Giúp trò nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Thống kê trong đời sống

GD&TĐ - Cô giáo Dương Thị Hoài Hà và học sinh lớp 9A1, Trường THCS Hoàng Diệu (Hải Phòng) lên lớp minh hoạ Tiết 1, Bài 22: Bảng tần số và biểu đồ tần số.

Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố tại Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.
Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố tại Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.

Sáng 5/11, Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân, TP Hải Phòng tổ chức chuyên đề môn Toán cấp thành phố. Tới dự có ông Phạm Quốc Hiệu, Phó giám đốc Sở cũng lãnh đạo phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT Hải Phòng; lãnh đạo quận Lê Chân, phòng ban chuyên môn thuộc quận.

Theo đó, thực hiện Chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hải Phòng, phòng GD&ĐT quận Lê Chân; đồng thời nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Thống kê trong đời sống, nhóm Toán của Trường THCS Hoàng Diệu đã xây dựng chủ đề “Thống kê – Những con số biết nói” thuộc Bài 22: Bảng tần số và biểu đồ tần số (Chương VII: Tần số và tần số tương đối) trong chương trình Toán lớp 9. Chủ đề này sẽ được thực hiện qua hai tiết học.Tiết 1: Học sinh sẽ thiết lập được bảng tần số và biểu đồ tần số, đồng thời giải thích được ý nghĩa và vai trò của tần số trong thực tiễn; Tiết 2: Học sinh sẽ giải quyết các bài tập thực tiễn liên quan đến tần số và biểu đồ tần số.

5-11.jpg
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng và lãnh đạo quận Lê Chân tặng hoa nhà trường, giáo viên thực hiện chuyên đề.

Trong chuyên đề cấp thành phố, cô giáo Dương Thị Hoài Hà cùng các em học sinh lớp 9A1 trình bày tiết 1 của chủ đề. Tiết dạy khai thác các phần mềm trong bộ Microsoft Office, Google Forms, cũng như các công nghệ kiểm tra đánh giá thông qua Quiz, AI nhằm giúp học sinh thống kê, vẽ biểu đồ và phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng, hiệu quả. Phương pháp này không chỉ hỗ trợ các em trong quá trình học toán mà còn thúc đẩy cho các em niềm đam mê đối với chuyển đổi số – một xu hướng tất yếu của thời đại.

Tần số và tần số tương đối là hai khái niệm cơ bản trong thống kê nhưng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học sinh phân tích và xử lý dữ liệu. Khi học sinh hiểu rõ cách tính, ý nghĩa của tần số và tần số tương đối, các em sẽ dễ dàng nhận ra các xu hướng và đặc điểm nổi bật trong dữ liệu, từ đó có thể đưa ra những kết luận hợp lý.

5-11-3.jpg
Học sinh trình bày nhiệm vụ được phân công.

Trong phần thực hành của chuyên đề này, học sinh học cách thu thập thông tin để lập bảng tần số và vẽ biểu đồ tần số – hai công cụ trực quan giúp trình bày dữ liệu một cách dễ hiểu. Thông qua biểu đồ, dù là biểu đồ cột hay biểu đồ đường, các em sẽ dễ dàng quan sát được xu hướng và sự biến đổi của dữ liệu, từ đó đưa ra những phân tích và đánh giá có giá trị. Đặc biệt, học sinh được tham gia các hoạt động dự án, tham gia cuộc thi viết và hùng biện về vấn đề trong thực tế khiến giờ học sinh động, hiệu quả.

Từ đó, cho thấy tầm quan trọng của thống kê trong việc phát triển tư duy toán học của học sinh, đồng thời là cầu nối giữa kiến thức toán học và thực tiễn đời sống.

5-11-4.jpg
Trong chuyên đề, học sinh được truyền lửa niềm đam mê Toán học.

Qua chuyên đề, học sinh được hình thành và phát triển các năng lực chung như: năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp, cùng các năng lực chuyên biệt bao gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực xử lý yếu tố toán học,… Đồng thời, các em cũng sẽ được trau dồi những phẩm chất tốt đẹp như niềm đam mê Toán học, tinh thần trách nhiệm, sự cẩn thận, nghiêm túc trong học tập.

Chương trình GDPT 2018, các em học sinh đã được làm quen với các khái niệm về thống kê từ bậc Tiểu học. Đến lớp 8, các em đã biết cách thu thập và phân tích dữ liệu, cũng như làm quen với các loại biểu đồ như: Biểu đồ cột, biểu đồ quạt, và biểu đồ đoạn thẳng. Những kiến thức này không chỉ giúp các em giải quyết các bài toán trong chương trình mà còn là nền tảng để các em có thể đưa ra những dự đoán, phân tích và từ đó sẽ tìm ra phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Chương trình mới không chỉ hướng đến việc truyền đạt kiến thức mà còn rèn luyện và phát triển toàn diện năng lực của học sinh. Chuyên đề là một hướng đi giúp các em học sinh tiếp cận và vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn một cách hiệu quả, góp phần đạt được những mục tiêu mà chương trình đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