Giúp học trò xây dựng ước mơ, hoài bão

GD&TĐ - Giáo viên giảng dạy tại các trung tâm GDNN-GDTX không chỉ truyền dạy kiến thức, định hướng nghề nghiệp...

Thầy Chu Văn Kế - giáo viên môn Địa lý, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cùng học viên. Ảnh: NVCC
Thầy Chu Văn Kế - giáo viên môn Địa lý, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cùng học viên. Ảnh: NVCC

Với đặc thù đầu vào thấp, nhiều học viên không xác định được hướng đi, mục tiêu học tập cụ thể…, giáo viên giảng dạy tại các trung tâm GDNN-GDTX không chỉ truyền dạy kiến thức, định hướng nghề nghiệp mà phải tạo ra nguồn cảm hứng, giúp học viên xây dựng ước mơ, hoài bão.

Tôn trọng, chia sẻ

16 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Chu Văn Kế - giáo viên môn Địa lý, Trung tâm GDNN-GDTX Hương Sơn (Hà Tĩnh) chưa bao giờ có ý nghĩ chán hay bỏ nghề. Thầy Kế tâm sự: “Từ khi học phổ thông, tôi đã ước mơ được làm thầy giáo truyền tải kiến thức cho học trò. Năm 2002, tôi vô cùng hạnh phúc vì thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chuyên ngành Sư phạm Địa lý”.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Kế được phân công giảng dạy ở Trung tâm GDNN-GDTX Hương Sơn. Để hiểu học viên, thầy dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tính cách từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

“Vừa tốt nghiệp THCS, nhiều em khủng hoảng tuổi dậy thì, thích thể hiện cá tính riêng, chưa có định hướng cụ thể cho bản thân. Vì vậy, muốn các em đi vào nền nếp, học tập, người thầy phải nắm rõ tâm lý để định hướng dựa trên thế mạnh và khơi dậy hứng thú học tập.

Bên cạnh đó, tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh để phối hợp giáo dục các em hiệu quả hơn. Học sinh bậc học nào cũng vậy, quan trọng nhất là thầy cô, nhà trường, gia đình phải tôn trọng, yêu thương, tạo cho các em sự tin tưởng”, thầy Kế trải lòng.

Theo thầy Kế, điểm yếu của nhiều học viên Trung tâm GDNN-GDTX là ham chơi, chưa thực sự tập trung vào việc học. Theo đó, để có những tiết học hứng thú, giáo viên cần chọn lọc kiến thức, dạy nhẹ nhàng, phù hợp từng nhóm học viên; hướng các em tới cái mới, những tình huống có vấn đề để kích thích sự tìm tòi khám phá.

“Tôi luôn giúp các em khắc phục hạn chế đồng thời biết phát huy thế mạnh bản thân. 16 năm gắn bó với nghề, tôi nhớ mãi cậu học trò tên Tuấn, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Em luôn tự ti, ngại tiếp xúc và không chia sẻ với bạn bè, thậm chí nhiều lần có ý định tìm đến cái chết.

Đối với học viên này, tôi sát sao hơn, thường xuyên tư vấn tâm lý, động viên, hỗ trợ trong học tập. Nhờ đó, em bình tĩnh, dần cởi mở, hòa đồng với bạn bè. Được hỗ trợ tinh thần, định hướng cuộc sống phù hợp…, Tuấn biết cách xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân. Sau khi tốt nghiệp, em học lái xe và chăm chỉ làm việc hỗ trợ gia đình”, thầy Tuấn chia sẻ.

Là một trong những học viên được thầy Kế hỗ trợ và cưu mang, em Nguyễn Quốc Hoàn – cựu học viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn, đang theo học lớp tiếng Nhật để xuất khẩu lao động đi Nhật Bản, chia sẻ: “Những năm học tại trung tâm, em nhiều lần có ý định bỏ học. Khi biết điều này, thầy Kế đến nhà động viên em cố gắng học tập, không bỏ dở giữa chừng để có tấm bằng tốt nghiệp THPT. Trong năm cuối học tại trung tâm, thầy hỗ trợ em toàn bộ học phí cũng như tiền đóng bảo hiểm y tế”.

