Gỡ khó nguồn lực cung ứng sách giáo khoa cho học sinh miền núi, biên giới

GD&TĐ - Năm học mới cận kề, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới GD nói riêng, khu vực biên giới đang đôn đáo tìm nguồn tiền mua sách giáo khoa (SGK) cho học sinh.

Nhiều trường vùng biên giới ở Tây Bắc đang lo kinh phí mua SGK
Nhiều trường vùng biên giới ở Tây Bắc đang lo kinh phí mua SGK

Do một số chính sách đã hết hiệu lực thi hành nên tiền mua sách cũng là bài toán chưa có lời giải đáp…

Mượn sách cũ, "xin" sách mới

Năm học 2021 - 2022, huyện biên giới Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên có 8.192 học sinh theo học. Trong đó, có 1.714 học sinh lớp 2, hơn 1.400 học sinh lớp 6. Toàn huyện có gần 70% học sinh thuộc diện hộ nghèo không có khả năng tự mua sách. Vì vậy, địa phương này cũng đang rất nỗ lực tìm nguồn kinh phí mua SGK cho học sinh lớp 2, 6 khi nguồn hỗ trợ đã không còn.

Ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Thời điểm hiện tại, Nghị định 86 về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã hết hiệu lực. Chúng tôi có khoảng 65 – 68% học sinh thuộc hộ nghèo. Những học sinh này hiện tại bị cắt hỗ trợ, không có chi phí mua SGK”.

Ông Chiến cũng cho biết, do địa phương có điều kiện kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao nên ngành cũng chủ động tận dụng tối đa nguồn SGK cũ.

“Từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã yêu cầu các trường rà soát, kiểm kê lại số lượng SGK lớp 1 có thể tái sử dụng. Qua họp phụ huynh, các trường đã tuyên truyền, vận động phụ huynh cho nhà trường mượn, soạn thành từng bộ để năm học mới sẽ cho học sinh lớp sau mượn lại. Đa số phụ huynh đồng tình, họ sẵn sàng tặng lại nhà trường, nhờ thầy cô bảo quản. Chứ nếu các em mang về nhà vài hôm là cũng rách hết, như vậy thì rất lãng phí. Còn với những cuốn còn thiếu, sẽ lên danh sách mua bổ sung”, ông Chiến nói thêm.

Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tổng hợp số lượng SGK, đăng ký số lượng. Phòng đã đại diện đặt mua với đơn vị cung ứng theo danh mục đã được tỉnh quyết định lựa chọn. Quá trình cung ứng đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đến nay, toàn bộ SGK đã được phân phối đến trường học, sẵn sàng cho năm học mới.

Một buổi ra chơi của học sinh điểm trường Tiểu học Huổi Lếch, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé (Điện Biên)
Một buổi ra chơi của học sinh điểm trường Tiểu học Huổi Lếch, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé (Điện Biên)

Năm học tới, tất cả học sinh lớp 2, lớp 6 toàn huyện phải đăng kí mua SGK mới. Nguồn kinh phí mua sách quả thực rất khó khăn. Trên thực tế, huyện Nậm Pồ cần khoảng 2 tỉ đồng mới có thể mua đủ SGK cho học sinh. Nguồn kinh phí này được xác định sẽ phải xin hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương. Ngành GD&ĐT huyện đang mong muốn 100% học sinh đi học phải có SGK.

“Mỗi bộ SGK cơ bản có giá khoảng 500 nghìn đồng, trong khi người dân huyện Nậm Pồ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Việc mua mới một bộ SGK là cả vấn đề với họ. Trong khi, để vận động học sinh đi học đã khó, giờ bảo họ mua sách cho con, e rằng cũng không phải dễ…”, ông Ngô Xuân Chiến bộc bạch.

Nhiều gia đình đưa con đến trường rồi "phó thác" hết cho thầy cô
Nhiều gia đình đưa con đến trường rồi "phó thác" hết cho thầy cô

Vận động tối đa nguồn xã hội hóa

Năm học tới, huyện biên giới Mường Nhé có hơn 2.600 học sinh lớp 2 và lớp 6 theo học ( lớp 2: 1.488 em, lớp 6: 1.144 em). Trong số hơn 1.000 học sinh lớp 1 theo học, các trường đã mượn lại SGK của phụ huynh để bảo quản. Năm học mới các trường sẽ bình xét theo thứ tự ưu tiên cho con em hộ nghèo và cận nghèo mượn lại SGK cũ.

“Học sinh lớp 2, lớp 6 thì chúng tôi sẽ phân nhóm ra để thực hiện. Ví dụ như những em không thuộc diện con hộ nghèo, nhà trường sẽ vận động phụ huynh tự mua với nhà trường. Sau đó, trường sẽ liên hệ với Công ty sách và thiết bị trường học để đặt mua đủ số lượng, đảm bảo không thiếu sách cho các em học sinh”, ông Phạm Thiết Chùy - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết.

Ông Chùy cũng cho biết thêm, đơn vị này đã đề xuất với Sở GD&ĐT và UBND huyện xin kinh phí để hỗ trợ con em hộ nghèo mua SGK. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nguồn rõ ràng nào. Do đó, địa phương này xác định một trong những giải pháp mua sắm SGK là sẽ tận dụng các nguồn xã hội hóa.

Một tiết dạy thí điểm với chương trình SGK mới do Phòng GD&ĐT Tp.Điện Biên Phủ (Điện Biên) tổ chức
Một tiết dạy thí điểm với chương trình SGK mới do Phòng GD&ĐT Tp.Điện Biên Phủ (Điện Biên) tổ chức

Không giống như ở Điện Biên, tại nhiều địa phương ở tỉnh Sơn La, việc xã hội hóa được phát huy tối đa. Đơn cử như ở huyện Thuận Châu, năm học 2021 - 2022, địa phương này có gần 51 nghìn học sinh. Trong đó, có 140 lớp 2 với trên 4.200 học sinh và 92 lớp 6 với 3.691 học sinh. Tuy số lượng đông song ngành GD&ĐT huyện cũng không quá áp lực về nguồn kinh phí mua SGK.

“Về vấn đề kinh phí để mua SGK chúng tôi không quá áp lực. Nói vậy bởi ở đây gia đình học sinh cũng chủ động nguồn kinh phí để lo cho con em mình. Với những gia đình khó khăn, hộ nghèo không có khả năng mua thì Phòng GD&ĐT và các trường cũng đã sẵn sàng huy động các nguồn lực từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ. Đến nay, việc cung ứng sách đến các trường đã cơ bản thực hiện đảm bảo theo tiến độ”, ông Thiệu Nam Bình - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) chia sẻ.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 26 – 30/7, giáo viên ở nhiều trường đã có mặt, tham gia tập huấn, bồi dưỡng công tác chuyên môn về giảng dạy theo chương trình SGK mới đối với lớp 2 và lớp 6. Mục tiêu các đơn vị đặt ra là đảm bảo khi vào năm học mới giáo viên nắm chắc nội dung, sẵn sàng bước vào năm học mới với kết quả tốt nhất.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.