Gỡ vướng xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân: Một giải cống hiến là xứng đáng!

GD&TĐ - NSƯT Bạch Vân cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xét tặng danh hiệu 'Nghệ nhân ưu tú', 'Nghệ nhân nhân dân' là đúng đắn và nhân văn.

Du khách thích thú trải nghiệm với ca trù tại CLB Ca trù Hà Nội. Ảnh: CLB Ca trù Hà Nội.
Du khách thích thú trải nghiệm với ca trù tại CLB Ca trù Hà Nội. Ảnh: CLB Ca trù Hà Nội.

>>> Gỡ vướng xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân cần cụ thể, sát thực

>>> Xây dựng Nghị định mới gỡ vướng xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân

Tuy nhiên, người có công đầu trong việc gìn giữ, phát huy ca trù – loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh - còn không ít băn khoăn, trăn trở…

- Là người dành nhiều tâm huyết trong việc tìm kiếm, phát hiện các nghệ nhân tài hoa của ca trù cũng như quảng bá loại hình nghệ thuật này tới cộng đồng, bà thấy sao khi gần 10 năm qua đội ngũ này của ca trù nói riêng và các loại hình diễn xướng dân gian khác được Đảng, Nhà nước đặc biệt vinh danh?

NSƯT Bạch Vân: Sự ghi nhận và vinh danh những cá nhân có công xuất sắc trong việc gìn giữ và trao truyền, lan tỏa các loại hình diễn xướng dân gian như ca trù, quan họ, chèo, tuồng, đờn ca tài tử, xẩm, múa rối, hát xoan, hát trống quân… là chủ trương thiết thực, nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Dù rằng sự tôn vinh này hơi muộn, đợt 1 từ năm 2015 nhưng từ đây sẽ tiếp thêm cho nghệ nhân niềm hứng khởi, vinh hạnh để tiếp tục gắn bó, lan tỏa loại hình diễn xướng mà mình nắm giữ đến thế hệ trẻ.

Sau gần 10 năm và qua 3 đợt xét tặng, nhất là với loại hình ca trù, tôi rất mừng khi được thấy những “báu vật sống” như các cụ Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Sinh, Đỗ Thị Khuê, Đỗ Thị Sông, Nguyễn Phú Đẹ … được Đảng, Nhà nước trao tặng/truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú”.

Dù rằng, một số cụ không kịp đợi đến thời điểm được trực tiếp nhận danh hiệu nhưng vẫn là niềm vinh hạnh đặc biệt và hoàn toàn xứng đáng đối với các nghệ nhân tài hoa, thực sự là người đang nắm giữ những ngón nghề của ca trù…

- Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể khu vực phía Bắc (lần 2) để thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP , bà có góp ý gì?

Sau gần 10 năm thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đánh giá, tổng kết Nghị định số 62 và lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới thay thế là rất cần thiết, trách nhiệm. Việc này sẽ giúp các cơ quan chức năng cùng đưa ra góp ý xác thực để chỉnh sửa, bổ sung những quy định, điều khoản còn bất cập, vướng mắc…

Từ thực tế, tôi thấy có một số điểm của dự thảo Nghị định cần bổ sung, chỉnh sửa. Cụ thể, tại chương II quy định về tiêu chuẩn xét tặng, Khoản 2 của Điều 8 và 9 có nêu: “…đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”.

Tiêu chuẩn 2 trong 1, thậm chí là 3 trong 1 này chưa sát với thực tế vì như tôi được biết có những nghệ nhân giỏi thực hành, biểu diễn nhưng không có phương pháp sư phạm để truyền dạy cũng như khả năng lý luận và ngược lại. Chuyện nghệ nhân giỏi song không có học trò là chuyện bình thường.

Vì vậy, quy định này vừa là rào cản vừa tạo ra những kẽ hở để các dịch vụ ăn theo (mở lớp dạy, tập huấn ngắn hạn tràn lan, không hiệu quả…) phát triển. Đồng thời, việc kê khai cũng không chính xác, nhiều khi chỉ là định lượng còn thực tế các học trò này có tiếp thu để tiếp tục gìn giữ vốn cổ hay không lại là câu chuyện khác.

Bên cạnh đó, chương IV, Điều 14 quy định về hồ sơ đề nghị xét tặng, tại Khoản 1 Mục b: “bản sao công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen…” cũng cần được xem xét chỉnh sửa.

