Giúp nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề sau đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ giúp giáo viên thêm động lực để tiếp tục làm việc, vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại.

Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ giúp giáo viên thêm động lực để tiếp tục làm việc
Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ giúp giáo viên thêm động lực để tiếp tục làm việc

Chính sách kịp thời, nhân văn

Trong hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch, các cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động, không tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trực tuyến, không thu học phí. Do không có doanh thu từ nguồn học phí nên cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có khả năng chi trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Đối với giáo dục tiểu học, việc tổ chức dạy học trực tuyến bị giảm nguồn thu học phí, cán bộ, giáo viên, nhân viên giảm thu nhập, trong khi trách nhiệm hết sức nặng nề, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ, phục vụ bị mất việc, giảm thu nhập do tinh giản đội ngũ.

Tính từ tháng 5/2021 đến tháng hết tháng 3/2022, có 94% cơ sở giáo dục mầm non và 16 trường mẫu giáo, mầm non SOS trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam phải ngừng hoạt động; các cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập đã phải tổ chức dạy học trực tuyến; 94% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non và 30% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Những khó khăn nêu trên dẫn tới các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên, không bảo đảm các điều kiện hoạt động giáo dục. Đến nay, các địa phương đều đã đưa trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lại trường học, nhưng nhiều trẻ em mầm non không có chỗ học do cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã giải thể.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học ngoài công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 quyết nghị thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, đối tượng được nhận hỗ trợ là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; cơ sở giáo dục tiểu học tư thục; trường mẫu giáo, mầm non SOS, trường tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Mức hỗ trợ được quy định trong Nghị quyết là hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Không để nhà giáo nào bị bỏ lại phía sau là tinh thần của ngành giáo dục Thủ đô

Không để nhà giáo nào bị bỏ lại phía sau là tinh thần của ngành giáo dục Thủ đô

Nhanh chóng triển khai Nghị quyết số 103/NQ-CP

Theo ông Trần Thế Cương- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP là rất thiết thực, góp phần ổn định đội ngũ giáo viên, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập; đồng thời giúp phụ huynh yên tâm lao động, góp phần để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an sinh xã hội.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đóng cửa, nay hoạt động trở lại gặp nhiều khó khăn, trong đó thiệt thòi, vất vả nhất là giáo viên. Đồng hành, chia sẻ, không để nhà giáo nào bị bỏ lại phía sau là tinh thần của ngành giáo dục Thủ đô, với nhiều giải pháp giúp nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Theo khảo sát, 60-70% giáo viên mầm non có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người chỉ có mức hơn 3 triệu đồng/ người/tháng. Đến nay, hầu hết các cơ sở mầm non đã mở cửa trở lại, song số trẻ đến trường chưa ổn định, nhiều cơ sở còn nợ tiền nhà, học phí lại không thể tăng, nên đời sống của giáo viên chưa thể cải thiện. Do đó, việc hỗ trợ cho các giáo viên ngoài công lập là rất cần thiết.

Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, nay Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, đây là điều rất có ý nghĩa. Nghị quyết số 103/NQ-CP giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập tin tưởng, trong khó khăn, luôn có Đảng, Nhà nước đồng hành.

Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy chia sẻ: Là địa bàn có quy mô giáo dục lớn, đáng chú ý là số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập nhiều hơn công lập, trong 2 năm qua, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung, giáo viên ngoài công lập nói riêng được quận Cầu Giấy đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, quận còn hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 80 chủ nhóm lớp mầm non độc lập tư thục. Quận còn chú trọng việc tạo bình đẳng trong hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cũng như triển khai, đánh giá chất lượng giáo dục, không phân biệt giáo viên công lập và ngoài công lập.

Còn ông Phạm Gia Hữu- Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, đã có hơn 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên, được hỗ trợ để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Cùng với đó, rà soát, xác định có 800 trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Bên cạnh việc triển khai các chính sách của Nhà nước, thành phố, từ đầu năm học đến nay, các quận, huyện, thị xã và các trường học đều có biện pháp hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất, giúp giáo viên yên tâm với công việc. Sở GD&ĐT Hà Nội đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù để bảo đảm đời sống cho đội ngũ giáo viên, giải quyết dần tình trạng giáo viên nghỉ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.