Trẻ thiếu nhiều kỹ năng
Không hiếm trường hợp trẻ đã học lên đến lớp 5, lớp 6 nhưng vẫn chưa biết cách trả lời gẫy gọn câu hỏi mà thầy cô, hay cha mẹ đưa ra về một vấn đề nào đó. Không phải vì trẻ không có kiến thức về lĩnh vực này, mà đơn giản vì trẻ chưa biết cách lập luận và trình bày. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục, vào những năm gần đây, học sinh tiểu học tại Hà Nội và TPHCM được đánh giá khá cao về các mặt như thích tìm hiểu, hay đặt câu hỏi, có trí nhớ tốt, biết vâng lời… Tuy nhiên, lại có hơn 80% học sinh thụ động và thiếu nhạy bén trong phân tích và giải quyết vấn đề.
Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Ngữ văn Trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ: Không hiểu sao càng lên lớp cao, học sinh càng ngại phát biểu ý kiến. Ngay cả những câu hỏi phát hiện đơn giản nhưng nếu cô giáo không chỉ định, các con cũng rất ít khi giơ tay. Việc hạn chế bày tỏ những ý kiến riêng như vậy không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu, mà lâu dài sẽ ảnh hưởng tới những kỹ năng thuyết trình của các con.
Nếu ngay từ nhỏ được rèn giũa về khả năng biết nêu ý kiến và bảo vệ chính kiến của mình, trẻ sẽ phát triển tốt về tư duy. Đặc biệt, những học sinh biết trình bày ý kiến phản biện về một vấn đề thường là những em có tư duy sáng tạo trong học tập và cuộc sống.
Dành thời gian cho trẻ
Chia sẻ về vấn đề con cái hiện nay cần những gì, chuyên gia Phạm Hiền, Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và phát triển tư duy Wedo-Wegood cho rằng: Việc đọc sách của người lớn cũng đang mai một, vì vậy đối với con trẻ tình yêu với sách cũng ít đi so với các thế hệ trước. Con trẻ giờ đây hình như đang mất dần sự chỉn chu, tỉ mỉ ngay từ việc quan sát. Dường như trẻ nhìn, quan sát bắt đầu từ sự tò mò chứ chưa phải bắt đầu từ mong muốn được tìm hiểu, được học tập. Ngay trong việc đọc sách, các con chú ý nhiều tới truyện tranh. Những câu chuyện mà các con lựa chọn đọc chưa chú trọng tới nội dung ý nghĩa. Chính vì vậy, những kiến thức, hiểu biết thu lượm từ việc đọc sách cũng không nhiều.
Trong mọi tình huống, phụ huynh cần khuyến khích trẻ nêu lên chính kiến của mình, có tư duy phản biện để các em tự đưa ra được quyết định về vấn đề đó. Và để con trẻ được nuôi dưỡng và phát triển đầy đủ, phụ huynh cần dành thời gian bên con hàng ngày, quan tâm tới con mới có thể hiểu con và định hướng con trong học tập và cuộc sống.
Trẻ hiện còn hạn chế ở khả năng biết lắng nghe, do bố mẹ cũng ít dành thời gian tâm sự với con. Các con chủ yếu tiếp cận nhiều với các thiết bị công nghệ như ti vi, iPad, smartphone… nên chủ yếu là sự thụ động, một chiều. Vì vậy có những trẻ hiểu được, nhưng cũng có những trẻ lại hiểu một cách chưa đầy đủ. Muốn khắc phục điều này, trong quá trình trò chuyện với con, bố mẹ nên kể cho con nghe những gì mình đã trải qua, hoặc tâm sự để hiểu con đã biết những gì và bổ sung kiến thức cho trẻ.
Chuyên gia Phạm Hiền cũng cho rằng, nhiều trẻ yếu ở khả năng tư duy. Có nhiều bố mẹ tự hào về việc con đọc sách nhưng lại không hướng dẫn cho con để con tự hiểu, thậm chí không ngồi thảo luận xem con hiểu các vấn đề như thế nào đã đúng hay chưa? Cũng như con sẽ ứng dụng điều đó vào cuộc sống như thế nào? Rốt cuộc con cái hiểu đúng như sách cộng với tư duy của con. Vì vậy, có nhiều trẻ không hiểu đúng thậm chí hiểu một cách cứng nhắc. Nếu các con đọc sách quá nhiều mà không có tư duy thực tế thì đó chỉ là tư duy một chiều. Như vậy nhu cầu cảm nhận ở trẻ thường kém.
Rõ ràng, việc dạy trẻ thu nạp kiến thức ở trường là hết sức quan trọng. Nhưng nếu thầy cô và gia đình không trang bị cho trẻ những kỹ năng từ việc quan sát, tiếp cận kiến thức cho đến các kỹ năng biết phân tích, tư duy biết cách trình bày ý kiến của mình, thì trẻ sẽ không thể phát huy hiệu quả trong học tập. Một xã hội hiện đại luôn đòi hỏi con người không chỉ giỏi về kiến thức văn hóa mà còn cần có những kỹ năng cơ bản. Bởi vậy, ngay từ nhỏ mỗi học sinh cần được trang bị và tạo cơ hội cho các em được cọ sát để thể hiện năng lực bản thân của mình.