Bởi vậy trong gia đình bố mẹ luôn có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những tố chất đặc biệt của con cái để giúp chúng phát triển đúng hướng. Nhất là khi trẻ còn nhỏ, những biểu hiện hàng ngày mà người lớn quan sát được sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về xu hướng nổi trội của trẻ.
Quan sát để phát hiện sớm năng lực
Cu Bi năm nay lên 3 tuổi con của chị Mai Lan (khu đô thị Trung Yên) có sở thích bắt chước giọng của những người mà bé mới quen. E ngại mọi người phật ý, anh chị thường cấm con làm như vậy, từ đó bé lại bắt chước giọng quảng cáo trên tivi.
Chị Lan đem điều này trò chuyện với cô bạn làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý, chị được biết đây là một trong những biểu hiện ở những trẻ sớm sở hữu trí thông minh ngôn ngữ. Các trẻ này có khả năng giao tiếp và ăn nói lưu loát. Tương lai sẽ phù hợp với nghề luật sư, nhà báo hoặc MC…
Ngược lại, chị Ngọc Anh mẹ bé Na (6 tuổi) lại tỏ ra lo lắng khi con gái mình không hứng thú với các môn ca múa, hội họa ở lớp. Song bé lại hoạt bát và nhanh nhẹn trong giờ võ thuật hoặc trò chơi vận động mạnh, anh chị sợ con gái có tính cách giống con trai.
Tuy nhiên cô giáo chủ nhiệm lại khuyên chị, không nên ép con theo đuổi những môn học không thuộc sở trường vì như vậy sẽ không giúp bé khám phá hết tiềm năng của bản thân.
Trên thực tế trẻ hình thành trí khôn đầu tiên nhờ sự vận động của các giác quan. Đứa trẻ hình thành và bộc lộ được một loạt các kĩ năng nhận biết thế giới xung quanh. Để giúp trẻ phát triển các phẩm chất tư duy, cần tạo ra môi trường tích cực để trẻ có thể phát huy tối đa các giác quan.
Chính trong những hoạt động chúng sẽ bộc lộ những điểm mạnh của mình. Vì vậy, các nhà tâm lí học thường khuyên các bậc cha mẹ hãy cho con được hòa mình vào thế giới thiên nhiên, những môi trường khác nhau, không nên bó hẹp không gian của trẻ.
Cùng trẻ trải nghiệm
Theo TS Chu Cẩm Thơ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong khi các nghiên cứu chỉ ra những lợi ích to lớn của giáo dục gia đình với trẻ em, thì những gia đình trẻ ở Việt Nam lại gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động giáo dục cho con cái.
Một mặt, có những ảnh hưởng lớn do khó khăn về cơ sở vật chất, thời gian; một mặt khác, cha mẹ cũng thiếu những hiểu biết về tổ chức hoạt động giáo dục tại gia đình cho con.
Nhiều trẻ được làm quen với các trò chơi hiện đại, các phương tiện, các trò chơi điện tử từ sớm. Nhiều trẻ lại bị đóng kín trong nhà, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài vì lí do an toàn.
Thậm chí nhiều cha mẹ và giáo viên cho trẻ học tính, áp dụng các quy tắc và cho rằng như thế là phát triển tư duy. Đây là nhầm lẫn đáng tiếc vì tư duy thuật toán của trẻ chỉ được hình thành và phát triển khi trẻ tìm ra “cách giải”, “thuật giải” cho bài toán của mình chứ không phải áp dụng máy móc theo những bài mẫu, cách làm sẵn có. Chúng ta có thể giúp trẻ phát triển tư duy thông qua các trò chơi toán học.
TS Chu Cẩm Thơ cho rằng cần khuyến khích cho trẻ chơi cùng nhau, chơi cùng người lớn. Khi chơi như vậy, trẻ sẽ bộc lộ các cảm xúc, tư duy trực tiếp, giúp phát triển các giác quan và trí thông minh xúc cảm (EQ), sự kiên trì, vượt khó.