Vì trên thực tế, nhiều nghệ nhân cao tuổi và là bậc thầy nắm giữ loại hình diễn xướng dân gian nào đó không thể tham gia (sức khỏe yếu) hoặc từ chối tham gia (người giữ ngón nghề, tài giỏi nhất) các liên hoan, cuộc thi thì làm sao có được huy chương, bằng khen, giải thưởng để kê khai?

Nếu cứ cứng nhắc quy định về số huy chương, giải thưởng như thế sẽ vừa bỏ sót những người xứng đáng được vinh danh, vừa vô hình chung tạo kẽ hở cho tổ chức, cá nhân lợi dụng mở tràn lan các cuộc thi, hội diễn mà chất lượng của giải thưởng khó có thể kiểm định…

Ngoài ra, quy định về việc “lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú (tại Khoản 1 Điều 15, dự thảo Nghị định) cũng chưa thuyết phục. Thường thì, tâm lý “thơm lây” vẫn “ngự trị” bền vững trong thôn xóm, làng xã nên khó tránh khỏi những thiên vị, có trường hợp chưa thực sự xứng đáng song vẫn được ưu ái hoặc họ không có đủ trình độ hiểu biết về bộ môn này để bình xét… Cùng với đó, rất cần một quy định về việc thu hồi danh hiệu nếu nghệ nhân nào vi phạm pháp luật, gian lận hồ sơ.

NSƯT Bạch Vân. Ảnh: NVCC

NSƯT Bạch Vân. Ảnh: NVCC

- Bà có ý kiến gì về quy định thời điểm 3 năm xét tặng danh hiệu một lần mà các Nghị định đang chịu sự điều chỉnh từ Luật Thi đua khen thưởng?

Trong gần 10 năm qua, thực hiện quy định 3 năm xét tặng một lần mà Nghị định 62 đưa ra (theo điều chỉnh của Luật Thi đua khen thưởng 2003) gồm 3 đợt và số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu lên đến hàng nghìn.

Nếu vẫn giữ quy định 3 năm xét tặng một lần như vậy thì e rằng sẽ đến lúc không còn nghệ nhân để phong tặng hoặc nếu có thì cũng là “ép non”, con chị vừa đi con dì chưa kịp lớn theo kiểu người được phong tặng chưa đủ sức nắm giữ diễn xướng và chưa có nhiều cống hiến, đóng góp nổi bật…

Bất cập này dẫn đến thực trạng ra ngõ gặp nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, khiến cho giá trị của danh hiệu bị giảm; thậm chí gây ra những tiêu cực như có người lợi dụng để trục lợi cá nhân, hoặc có người chưa đạt mà được vinh danh sẽ không được cộng đồng tôn trọng… Tất nhiên, quy định này chịu sự điều chỉnh từ Luật Thi đua khen thưởng nên cũng rất khó để sửa đổi.

Trong khi đó, tôi vẫn băn khoăn vì sao đến giờ vẫn chưa có quy định về việc truy tặng những nghệ nhân đã mất mà được cộng đồng ghi nhận về tài năng, ngưỡng mộ về nhân cách, tôn vinh là bậc thầy?

Nếu tìm về xa xưa thì rất khó nhưng chí ít là những người gắng giữ lửa đi qua bao thăng trầm lịch sử từ những năm đầu thế kỷ 20 trở lại đây để các loại hình diễn xướng ấy được sống lại?

Ví như với ca trù thì để có ngày hôm nay không thể không nhắc tới công của các cụ Chu Văn Du, Phạm Thị Mùi, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Văn Hoan… Các cụ rất xứng đáng được vinh danh, như danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” chẳng hạn.

NSƯT Bạch Vân ngoài cùng bên phải chụp hình kỷ niệm cùng du khách. Ảnh: NVCC

NSƯT Bạch Vân ngoài cùng bên phải chụp hình kỷ niệm cùng du khách. Ảnh: NVCC

- Với riêng ca trù, bà thấy có những bất cập gì trong việc làm hồ sơ đề nghị xét tặng?

- Là người đầu tiên thành lập câu lạc bộ ca trù ở Việt Nam (1990) và dành trọn cuộc đời cho loại hình diễn xướng dân gian đặc biệt này, tôi có nhiều trăn trở về câu chuyện đó vì những thực trạng đáng buồn vẫn hiển hiện.

Trong đó, điển hình hơn cả là không ít người hát theo băng đĩa chứ không theo học trực tiếp các nghệ nhân nổi tiếng nhưng khi làm hồ sơ lại khai là “chân truyền”. Có trường hợp học nghệ nhân này nhưng sau lại khai là học nghệ nhân kia.