Gắn bó với Hoàn nên thầy Kế biết mong muốn của nam sinh là học nghề để đi xuất khẩu lao động nhưng vì nhà nghèo nên gác lại. “Lúc đó, thầy định hướng cho em học tiếng, tham gia thi tuyển xuất khẩu lao động, đồng thời thầy sẽ hỗ trợ 50% chi phí. Thế rồi, khi biết em đỗ lao động nước ngoài, thầy đã xin công ty hỗ trợ em 50% trong khoản phí 100 triệu đồng…”, Hoàn kể lại trong xúc động, biết ơn.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ 5 từ phải sang) - giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ 5 từ phải sang) - giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: NVCC

Gắn bó cùng nghề giáo

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên môn Vật lý, Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết, trước đây, trong suy nghĩ nhiều người, đa số học viên có trình độ kém, cá biệt, ngỗ nghịch, không đỗ vào đâu mới vào đây, đi học cho có chỗ...

Tuy nhiên, hiện công tác phân luồng hướng nghiệp thay đổi, cộng thêm hoạt động giảng dạy kết hợp giữa đào tạo văn hóa với dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo sức hút đối học sinh có thành tích học tập khá, đủ năng lực thi đỗ các trường THPT công lập nhưng vẫn chọn học tại trung tâm GDNN - GDTX.

Do vậy, cô Hiền luôn tâm niệm trong dạy học muốn học viên đồng lòng, nỗ lực học tập, người thầy phải tích cực, linh hoạt sử dụng phương pháp, tổ chức nhiều hoạt động học tập giúp học viên tự tin, phát huy tính tự chủ, sáng tạo.

“Ngoài ra, tôi hướng dẫn các em cách thu thập thông tin, dữ liệu từ sách giáo khoa, sách tham khảo, bài giảng giáo viên để chắt lọc kiến thức cơ bản từng vấn đề. Đối với học viên yếu, tôi hướng dẫn đánh dấu từ khóa quan trọng trong bài học, cách tự ôn tập tại nhà; khuyến khích các em trao đổi, thảo luận và đặt câu hỏi với giáo viên trong tiết học để giải quyết ngay các vấn đề chưa hiểu, từ đó quá trình học tập bớt áp lực”, cô Hiền chia sẻ.

12 năm gắn bó với nghề “trồng người”, cô Hiền không ít lần chứng kiến học viên nghỉ học. “Buổi học nào lên lớp, tôi cũng điểm danh đầy đủ, chỉ cần báo có học viên nghỉ tôi sẽ hỏi bằng được nguyên nhân? Nếu cán bộ lớp không biết, bản thân tìm cách liên lạc với gia đình vừa để thông báo vừa tìm hiểu lý do.

Trường hợp nghỉ lâu, tôi chủ động đến nhà tìm hiểu. Nếu trò nghỉ học vì gia đình khó khăn tôi sẽ đề xuất với ban lãnh đạo trung tâm có phương án hỗ trợ. Em nào nghỉ học vì suy nghĩ, tư tưởng gia đình chưa coi trọng việc học, tôi sẽ phân tích, thuyết phục để phụ huynh, học viên hiểu và đồng ý cho con em trở lại trường học tập”, cô Hiền cho hay.

Không những vậy, với học viên là con hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình hoàn cảnh đặc biệt, ngoài động viên tinh thần, cô Hiền còn đề nghị trung tâm hỗ trợ vật chất, trao học bổng giúp các em vươn lên học tập, hoàn thành chương trình, không bỏ học giữa chừng.

“Muốn có tiết dạy tốt, người thầy cần kỹ năng tổ chức, hướng dẫn học viên, đặc biệt dạy cách phân bố thời gian học sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều em là người dân tộc thiểu số, tôi đã nghiên cứu văn hóa, tự học thêm tiếng dân tộc để có thể trao đổi dễ dàng, tạo sự gần gũi với các em…”. - Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.