sự: “Có lần vào Sài Gòn diễn, cũng có người gạ đi qua đêm, mình cảm thấy rất sốc và đã từ chối thẳng thắn. Nhưng bạn diễn của mình ở đây thì khá quen với cảnh này. Nó bảo, đi diễn thì làm sao đủ sống. Có khách gọi đi lại là may ấy chứ”. Hầu hết các thành viên trong các nhóm kiểu này là những người thuộc giới tính thứ ba.
Nhưng cũng có người vì không có việc làm nên gia nhập nhóm để làm chỗ “kiếm cơm”. Những lần bị quỵt tiền diễn hay cát- xê quá thấp thì họ phải “bán thân” cho “lầu xanh” là điều bất đắc dĩ.
P.T., một diễn viên múa giả gái của một nhóm múa bụng ở TP. Hồ Chí Minh kể về những lần buộc đi khách của mình đầy xót xa: “Đối với em, biểu diễn múa bụng là một niềm đam mê, nhưng nhu cầu kiếm tiền lại là gánh nặng đối với em. Không phải lần nào đi diễn, cát-xê cũng cao, và cũng được trả ngay sau buổi diễn.
Ranh giới nghệ thuật và thác loạn Theo TS. Vũ Thị Kim Dung, Trưởng khoa Công tác Xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội: Việc xuất hiện các nhóm múa theo kiểu trai đóng giả gái để đi biểu diễn ở Hà Nội là khá mới mẻ, thu hút sự chú ý của các bạn trẻ. Nếu là hoạt động nghệ thuật nghiêm túc thì cũng không có gì phải bận tâm. Nhưng những hoạt động này đang có vẻ đi lệch với chuẩn mực của giá trị sống. Nó không còn là vấn đề thẩm mỹ và nghệ thuật nữa mà nó liên quan đến giá trị sống chung của giới trẻ. Hoạt động nghệ thuật dưới hình thức này sẽ rất gần với các tệ nạn xã hội mới nảy sinh như “trai bao” hoặc mại dâm đồng tính. Ranh giới giữa nghệ thuật và vi phạm pháp luật là khá mong manh. Có thể mới đầu chỉ là yêu thích múa bụng, múa cột, biểu diễn thời trang, nhưng nhiều bạn thiếu sự định hướng và lười lao động thì sẽ lợi dụng hình thức này để kiếm tiền theo cách trái pháp luật. Tôi cho rằng, xã hội không thể buông lỏng và thờ ơ với vấn đề này mà thành ra cổ xúy. Đam mê nghệ thuật là điều đáng trân trọng nhưng đừng để những bạn trẻ thiếu suy nghĩ biến nghệ thuật thành những vấn đề tệ nạn xã hội. |