Giúp trẻ tận hưởng cách ăn uống lành mạnh

GD&TĐ - Ngay từ lúc mới biết đi, trẻ đã bắt đầu học cách “định hình” thế giới, giao tiếp và kiểm soát cuộc sống. Cha mẹ có thể tạo cho trẻ tính độc lập trong bữa ăn. Tuy nhiên, bé cũng cần lắng nghe cha mẹ để có thói quen lành mạnh trong bữa ăn.

Trẻ nên được tự cầm đồ ăn từ khi 9 tháng tuổi. Ảnh minh họa.
Trẻ nên được tự cầm đồ ăn từ khi 9 tháng tuổi. Ảnh minh họa.

Cha mẹ có thể giúp trẻ tận hưởng “quyền năng” bằng cách cho phép con tự do lựa chọn thực phẩm một cách thích hợp. Tuy nhiên, không có nghĩa là trẻ được phép tự quyết định sẽ ăn gì cho bữa tối. Cha mẹ cần cung cấp các loại thực phẩm lành mạnh mà trẻ cần. Sau đó, trẻ có thể quyết định ăn món nào.

Dưới đây là cách biến những mối quan tâm chung thành cơ hội để dạy trẻ thói quen ăn uống lành mạnh.

Hầu hết trẻ mới biết đi đều kén ăn

Nhiều trẻ thể hiện tính độc lập thông qua việc ăn hoặc không, tùy từng trường hợp. Vì vậy, gần như tất cả trẻ mới biết đi được cho là khá kén ăn. Nếu không thích một món nào đó, các bé sẽ không ăn.

Trong những trường hợp trẻ thích ăn lặp đi lặp lại một món, cha mẹ được khuyến khích không nên nhượng bộ. Nếu chiều theo sở thích của con, cha mẹ sẽ bỏ lỡ cơ hội giới thiệu những món mới cũng như tăng số lượng thực phẩm cho trẻ.

Thay vào đó, phụ huynh cần bày nhiều loại thực phẩm lành mạnh lên đĩa của con, bao gồm cả những thứ trẻ thích và một số món ăn mới. Ngay cả khi trẻ không thích một món nào đó, hãy tiếp tục bày chúng lên đĩa. Sau một thời gian, bé sẽ quen với mùi vị này. Tuy nhiên, khi bắt đầu, phụ huynh nên cho trẻ ăn một phần nhỏ và khuyến khích bé ăn thử thay vì ép buộc hay phàn nàn.

Điều vô cùng quan trọng là cha mẹ cần trở thành những tấm gương tốt. Phụ huynh nên ăn những món bổ dưỡng mà mình thích, kết hợp cùng thực phẩm mới để trẻ cảm thấy cha mẹ cũng thích thú.

Không thương lượng

Nhiều phụ huynh có xu hướng liệt kê lợi ích của một thực phẩm nào đó nếu trẻ từ chối ăn. Trong khi đó, không ít cha mẹ thường thương lượng như: “Nếu con ăn thêm 3 miếng nữa, mẹ sẽ cho con một cái bánh quy”. Tuy nhiên, những chiến thuật này không mang lại hiệu quả lâu dài.

Điều này không có nghĩa là cha mẹ không nên nói với trẻ về lợi ích của thực phẩm lành mạnh. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên thúc ép quá mức hoặc không chấp nhận khi trẻ từ chối.

Để khuyến khích việc ăn uống lành mạnh, hãy tiếp tục cung cấp cho trẻ một loạt các lựa chọn bổ dưỡng và giữ cho tâm trạng con luôn lạc quan vào giờ ăn. Phụ huynh nên cho trẻ khẩu phần ăn phù hợp.

Đặc biệt, với những món mới hoặc trẻ chưa thích, cha mẹ thường đánh giá quá cao lượng thức ăn mà con có thể hấp thụ. Với những món ăn trẻ chưa yêu thích, bé chỉ cần ăn một vài thìa. Ngoài ra, phụ huynh hoàn toàn có thể khuyến khích trẻ “ăn thử một miếng", nhưng không nên thương lượng.

