Phòng GD&ĐT Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết, ngành GD&ĐT chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học với ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM và giáo dục văn hóa chào hỏi trong cấp mầm non.
Theo đó, Phòng GD&ĐT Hiệp Hòa vừa tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên môn Giáo dục mầm non cấp huyện lần thứ 2 năm học 2024 - 2025 tại trường Mầm non Thường Thắng theo hình thức trực tiếp kết hợp phát trên kênh Youtube Tổ mầm non Phòng GD&ĐT. Với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên tổ Mầm non Phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của 31 trường Mầm non và đại diện các cơ sở độc lập tư thục trên địa bàn huyện.
Hội nghị cấp huyện lần này, Phòng GD&ĐT tập trung vào hoạt động có ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM và hoạt động giáo dục văn hoá chào hỏi đó là: Hoạt động “Dạy trẻ cách chào hỏi lễ phép”, đối tượng trẻ nhà trẻ 24-26 tháng tuổi và sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học của tổ mẫu giáo 4-5 tuổi, hoạt động khám phá khoa học, đề tài “khám phá quả cam”, đối tượng trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi.
Với hoạt động khám phá khoa học, đề tài “khám phá quả cam” ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM - 5E giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm, kỹ năng thực hành. Đồng thời khuyến khích sự tò mò và niềm yêu thích học tập thông qua việc trẻ được làm thí nghiệm chìm nổi, được khám phá về đặc điểm, tác dụng của quả cam; được chia sẻ ý tưởng của cả nhóm đồng thời qua đây phát triển kỹ năng thuyết trình, phản biện cho trẻ.
Bên cạnh những kỹ năng khoa học và sáng tạo, Phòng GD&ĐT huyện Hiệp Hòa còn chú trọng đến giáo dục văn hoá chào hỏi, giúp trẻ hình thành thái độ cư xử lịch sự, lễ phép và kỹ năng giao tiếp từ nhỏ. Hoạt động giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội, đề tài “dạy trẻ cách chào hỏi lễ phép” của đối tượng trẻ nhà trẻ 24-36 tháng được thực hiện thành công, trẻ biết cách chào hỏi lễ phép và thể hiện sự tự tin, mạnh dạn khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
Sau khi dự giờ, tổ chuyên môn 4-5 tuổi trường Mầm non Thường Thắng tiến hành phân tích bài học, chia sẻ về các hoạt động của trẻ. Việc phân tích bài học giúp các thành viên trong tổ nhìn nhận lại toàn bộ quá trình tổ chức hoạt động, từ thiết kế bài giảng đến thực hiện và kết quả đạt được.
Giáo viên có thể đánh giá mức độ phù hợp của việc ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM theo quy trình bài học 5E; đối chiếu giữa mục tiêu và thực tế giúp giáo viên điều chỉnh cách tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Việc chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học kết hợp với ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM và giáo dục văn hoá chào hỏi đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại huyện Hiệp Hòa. Những đổi mới này không chỉ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục đậm chất nhân văn và sáng tạo. Đây là bước đi chiến lược trong việc chuẩn bị cho trẻ một nền tảng vững chắc để bước vào tương lai đầy thách thức và cơ hội.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Ngô Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hiệp Hòa đánh giá cao về kết quả đạt được. Đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non trong huyện tiếp thu các nội dung ở Hội nghị để chỉ đạo thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Tích cực bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tại đơn vị mình để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên chuẩn bị tham gia dự thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp huyện chu kỳ 2023-2025 vòng thực hành đạt kết quả cao.