Thực tế ở một số huyện, trường nghề được xây dựng khang trang nhưng không có giáo viên. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách cho giáo viên dạy nghề chưa tương xứng nên không thu hút được người giỏi…
Có trường nghề nhưng ít người học
Theo con số thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 5 năm qua (2011 - 2015), dạy nghề vùng ĐBSCL đã phát triển khá mạnh. Hệ thống dạy nghề của vùng đã hình thành mạng lưới đa dạng với tổng số 364 cơ sở. Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, có 39 cơ sở dạy nghề ngoài công lập (chiếm 22,16%). Nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo như dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp…
Tuy có bước phát triển vượt bậc nhưng đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở ĐBSCL thuộc hàng thấp nhất cả nước. Theo con số thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng ĐBSCL năm 2015 chỉ đạt khoảng 35,2%, còn thấp so với bình quân cả nước (40,6%).
Mặc dù hệ thống trường nghề đã được đầu tư rộng khắp nhưng số người qua đào tạo nghề vẫn còn rất ít. Đây là rào cản và cũng là “điểm nghẽn” lớn nhất của vùng trong nhiều năm qua. Tháo gỡ được “điểm nghẽn” này, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL có thể phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thực tế, hệ thống trường nghề và các cơ sở dạy nghề ở ĐBSCL không thiếu nhưng vấn đề đặt ra là thiếu người học, đặc biệt là cơ cấu học nghề vẫn còn chênh lệch. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng số tuyển sinh học nghề là 1.238.643 người; trong đó CĐ nghề là 29.120 người (2%), trung cấp nghề 58.917 người (5%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.150.606 người (chiếm đến 93%). Theo đánh giá của các địa phương thì cơ cấu học nghề theo trình độ còn chênh lệch, chỉ mới tập trung vào trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của HS, cha mẹ HS và xã hội nhìn chung còn nặng về bằng cấp. Phần lớn xác định mục tiêu trước tiên là học ĐH, còn việc học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng. Chưa có chính sách đủ mạnh để phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề nên các trường nghề rất khó đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Chưa có chiến lược mang tính tổng thể về phát triển nguồn lực phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của vùng…
Vấn đề ở con người
Một trong những nguyên nhân trường nghề chưa “hút” được người học là do cơ cấu nghề chưa phù hợp và đội ngũ giáo viên dạy nghề vẫn còn thiếu và yếu. Đối với lĩnh vực dạy nghề, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên đến nay, chính sách cho đội ngũ này vẫn chưa tương xứng.
Toàn vùng ĐBSCL có tổng số khoảng 6.678 giáo viên, giảng viên tham gia dạy nghề. Trong đó giáo viên dạy ở các trường nghề là 2.601; 1.413 giáo viên dạy ở trung tâm dạy nghề và 2.664 giáo viên dạy ở các cơ sở khác có dạy nghề. Khó khăn hiện nay là giáo viên dạy nghề ở ĐBSCL chưa được hưởng chính sách như đối với các nhà giáo dạy nghề nói chung; chưa có chính sách đặc thù cho giáo viên dạy nghề của vùng...
Nhiều trung tâm dạy nghề cấp huyện dù được đầu tư xây dựng khang trang nhưng chỉ có vài giáo viên, mỗi năm chỉ mở được vài lớp nghề ngắn hạn đã gây nên tình trạng lãng phí. Hiện nay nhiều trung tâm dạy nghề cấp huyện ở Cà Mau đang gặp khó vì không đủ giáo viên. Nguyên nhân được ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết: “Giáo viên dạy nghề phải biết nghề, giỏi nghề mới dạy được; tuy nhiên với chính sách giáo viên dạy nghề như hiện nay thì không thu hút được giáo viên”.
Chia sẻ về giải pháp phát triển trường nghề ở địa phương, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh - cho biết: Hiện nay chủ yếu vướng mắc ở công tác phân luồng cho HS phổ thông do chương trình hướng nghiệp lạc hậu (đã qua 12 năm) và công tác hướng nghiệp cho HS còn quá ít, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Người học nghề, thậm chí học CĐ, ĐH ra trường không có việc làm cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn việc học của người lao động.