Trường học loay hoay lấp chỗ trống nhân viên y tế

GD&TĐ - Nhân viên y tế trong các trường học công lập trên địa bàn được bàn giao về các trạm y tế xã, phường dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề...

Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng) phối hợp với nhân viên y tế khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.
Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng) phối hợp với nhân viên y tế khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.

Theo quyết định của UBND TP Hải Phòng, từ tháng 1/2020, nhân viên y tế trong các trường học công lập trên địa bàn được bàn giao về các trạm y tế xã, phường làm việc. Điều này khiến nhiều trường vất vả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Nhân viên kiêm nhiệm

Năm học 2018 - 2019, Hải Phòng có 651 trường học trực thuộc UBND quận, huyện, trong đó có 10 trường có 2 cấp học (tiểu học và THCS). Trong đó, có 176 trường có nhân viên chuyên trách thực hiện nhiệm vụ y tế học đường (YTHĐ). Trong số, 477/561 trường chưa có nhân viên y tế chuyên trách thì bậc mầm non có 162 trường, tiểu học là 149 trường và THCS là 168 trường. Tính đến tháng 9/2019, số biên chế làm nhiệm vụ YTHĐ là 58 người. Ngoài ra có 118 hợp đồng YTHĐ trong năm học 2018 - 2019. Thực trạng trên cho thấy số nhân lực thực hiện nhiệm vụ YTHĐ trong các trường học tại Hải Phòng còn quá thấp so với các tỉnh, thành phố khác (mức 27%), trong đó có 8,9% số trường có nhân viên YTHĐ là viên chức.

Cũng như nhiều trường học trên địa bàn, Trường Mầm non Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) không có định biên nhân viên y tế. Cô Nguyễn Thị Hiển, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Chăm sóc sức khỏe học đường cho trẻ mầm non vô cùng quan trọng. Do vậy, nhà trường bố trí nhân viên nấu ăn, kiêm thủ quỹ và kiêm cả nhân viên y tế. Vì nhân viên này đã có bằng trung cấp y, trước từng công tác ở trạm y tế.

Với trẻ mầm non, sức đề kháng kém, hay ốm đột xuất, sinh hoạt trong môi trường tập thể dễ lây bệnh. Ngoài ra, trẻ thường tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng khả năng nhận thức mối nguy hiểm với bản thân hạn chế, các hoạt động trên lớp như ăn, uống, khóc dễ bị hóc, sặc... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Việc không có định biên (YTHĐ) khiến nhiều trường mầm non trên địa bàn gặp khó khăn.

Trong khi tình trạng thiếu nhân viên YTHĐ chưa được khắc phục thì đến ngày 28/10/2019 thành phố ra Quyết định số 2595/QĐ-UBND về việc chuyển biên chế nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ YTHĐ tại các trường học về trạm y tế xã, phường cùng cấp. Điều này khiến công tác YTHĐ tại các nhà trường “khó chồng khó”.

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) có hơn 2.100 học sinh nhưng không có nhân viên y tế. Cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Thu Hằng bày tỏ: Học trò hiếu động, việc chạy nhảy, đùa nghịch giờ ra chơi không tránh khỏi những lúc sây sát, thậm chí gãy tay, chân. Không có nhân viên y tế khiến cán bộ quản lý luôn canh cánh nỗi lo an toàn sức khỏe học sinh, nhất là trường đông, học sinh tuổi nhỏ, khi xảy ra sự vụ buộc giáo viên phải đảm nhiệm sơ cứu ban đầu, rất nhiều bất cập.

Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng từng xảy ra trường hợp học sinh bị bệnh tim bẩm sinh phát bệnh khiến cô trò trong lớp rối loạn. Từ thực tế này cho thấy, trường học cần có nhân viên với kỹ năng sơ cứu bài bản, đúng chuyên môn để hạn chế những rủi ro về sức khỏe, tính mạng cho các em.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh, nhà trường hợp đồng theo hình thức khoán với nhân viên y tế. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không dễ dàng khi đặc thù ngành Giáo dục có 3 tháng nghỉ hè, thời gian này nhân viên y tế không có việc làm, không lương trong khi lương khoán thấp, lại không có chế độ bảo hiểm nên không chỉ khó tìm, mà còn khó giữ chân họ.

Nhân viên y tế khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.

Nhân viên y tế khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.

Sớm tháo gỡ

Thiếu nhân viên y tế là khó khăn chung của các trường học trên địa bàn. Để khắc phục, nhiều trường “xoay xở” bằng cách hợp đồng khoán với nhân viên y tế, trạm y tế hoặc giao giáo viên, nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán kiêm nhiệm. Giải pháp này cũng bộc lộ một số bất cập do kiêm nhiệm nên thiếu kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng xử lý, sơ cứu ban đầu. Việc trạm y tế địa phương phụ trách chăm sóc sức khỏe cho học sinh nhưng lực lượng mỏng nên công tác phối hợp hạn chế.

Trường Tiểu học Hồng Phong (huyện An Dương) có hơn 1 nghìn học sinh chia thành 3 khu nhưng không có nhân viên y tế. Mỗi khi xảy ra sự cố, giáo viên phải kiêm luôn nhân viên y tế sơ cứu ban đầu và chở trò ra trạm y tế.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng), bày tỏ: Trường học không thể không có nhân viên y tế, đội ngũ này không thể làm việc kiêm nhiệm, cần được biên chế như đội ngũ giáo viên…

Không chỉ xử trí, sơ cứu với trường hợp xảy ra tai nạn trong trường học mà việc chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, sức khỏe học đường trong trường học là vô cùng quan trọng. Với học sinh THCS, các em đang tuổi dậy thì cũng gặp không ít rắc rối về thể chất cần tư vấn, hỗ trợ y tế để có kiến thức, kỹ năng chăm sóc tốt cho bản thân…

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, cho biết: Bên cạnh việc chỉ đạo các nhà trường phối hợp tốt với đơn vị y tế trên địa bàn trong chăm sóc SKBĐ cho học sinh; tăng cường phối hợp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác y tế trường học, sở cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT và UBND thành phố bổ sung vào định mức danh mục vị trí việc làm đối với nhân viên y tế, có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên y tế trường học để chăm sóc SKBĐ cho học sinh và thực hiện các nội dung YTHĐ quy định tại Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT.

Bên cạnh đó, cần đầu tư hợp lý cho hệ thống y tế trường học về cơ sở vật chất, cơ số thuốc men, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ người làm công tác YTHĐ cũng như cho giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm.

Sở GD&ĐT Hải Phòng đã đề nghị với UBND TP mỗi trường học phải có một vị trí việc làm cho nhân viên YTHĐ; được đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Sở GD&ĐT nêu quan điểm, nếu chuyển nhân viên YTHĐ về trạm, không có nhân viên trực tại trường sẽ gặp khó khăn và rủi ro trong việc xử trí cấp cứu cho học sinh cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.