Cụ Quách Thị Hồ thường được nhiều người nhận là chân truyền nhất, dù rằng ở thời điểm ca trù được quan tâm thì cụ đã yếu, nằm liệt giường, tay co quắt không thể dạy trực tiếp được. Hoặc như có trường hợp khai thuở nhỏ 8 tuổi (sinh 1950) được theo chân phường hát của gia đình đi hát khắp nơi, chẳng hề ăn nhập với thực tế vì vào thời điểm đó ca trù hoàn toàn bị biến mất.

Giai đoạn (1955 đến 1965) Hà Nội tập trung xây dựng “Đời sống mới”, phá bỏ đình đền… cấm đoán lễ hội!? Cũng có chuyện bi hài nữa là sự mặc nhiên sinh ra ở làng nổi tiếng về ca trù và là “cây cao bóng cả” thì cũng mặc nhiên biết đàn, hát nên hoàn toàn hợp lệ với việc làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

Trong khi đàn có 5 khổ chỉ đàn được 3 khổ, chưa bao giờ đánh trống chầu mà bảo đánh rất hay hoặc nhịp phách còn không biết gõ thì thử hỏi làm sao hát đúng được, làm sao mà truyền dạy hàng trăm học trò đây?

Vậy mà không ít trường hợp không xứng (thời gian tham gia ít và trình độ còn non) vẫn làm hồ sơ đề nghị đầy đủ theo quy định rồi đương nhiên được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”. Thực trạng này sẽ gây ra tiền lệ xấu, nhất là sự “vênh”, không phục giữa các thế hệ.

- Để hạn chế những bất cập ấy, bà có những góp ý gì?

- Nói thật là, nếu cứ dễ dãi việc phong tặng danh hiệu thì sẽ không còn “cái thiêng” của nghề nữa. Để giữ cái thiêng ấy thì bản thân mỗi người cần phải có lương tâm, trách nhiệm và có nghề chứ đừng chưa thấm nghề là bao mà vội đem đi mua danh rồi kinh doanh với lương tâm chẳng có, trách nhiệm thì không!

Hơn nữa, ở mỗi loại hình diễn xướng dân gian cần có một hội đồng thẩm định giỏi và chuyên sâu về nghề chứ không nên là người am hiểu về chèo lại đi chấm ca trù hay người giỏi cải lương lại đi chấm tuồng.

Cùng với đó là một tinh thần làm việc công bằng, trách nhiệm thì mới đủ sức phát hiện và loại bỏ những hồ sơ không đạt, khai man. Tôi rất thích cách chấm giải ở các gameshow truyền hình – ban giám khảo chịu sự giám sát của cộng đồng. Diễn xướng dân gian hoàn toàn có thể áp dụng cách đánh giá này, tất nhiên phải là một cộng đồng rộng lớn, hiểu biết và công tâm.

Tôi cũng nghĩ đến một giải thưởng cống hiến dành cho tất cả những ai có công gìn giữ, phát huy các loại hình diễn xướng dân gian. Sự ghi nhận và tôn vinh ấy từ chính cơ quan chức năng thấy xứng đáng sẽ tham mưu, tránh đi việc người diễn xướng thường là những bậc cao niên phải có đề nghị rồi loay hoay cả năm trời với bộ hồ sơ mà nhiều khi vẫn thiếu, sai lạc đủ thứ để rồi không xét. Không ít trường hợp dù rất giỏi, tâm huyết song bỏ cuộc giữa đường hoặc không tham gia vì ngại làm hồ sơ…

- Nhưng đi cùng với danh hiệu còn là chính sách đãi ngộ, thưa bà?

- Đúng là vậy nhưng không nên vì vậy mà cứ nhắm mắt trao danh hiệu không đúng người, đúng việc. Còn cơ chế chính sách thì nên tách bạch bằng việc tạo điều kiện cho nghệ nhân phát triển nghề tại chính nơi sinh thành ra nó.

Cùng với đó, là việc mở rộng môi trường diễn xướng thường xuyên, khuyến khích nghệ nhân tham gia biểu diễn tại lễ hội truyền thống, hội nghị, tọa đàm… và có những thù lao đãi ngộ xứng đáng với công sức cụ thể của từng cá nhân.

Đây cũng là việc nên làm để tránh lãng phí tài năng đồng thời quảng bá được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống một cách trực tiếp, thiết thân đến cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn NSƯT Bạch Vân!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu