Tạo động lực cho nhân viên y tế
Theo kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2022-2023 trên địa bàn Thủ đô, UBND TP Hà Nội đặt chỉ tiêu 100% trường học và các cơ sở giáo dục kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe; tất cả các quận, huyện, thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học. Toàn bộ các trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh...
Ghi nhận tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), nhà trường đã bố trí một phòng y tế riêng biệt trong khuôn viên trường để làm nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Đây cũng là "đầu não" của trường khi làm nơi tập trung đầy đủ các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại trường ngay cả thời điểm trước, trong và sau dịch Covid-19. Do đó, việc tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ y tế trường học là hết sức cần thiết.
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 vào các năm 2020, 2021 và hiện nay, phòng y tế của trường vẫn luôn đảm bảo đúng vai trò, chức năng trong việc tiếp nhận, sơ cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh mỗi khi các em có biểu hiện mệt mỏi. Trường hợp có biểu hiện nặng, nhà trường sẽ chuyển các em lên bệnh viện tuyến trên để can thiệp kịp thời".
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm hơn nữa về thu nhập cho đội ngũ nhân viên y tế trường học. |
Cũng theo cô Nhâm Huyền, hiện nhà trường đã ký hợp đồng lâu dài với một nhân viên y tế trường học và đóng bảo hiểm đầy đủ để cô yên tâm làm việc tại trường. Thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu phức tạp hơn, cộng với một số bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, cúm A, cúm B... nên công tác phòng dịch lại càng được chú trọng. Trong phòng y tế luôn được trang bị đủ cơ số thuốc theo quy định, nước sát khuẩn, khẩu trang, que test Covid-19... để sẵn sàng đưa vào sử dụng khi cần.
Hiểu rõ một số bất cập trong cơ chế đãi ngộ đối với vị trí nhân viên y tế trường học, Trường THPT Phan Đình Phùng một mặt chủ động ký hợp đồng lâu dài và đóng bảo hiểm cho nhân viên y tế; đồng thời cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất về ưu đãi, thu nhập để cô gắn bó với nghề. Tuy nhiên, về lâu về dài, nhà trường mong muốn các cấp lãnh đạo cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới đội ngũ nhân viên y tế.
"Một khi thu nhập thấp, lại thêm áp lực công việc nhiều khiến họ không còn mặn mà với công việc mà sẵn sàng bỏ đi làm nghề khác. Khi đó phòng y tế của các trường sẽ không có nhân viên chuyên trách, khó phát huy vai trò của mình. Vậy nên, khó khăn lớn nhất vẫn là đội ngũ nhân sự cùng các chế độ đãi ngộ đi kèm hợp lý thì mới mong phát huy được tối đa vai trò của lực lượng y tế trường học" - cô Nhâm Huyền tâm sự thêm.
Sẵn sàng các điều kiện tốt nhất
Bà Phạm Thị Lệ Hằng (thứ 3 từ phải qua) - Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông kiểm tra công tác y tế trường học tại Trường THCS Nguyễn Trãi. |
Là trường có sĩ số đông với khoảng 1.800 học sinh đang theo học, Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) đặc biệt chú ý tới công tác y tế trường học. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xinh thông tin, nhà trường đã có một biên chế nhân viên y tế trường học chuyên trách từ mấy năm nay. Thời điểm này, nhiều dịch bệnh theo mùa đang diễn biến căng thẳng nên công việc của nhân viên y tế rất vất vả.
"Ngoài việc túc trực tại trường tất cả các ngày trong tuần, cô y tế của trường ngày nào cũng tiếp nhận và xử lý cho một số trường hợp học sinh có biểu hiện như đau bụng, tụt huyết áp, sốt... Phòng y tế của trường có đủ các trang thiết bị cần thiết để sơ cấp cứu ban đầu, cộng với nhân viên có chuyên môn vững vàng nên có thể xử lý được các tình huống. Về lâu về dài, chúng tôi cũng mong Nhà nước quan tâm hơn về chế độ với đội ngũ này", cô Xinh chia sẻ.
Ngoài ra, Trường THCS Nguyễn Trãi cũng thường xuyên khử khuẩn toàn bộ các phòng học, khuôn viên trường, đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên, nhân viên. Nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt. Trường cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế phường, Trung tâm Y tế quận Hà Đông để kịp thời xử lý nếu có dịch bệnh trong trường học.
Nhân viên Y tế của Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) kiểm tra sức khỏe cho học sinh. |
Đặc biệt, trong các chuyên đề ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, Trường THCS Nguyễn Trãi cũng tổ chức truyền thông các biện pháp về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, truyền thông giáo dục về dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia... cho học sinh. Thầy cô sắp xếp lịch học tập vui chơi giải trí, luyện tập thể thao hợp lý, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính học sinh.
Tại Trường Mầm non 10-10 (Hoàng Mai, Hà Nội), ngoài công tác y tế học đường thì việc triển khai tốt công tác bán trú cho trẻ cũng được đặc biệt lưu tâm. Cô Hiệu trưởng Trương Thị Ngọc Bích cho rằng, trẻ mầm non là lứa tuổi đặc thù vì trẻ ăn ngủ bán trú tại lớp gần như 100%.
Nhà trường đã họp ban phụ huynh để thống nhất và lên thực đơn cho trẻ đảm bảo các yêu cầu về mặt dinh dưỡng. Đồng thời, việc nâng cao sức khỏe thể chất cho trẻ là rất quan trọng. Các hoạt động tập thể, thể dục, trải nghiệm đều được nhà trường xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ.