Giúp trẻ mầm non nhận biết về nghề nghiệp trong xã hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tổ chức hoạt động giúp trẻ nhận biết về các ngành nghề như bác sĩ, công an, bộ đội,… là cách mà nhiều trường mầm non tại TPHCM đang áp dụng.

Trẻ trường mầm non Thiên Ân 3 vào vai bác sĩ.
Trẻ trường mầm non Thiên Ân 3 vào vai bác sĩ.

Cho trẻ nhập vai

Tiết học giúp trẻ nhận biết về nghề nghiệp tại Trường Mầm non Thiên Ân (TP Thủ Đức) rất sôi động. Các bé cùng cô giáo khám phá về đặc điểm của mỗi ngành nghề trong xã hội, nhiều trẻ hào hứng giơ tay, tự tin thể hiện sự hiểu biết của mình về các ngành nghề.

Theo cô Thái Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng nhà trường, hoạt động nhận biết việc, nghề nghiệp sẽ được giáo viên các lớp từ nhà trẻ đến mẫu giáo thực hiện trong các hoạt động học dựa theo chương trình khung của năm. Tuy nhiên các lớp mẫu giáo sẽ được tìm hiểu rõ hơn tên gọi, công việc, đồ dùng, sản phẩm và lợi ích của một số nghề phổ biến từ đó biết tôn trọng lao động, bước đầu xác định ước mơ sau này làm nghề gì. Ngoài giờ hoạt động học, hoạt động vui chơi các góc như phân vai: nấu ăn, làm đẹp, bác sĩ,… từ đó xây dựng cũng cung cấp thêm 1 phần kiến thức cho trẻ về công việc của 1 số nghề nghiệp.

Hoạt động trải nghiệm làm ca sĩ của trẻ Trường mầm non Hương Nắng Hồng.

Hoạt động trải nghiệm làm ca sĩ của trẻ Trường mầm non Hương Nắng Hồng.

Tương tự, Trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp trẻ nhận biết các ngành nghề trong xã hội thông qua các hoạt học và hoạt động vui chơi. Trẻ từ độ tuổi 3 đến 5 tuổi sẽ tham gia hoạt góc tại trường mầm non thông qua các hoạt động đóng vai các bé được trải nghiệm ở các góc chơi như: Bác sĩ, làm đầu bếp, bán hàng, hoặc làm kỹ sư, làm ca sĩ... với mục đích để các bé được trải nghiệm và biết được một số ngành nghề trong xã hội. Bên cạnh đó, trẻ lựa chọn trang phục, dụng cụ tương ứng với nghề nghiệp mình đã chọn và đi đến các khu vực đã được sắp xếp tại mỗi góc chơi để bắt đầu “một ngày làm việc” của mình.

Cô Nguyễn Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thông qua việc tổ chức các hoạt động, trẻ không chỉ được khám phá, tìm hiểu về những nghề nghiệp trong xã hội mà còn được thỏa sức sáng tạo, tưởng tượng, thể hiện những đam mê của mình ở từng ngành nghề khác nhau. Từ đó trẻ sẽ không có sự phân biệt ngành nghề, yêu quý và tôn trọng các nghề trong xã hội.

“Hướng nghiệp cho các bé trong độ tuổi Mầm non không phức tạp hay đặt nặng yếu tố giảng dạy kiến thức. Thay vào đó, mỗi hoạt động đều mang đến cho các em những kiến thức, câu chuyện vui vẻ, hài hước, cùng với đó là sự yêu thích với các nghề nghiệp. Trong các tiết học, giáo viên sẽ cho trẻ được khám phá một nghề nghiệp quen thuộc trong đời sống. Đó có thể là công việc khám chữa bệnh của một bác sỹ hay là chuyến bay của một chú phi công hoặc là cách mà một họa sỹ vẽ nên những bức họa tuyệt vời,…”, cô Hoa cho hay.

Chú trọng từng độ tuổi

Trước thềm năm học 2022-2023, tổ chuyên môn Trường mầm non 19 Tháng 5 (quận 12) sẽ sưu tầm những nguyên vật liệu, đồ dùng phù hợp để xây dựng “Góc hướng nghiệp”, bao gồm nhiều trạm nghề như: cơ khí, tiệm may đo, sân khấu trình diễn thời trang, salon tóc, nail và spa, thiết kế thời trang… Hằng ngày, các con được các cô giáo cho luân phiên hoạt động tại địa điểm này. Mỗi trẻ sẽ được “đóng vai” thợ cơ khí, thợ mộc, nhà thiết kế thời trang, người mẫu, thợ làm tóc, thợ làm Nail…

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Từ Tâm, Hiệu trưởng trường mầm non 19 Tháng 5, hoạt động giúp trẻ nhận biết về nghề nghiệp là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch giáo dục thường niên của trường. Thực tế bất cứ ngành nghề nào đều có thể trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống. Không chỉ là các ngành nghề quen thuộc như giáo viên, bác sĩ, công an, phụ huynh, ngay cả công việc làm nội trợ phụ huynh cũng có thể dạy trẻ chế biến món ăn, dọn dẹp nhà cửa, trao cho các con kỹ năng, gắn kết tình cảm gia đình.

Giờ trải nghiệm về về nghiệp của trưởng Trường mầm non 19 Tháng 5.

Giờ trải nghiệm về về nghiệp của trưởng Trường mầm non 19 Tháng 5.

Tại Trường mầm non 19 Tháng 5, ngoài sự hướng dẫn của giáo viên thì nhà trường còn phối hợp cùng phụ huynh hướng dẫn cho trẻ biết nghề nghiệp của người thân trong gia đình. Từ đó giúp trẻ hiểu rõ thêm về các nghề nghiệp từ chính người thân sau đó trong giờ học chia sẻ với các bạn trong lớp về nghề nghiệp của ba mẹ, ông bà. Từ đó giúp trẻ hiểu biết về các ngành nghề trong xã hội và quan trọng là tạo sợi dây liên kết bền chặt giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ.

“Hoạt động giúp trẻ nhận biết về nghề nghiệp nằm trong kế hoạch giáo dục của trẻ, tổ chức theo chủ đề thường sẽ vào tháng 11, cùng đề tài nhưng ở mỗi độ tuổi sẽ có mục đích yêu cầu khác nhau. Giáo viên lên kế hoạch, chọn đề tài (nghề nghiệp) sau đó tổ chức hoạt động.

Cụ thể với trẻ ở độ tuổi 3-4 tuổi sẽ kể tên và nói được sản phẩm của nghề nông, nghề xây dựng khi được hỏi, xem tranh. Trẻ 4-5 tuổi sẽ kể tên, công việc, công cụ, sản phẩm, lợi ích, của một số nghề khi được hỏi, trò chuyện. Còn trẻ 5-6 tuổi có thể nói đặc điểm và sự khác nhau của một số nghề, ví dụ như nghề nông làm ra lúa gạo, nghề xây dựng xây nên những ngôi nhà,…”, cô Tâm cho hay.

Cũng theo chia sẻ của cô Tâm, thông qua từng hoạt động, các con không chỉ được tìm hiểu về những nghề nghiệp trong xã hội mà còn được thỏa sức sáng tạo, tưởng tượng. Trẻ sẽ có cái nhìn ban đầu về mỗi nghề, từ đó các con sẽ định hướng sở thích, đam mê của mình ở từng ngành nghề. Đặc biệt, khi đã có cái nhìn về nghề nghiệp, trẻ sẽ không có sự phân biệt ngành nghề, từ đó hình thành trong trẻ nhân cách đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?