Tuy nhiên, do không có quy định về vị trí việc làm, biên chế nên công tác này chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng.
Cần chính sách thu hút, giữ chân
Trong thời gian dài, y tế trường học là một trong những công tác gặp khó khăn chung của nhiều địa phương. Phần lớn trường học thiếu nhân viên y tế chuyên trách nên giáo viên vừa làm chuyên môn, vừa kiêm nhiệm. Lực lượng này không những không được bổ sung mà còn giảm bớt do chế độ, chính sách chưa thu hút, gây khó cho các trường trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, tư vấn sức khỏe học sinh.
Hội thảo triển khai công tác y tế trường học và nha học đường do Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế vừa tổ chức tại TP Cần Thơ đã chỉ ra khó khăn về chế độ chính sách cho nhân viên y tế trường học; chỉ một số ít được hưởng phụ cấp 20% theo quy định. Kinh phí cấp cho y tế trường học quá hạn hẹp, chỉ từ nguồn trích lại của bảo hiểm y tế; không có kinh phí tập huấn, giám sát, triển khai các hoạt động chuyên môn, truyền thông giáo dục sức khỏe... Đặc biệt, cả nước còn khoảng 10 nghìn trường học chưa có nhân viên phụ trách về y tế; chỉ 30% trường có nhân viên y tế trường học chuyên trách và đạt chuẩn về nhân lực…
Trước khó khăn về nhân lực y tế trường học, TP Hồ Chí Minh kiến nghị các Bộ, ngành cho phép được bổ sung đủ 4 vị trí việc làm. Cụ thể, ngoài nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán cần có chức danh, vị trí việc làm cho nhân viên y tế trong các trường mầm non, tiểu học. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như thời gian qua càng cho thấy, vai trò của nhân viên y tế trường học là không thể thiếu. TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất, đối với các trường có đông học sinh, cứ 1.000 học sinh sẽ cần một nhân viên y tế.
Trao đổi về công tác y tế trường học, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Y tế trường học là công tác quan trọng, vì để giáo dục học sinh toàn diện, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất là điều kiện thiết yếu. Các trường phải thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định của ngành Giáo dục và ngành Y tế. Cụ thể là Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT (Thông tư 13/2016): Mỗi trường cần có 1 cán bộ y tế và tất cả học sinh đều được cán bộ y tế học đường khám, theo dõi, chăm sóc sức khỏe...
Quyết định 1660 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 như luồng gió mới cho công tác y tế trường học. Ảnh: Quốc Ngữ |
Y tế trường học không đơn độc
Trong bối cảnh việc nhiều nhưng không có biên chế cho nhân viên y tế học đường, Quyết định 1660 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 như luồng gió mới cho công tác này. Đây là giải pháp hướng đến mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.
UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định triển khai Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đề ra các chỉ tiêu như: 80% trường học bảo đảm điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh; 85% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học; 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng...
Ngành Giáo dục cũng không còn đơn độc trong công tác y tế học đường mà còn có sự phối hợp với ngành Y tế. Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Hữu Nhân cho hay: Mỗi trường chỉ có 1 cán bộ y tế nhưng giữa ngành Giáo dục và Y tế cũng xây dựng kế hoạch liên tịch. Trong đó, quy định công tác y tế trường học là nhiệm vụ chung của cơ sở y tế địa phương và nhà trường chứ không chỉ riêng cán bộ y tế trường học. Trong kế hoạch công tác của các cơ sở y tế địa phương đều có nội dung về công tác y tế trường học. Mọi hoạt động về y tế trường học đều có sự phối hợp, tham gia của cán bộ y tế địa phương.
Tại tỉnh Đồng Tháp, chương trình y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 được các trường học tích cực triển khai. Tỉnh tập trung cho mục tiêu rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học; 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương; 100% trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học...
Theo đại diện Sở GD&ĐT Sóc Trăng, công tác phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục rất chặt chẽ. Theo đó, ngành Giáo dục phụ trách công tác y tế trong trường học như trang thiết bị, nhân sự, chỉ đạo, quản lý sức khỏe học sinh, báo cáo tình hình diễn biến của các bệnh truyền nhiễm… Ngành Y tế phụ trách về chuyên môn như tập huấn chuyên môn y tế, khám sức khỏe học sinh, theo dõi tình hình, diễn biến của dịch bệnh; tổ chức giám sát, kiểm tra công tác triển khai y tế của các trường học…
Bà Thạch Thị Domres - Phó Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc - Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Sóc Trăng) trao đổi: Ngành Y tế và Giáo dục có kế hoạch liên tịch trong công tác y tế trường học. Qua đó, các trường học được hỗ trợ và thực hiện đầy đủ, hiệu quả văn bản, hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh…
Chia sẻ về công việc của nhân viên y tế trường học, em Lê Nhã Phương, sinh viên ngành Y tế công cộng (Trường CĐ Y tế Cần Thơ) nói: “Em và các bạn sắp tốt nghiệp có ý định làm nhân viên y tế trường học, tuy nhiên cũng còn những băn khoăn. Hiện nay, nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên nhưng lại không có biên chế, không được hưởng chế độ phụ cấp như nhân viên y tế. Em và các bạn rất mong y tế trường học cần được xem là một ngành nghề, người làm việc phải được đào tạo chuyên nghiệp; quan trọng nhất là có chính sách phù hợp để giải quyết bài toán biên chế; thu hút, giữ chân... nhân lực”.