Gỡ biển cấm taxi ở nội đô Hà Nội, gỡ khó cho doanh nghiệp hay tăng ùn tắc?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là một số tuyến phố phục vụ cho phố đi bộ hoặc quá ùn tắc sẽ phải cấm taxi.

Biển cấm xe taxi trên tuyến phố Láng Hạ (Hà Nội).
Biển cấm xe taxi trên tuyến phố Láng Hạ (Hà Nội).

Sở GTVT, Công an TP Hà Nội và các đơn vị liên quan vừa tổ chức họp xem xét kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội (HATAS) về gỡ bỏ biển cấm xe taxi trên nhiều tuyến phố. Nội dung này nhận được sự quan tâm của nhiều lái xe taxi trước áp lực ùn tắc giao thông và khó khăn trong kinh doanh vận tải.

Xe taxi có gây ùn tắc?

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, các bộ phận chức năng của sở phối hợp với công an, các đơn vị quản lý bảo trì đường khảo sát lại các tuyến phố cấm taxi trên địa bàn.

Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là một số tuyến phố phục vụ cho phố đi bộ hoặc quá ùn tắc sẽ phải cấm taxi. Sở GTVT tổng hợp ý kiến đơn vị chức năng trình UBND thành phố quyết định, với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho đơn vị kinh doanh vận tải và sẽ gỡ bỏ biển cấm trên nhiều tuyến phố.

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch HATAS cho biết, cấm taxi tại 11 tuyến phố chưa phải là giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc giao thông, nhất là những tuyến phố có làn đường dành riêng cho xe buýt BRT.

“Cơ quan chức năng cần nghiên cứu đánh giá lại tuyến có BRT, không thể nói trên tuyến đường có BRT như Láng Hạ - Lê Văn Lương nếu dỡ bỏ biển cấm taxi sẽ tăng ùn tắc giao thông...”, ông Nguyễn Công Hùng nói. Được biết, hiện Hà Nội hiện có 1 triệu ô tô cá nhân dưới 9 chỗ. Tuy nhiên, xe taxi chỉ có 10 nghìn xe, chiếm số lượng rất ít.

Chủ tịch HATAS cho rằng, không đủ cơ sở để đánh giá do xe taxi mà gây ùn tắc. “Với điều hành bằng ứng dụng công nghệ 4.0 hiện nay, xe taxi không còn chạy thủ công đi bắt khách mà chỉ đón khách bằng công nghệ giải pháp kết nối vừa thuận lợi cho khách hàng vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp...”, ông Nguyễn Công Hùng bày tỏ.

Làm nghề lái xe taxi đã hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Thịnh (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, rất ngại đưa đón khách vào phố cổ đi qua các tuyến như Giảng Võ, Láng Hạ... vì sợ “dính” giờ cao điểm cấm xe taxi. “Xe taxi cũng là phương tiện công cộng.

Vì vậy rất mong cơ quan chức năng xem xét gỡ biển cấm taxi giờ cao điểm. Việc làm này của Hà Nội giúp người hành nghề chúng tôi vừa tránh bị phạt vừa thuận lợi trong việc đưa đón khách du lịch...”, anh Thịnh bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty CPTM và phát triển du lịch Nụ Cười bày tỏ quan điểm: Taxi được xác định là loại hình xe kinh doanh, vận chuyển hành khách, vì vậy taxi cũng cần được sử dụng hạ tầng giao thông công cộng.

“Xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải công cộng đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp mong muốn gỡ bỏ biển cấm để việc vận chuyển khách du lịch hai chiều từ nội đô đi sân bay Nội Bài hay ngược lại được thuận lợi...”, ông Cường mong muốn.

Biển cấm đã lỗi thời

“Hiện TP Hà Nội đang cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trên 11 tuyến phố gồm: Giảng Võ; Láng Hạ; Lê Văn Lương; Khâm Thiên; Hàng Bài (đoạn Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt); Hai Bà Trưng; Phủ Doãn (chiều Hàng Bông - Tràng Thi); Trần Hưng Đạo (cấm giờ từ 6 – 19 giờ với chiều Trần Khánh Dư - Trần Thánh Tông); Nguyễn Văn Cừ (từ ngã ba Hồng Tiến – Nguyễn Văn Cừ đến cầu Chương Dương và cầu Chương Dương từ 6 – 9 giờ với chiều từ Long Biên – trung tâm Hà Nội); Trường Chinh (từ Vương Thừa Vũ - Tôn Thất Tùng); Cầu Giấy - Xuân Thuỷ; ngõ 897 Giải Phóng”.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng: Việc Hà Nội nghiên cứu bỏ biển cấm xe taxi là phù hợp. Theo TS Phan Lê Bình, ở nước ngoài, đa phần họ có làn ưu tiên, trong giờ cao điểm chỉ ưu tiên cho phương tiện vận tải công cộng, trong đó có xe taxi.

Ông Bình ủng hộ việc xem taxi là phương tiện công cộng. Nhiều tuyến phố ở Hà Nội, ví dụ các khu vực Láng Hạ, Giảng Võ người dân và khách nước ngoài hay than phiền rất khó tiếp cận do quy định cấm taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ hoạt động. Nhiều trường hợp người cao tuổi, bệnh nhân, sản phụ… gặp rất nhiều khó khăn, trong khi không phải ai cũng có xe ô tô cá nhân để sử dụng.

Chủ tịch HATAS Nguyễn Công Hùng cũng cho rằng, việc gỡ biển cấm xe taxi đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đơn cử, người dân ở những khu vực đang cấm taxi theo giờ: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương... đây là những khu phát triển hạ tầng chung cư đầu tiên của Hà Nội, nhu cầu của người dân rất cao. Vì vậy, nếu không có xe taxi người dân sẽ tìm phương tiện khác dẫn tới nguy cơ ùn tắc cao hơn.

“Cấm taxi không cho vào tuyến này (Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ...) buộc lái xe taxi phải đi vào các tuyến phố lân cận trước nhu cầu đi lại của khách. Vô hình trung tạo thêm áp lực cho những tuyến phố taxi đi vào.

Cuối cùng càng di chuyển để tránh tuyến phố cấm taxi thì người tiêu dùng là người chịu thiệt hại lớn nhất bởi gia tăng chi phí, doanh nghiệp cũng gia tăng chi phí. Vì vậy, các tuyến đường cấm taxi đã lỗi thời, cơ quan chức năng cần xem xét gỡ bỏ phù hợp với thời đại...”, Chủ tịch HATAS phân tích.

Tại buổi họp với các đơn vị liên quan, Sở GTVT Hà Nội ra thông cáo chung tạo điều kiện hết mức để doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với khách hàng, duy trì phát triển đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch HATAS, có 5/11 tuyến phố tiếp tục cấm taxi theo giờ, bao gồm: Hàng Bài, Trần Hưng Đạo (cấm giờ từ 6 – 19 giờ với chiều Trần Khánh Dư - Trần Thánh Tông), ngõ 897 đường Giải Phóng, phố Phủ Doãn. Đây là tuyến phố, ngõ giáp với bến xe, bệnh viện và khu vực phố đi bộ vẫn cấm taxi theo giờ.

Với các tuyến phố còn lại, Sở GTVT Hà Nội tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe taxi tiếp cận được với người dân. Đồng thời, báo cáo trình UBND TP Hà Nội có quyết định hướng dẫn thực hiện gỡ bỏ một phần biển cấm xe taxi trên nhiều tuyến phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.