Việc cả gia đình cùng nhau dùng bữa cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Khi đó, trẻ sẽ nhận thấy rằng, các thành viên trong gia đình đều ăn thực phẩm lành mạnh. Đối với những bé không ăn rau củ hoặc hoa quả, phụ huynh có thể tạo động lực cho con bằng cách để trẻ chứng kiến bạn cùng lứa ăn những thực phẩm này. 

Để trẻ tự ăn

Trẻ nên bắt đầu tự cầm đồ ăn vào khoảng 9 tháng tuổi. Khi bé lớn hơn, khoảng 15 - 18 tháng, cha mẹ có thể cho con sử dụng thìa hoặc dĩa trong lúc ăn. Phụ huynh có thể giúp trẻ khi cần thiết, nhưng cần chú ý khi con có dấu hiệu đói hoặc no bụng.

Một số phụ huynh cho rằng, tốt nhất là không nên để trẻ tự ăn. Tuy nhiên, điều đó sẽ làm mất đi quyền kiểm soát của chính bé ở độ tuổi này. Trẻ cần tự quyết định có nên ăn không, sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu. Đồng thời, đây cũng là cách giúp trẻ  tự nhận biết khi nào mình đói và no. 

Lắng nghe con

Cha mẹ cần tỉnh táo để nhận biết những gì trẻ muốn nói thông qua hành động. Khi trẻ đang xây một tháp bánh quy hoặc thả cà rốt xuống sàn nhà, có thể là các bé đã no. Việc ép con ăn quá nhiều có thể khiến trẻ không cảm nhận được khi nào đã ăn đủ.

Những trẻ ăn liên tục trong ngày có thể không cảm giác được mình đói hay no. Đó là lý do tại sao các bữa ăn chính, phụ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trẻ em có thể kiểm soát cơn đói khi mong đợi rằng, thức ăn sẽ có sẵn vào những thời điểm nhất định trong ngày. Nếu trẻ không ăn bất cứ thứ gì vào một bữa trong ngày, cha mẹ có thể cho con ăn vào bữa tiếp theo.

Trẻ có thể bỏ bữa?

Nhiều trẻ mới biết đi cần ăn thường xuyên, nhiều nhất là 6 lần/ngày, bao gồm 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ. Tuy nhiên, lịch trình này chỉ là khoảng thời gian cha mẹ sẽ yêu cầu trẻ ăn. Trong khi đó, không phải lúc nào các bé cũng ăn theo những khung giờ này.

Cho phép trẻ bỏ bữa là một khái niệm khó vì nhiều người được nuôi dạy không lãng phí thức ăn. Tuy nhiên, trẻ em nên được phép phản ứng với các tín hiệu đói của bản thân. Điều đó có nghĩa là bé sẽ ăn khi đói và đôi khi có thể không ăn, ngay cả khi đã đến giờ.

Với khoảng thời gian được đặt sẵn, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm khi biết sẽ có bữa ăn tiếp theo nếu vừa không ăn. Điều quan trọng là cha mẹ không nên cho trẻ ăn vặt hoặc uống sữa hay nước trái cây ngay trước bữa ăn. Khi đó, bé có không hứng thú với bữa ăn sắp tới do no bụng. 

Tránh đồ ăn nhanh

Trẻ cần ăn uống lành mạnh để có đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể phát triển. Kẹo, khoai tây chiên và đồ ăn vặt ít chất dinh dưỡng không nên là một phần của chế độ ăn, vì những thực phẩm này có thể lấn át những món ăn lành mạnh.

Sở thích ăn uống được hình thành từ rất sớm, vì vậy cha mẹ không nên bỏ lỡ cơ hội để giúp trẻ phát triển sở thích đối với các món ăn bổ dưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.