Góc khuất nông nghiệp thẳng đứng

GD&TĐ -Trước nguy cơ mất lương thực vì biến đổi khí hậu, thế giới đang kỳ vọng vào các trang trại trong nhà.

Trang trại thẳng đứng ngốn năng lượng gấp 100 lần nông nghiệp nhà kính.
Trang trại thẳng đứng ngốn năng lượng gấp 100 lần nông nghiệp nhà kính.

Tại Mỹ, nhiều người còn tin tưởng đây là giải pháp canh tác “xanh”, vừa sạch vừa lợi nhuận hơn trồng trọt truyền thống. Tuy nhiên, đi sâu vào tìm hiểu lại phơi bày kết quả khác.

Ưu ái quá lớn

Mỹ đang dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp thẳng đứng. Ước tính, cả nước có trên 2 nghìn trang trại trong nhà và phần lớn đều công nghiệp hóa, vận hành không cần đất, ánh sáng mặt trời, máy kéo. Thay vào đó là người máy phụ trách trồng trọt, đèn LED nhiều màu, camera cảm biến và trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển.

Các sản phẩm của trang trại trong nhà công nghệ cao không sâu bệnh, nhiễm thuốc. Với tốc độ tăng trưởng dân số hiện tại, ước tính đến năm 2050, thế giới cán mốc 10 tỷ người. Hầu hết dân số tập trung trong các thành phố, sản xuất lương thực phải tăng 70% so với hiện tại thì mới đáp ứng đủ. Với tài nguyên nông nghiệp hiện tại, mục tiêu này nằm ngoài khả năng.

Từ lâu, trang trại trong nhà đã được xem như giải pháp đối phó hữu hiệu nhất. Nhờ nằm ngay trong lòng thành phố, nó giải quyết nhu cầu rau sạch tại chỗ, giảm thiểu chi phí chuyển chở và cắt bớt khí thải.

Năm 2021, nông nghiệp thẳng đứng toàn cầu đã huy động được hơn 1 tỷ USD (tương đương 23.400 tỷ đồng), vượt xa tổng vốn tài trợ năm 2018 + 2019. Dự kiến đến năm 2026, con số này còn tăng lên 9,7 tỷ USD (gần 227 nghìn tỷ đồng).

Tại Mỹ, 4 công ty đang dẫn đầu lĩnh vực nông nghiệp thẳng đứng là Plenty, Bowery, Kalera và AeroFarms hoạt động suốt 365 ngày/năm. Đầu năm 2022, Walmart – một trong các công ty lớn nhất, công bố đầu tư vào Plenty 400 triệu USD (tương đương 9.360 tỷ đồng). Plenty mở trang trại mới rộng 95 nghìn m2 ở Compton, California, hứa hẹn sang năm sẽ cũng cấp lượng rau sạch ấn tượng.

Phí vận hành “khủng”

Khoang trồng cải xoăn và cải mù tạt do robot vận hành của Plenty ở Nam San Francisco, California.

Khoang trồng cải xoăn và cải mù tạt do robot vận hành của Plenty ở Nam San Francisco, California.

So với canh tác ngoài trời, trang trại trong nhà chiếm ít không gian và đặc biệt tiết kiệm nước. Nhờ tái chế, nó thu hồi và tuần hoàn nước sử dụng triệt để. Rau quả ít nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, vì nước tưới được lọc sạch kỹ càng và nơi sinh trưởng không bị động vật phiền hà.

“Chúng tôi đang viết lên trang nông nghiệp mới, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống và xây dựng nguồn cung cấp an toàn, bền vững”, Irving Fain – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bowery Farming tự hào. Các trang trại trong nhà của công ty này đang dùng thuật toán, phân phối sản phẩm cho hơn 1.100 cửa hàng. Có điều, khi được hỏi về chi phí vận hành các cơ sở, Fain từ chối đưa ra con số chính xác.

Báo cáo từ Tổng cục Điều tra, Kiểm soát Môi trường Nông nghiệp Toàn cầu (Global Controlled Environment Agriculture Census - GCEAC) năm 2021 chỉ ra, nông nghiệp nhà kính hao phí năng lượng gấp 15- 20 lần nông nghiệp ngoài trời, trang trại thẳng đứng thì hao phí năng lượng gấp 100 lần nông nghiệp nhà kính.

Thực tiễn tại Hà Lan, nông nghiệp nhà kính đã đưa quốc gia lên vị trí nhà xuất khẩu nông sản lớn nhì quốc tế. Vào năm 2020, chỉ với 3 mặt hàng cà chua, dưa chuột và ớt chuông, họ đạt trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD (gần 234 nghìn tỷ đồng). Thế nhưng gần đây, nhiều nhà kính buộc phải ngừng hoạt động chỉ vì giá điện tăng vọt.

Plenty và Bowery biện minh rằng, họ sử dụng năng lượng tái tạo. Theo phân tích của các chuyên gia điện năng, để cung ứng đủ điện mặt trời cho một trang trại thẳng đứng lớn ngang tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới thì phải san phẳng cả hòn đảo Manhattan mới đủ chỗ đặt các tấm pin.

“Rau diếp đại gia”

Sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thẳng đứng mới chỉ có rau diếp.

Sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thẳng đứng mới chỉ có rau diếp.

Ngoài năng lượng, trang trại trong nhà vẫn tốn kém nhân công, trang thiết bị, vật tư… Kết quả, giá thành rau quả sản xuất ra cao ngất ngưởng. Nó đắt đỏ đến mức, người ta phải gọi là “rau diếp đại gia”.

Bên cạnh phản ánh sự đắt đỏ, “rau diếp đại gia” còn cho thấy một thực trạng khác. Đó là trang trại trong nhà chỉ chủ yếu trồng được rau diếp. Tuy hầu hết các công ty đều tuyên bố trồng được mọi loại cây, họ mới chỉ thành công với một vài rau, quả dễ trồng, tốn ít năng lượng để kích thích sự sinh trưởng, ví dụ như rau cải, dâu tây…

Đối với các loại cây ngũ cốc như lúa, ngô… trang trại trong nhà không có khả năng trồng, vì không khả thi kiếm lợi nhuận. Tất nhiên, đối với các loài cây thân gỗ ăn được, chuyện này càng bất khả thi hơn.

Thực tế, 2/3 sản lượng cà chua của thế giới vẫn là từ trồng trọt truyền thống, 1/3 từ trồng trong nhà kính. Một số trang trại thẳng đứng đã trồng thử nghiệm và “bỏ mộng” ngay lập tức, vì cà chua ngốn năng lượng nhiều hơn rau diếp những 60%.

Nông nghiệp cần chuyển đổi, nhưng trang trại trong nhà tuyệt đối không thể trở thành giải pháp thay thế. Nó chỉ đơn giản là 1 trong đa dạng giải pháp, hỗ trợ đối phó nguy cơ mất an ninh lương thực.

Trên tất cả, sản phẩm của nông nghiệp thẳng đứng không thật sự dinh dưỡng hơn so với trồng trọt ngoài trời. Bản thân giải pháp này cũng không hẳn “xanh”, có lợi cho con người hay môi trường như những gì quảng cáo.

Theo Theguardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.