Lo trò "hổng" kiến thức, cô giáo trẻ vào bệnh viện dạy chữ

GD&TĐ - Lo học trò không theo kịp chương trình học so với các bạn khi phải nằm viện chữa bệnh, cô Hoà mang giáo án, sách vở vào bệnh viện dạy chữ cho học sinh.

Cô Hoà luôn gần gũi, ân cần với học sinh.
Cô Hoà luôn gần gũi, ân cần với học sinh.

Gắn bó với giáo dục vùng khó

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Huế, cô Trần Thị Kim Hoà (SN 1989, thị trấn Kbang, huyện Kbang, Gia Lai) về giảng dạy tại địa phương. Khi đó, trường học chỉ có duy nhất một dãy nhà xây, còn lại là những căn phòng xập xệ, cũ kĩ. Không những thế, học sinh vẫn còn học tại điểm làng xa xôi và đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt là những ngày mưa.

Để đến được điểm trường làng Tung Gút (xã Krong, huyện Kbang) dạy chữ cho học sinh, cô Hoà phải vượt qua con suối đầu làng. Ngày nắng thì suối cạn, trơ đá, nhưng khi mưa xuống nước dâng cao, chảy siết vô cùng nguy hiểm.

“Khi mình mới về đây cây cầu Tăng Lăng chưa được xây dựng nên để vào được điểm làng giáo viên phải vượt suối. Có đợt mưa lớn, nước chảy siết, giáo viên ở lại trong làng cả tuần. Đến khi ngớt mưa, nước rút thì mọi người mới về nhà”, cô Hoà chia sẻ.

Sau 2 năm giảng dạy tại điểm trường làng, Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) thành trường bán trú. Khi đó, tất cả học sinh về học tập và ở lại điểm chính. Từ đó, vấn đề khó khăn nhất của giáo viên là duy trì tỉ lệ chuyên cần.

“Vào dịp cuối tuần hoặc sau kì nghỉ lễ, Tết giáo viên chúng mình sẽ vào làng tuyên truyền và vận động học sinh ra lớp. Bởi các em thường theo bố mẹ lên nương rẫy rồi quên đến trường. Đặc biệt một số phụ huynh không quan tâm đến việc học của con em mình nên gây khó khăn cho giáo viên. Tuy nhiên, chúng mình luôn cố gắng hết sức để duy trì sĩ số học sinh. Chính vì vậy, ngày nào đến trường mà học sinh đông đủ thì giáo viên rất vui và hạnh phúc, nhưng điều này khá hiếm hoi”, cô Hoà chia sẻ.

Khó khăn nhất trong hành trình dạy chữ của cô Hoà là tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.
Khó khăn nhất trong hành trình dạy chữ của cô Hoà là tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.

Trong hành trình dạy chữ cho học trò, cô Hoà nhớ: Năm học 2015-2016 cậu học trò Đinh Khoang của lớp cô bỗng dưng vắng học. Mấy ngày không thấy học trò đến trường cô đến nhà để tìm hiểu và vận động em ra lớp. Tuy nhiên, khi đến nơi cậu học trò bị viêm đường tiết niệu, sốt cao… Ngay lập tức cô cùng gia đình đưa em đến bệnh viện chữa trị. Lo học trò bị “hổng” kiến thức trong thời gian nằm viện, cứ tối đến sau khi lo xong công việc nhà và con cái, cô mang sách vở đến bệnh viện dạy chữ cho Đinh Khoang.

“Một tuần liên tiếp Đinh Khoang nằm viện thì mình vào dạy bài cho em. Do đó, em vẫn theo kịp kiến thức với các bạn khác. Khi khỏi bệnh quay trở lại lớp, Đinh Khoang không bị “hổng” kiến thức”, cô Hoà chia sẻ.

Mong học trò được quan tâm, hỗ trợ

Cô Trần Thị Kim Hoà vinh dự được tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021.
Cô Trần Thị Kim Hoà vinh dự được tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021.

Khi đã ổn định công tác, cô Hoà lập gia đình và có 2 người con. Con lớn năm nay học lớp 3, còn con út mới lên 4 tuổi. Con nhỏ, nên dù quãng đường từ nhà đến trường hơn 50 km nhưng cô Hoà vẫn cố gắng đi – về trong ngày. Quãng đường chi chít ổ voi, ổ gà nên chuyện xe hư, thủng xăm đối với cô Hoà như “cơm bữa”. Những hôm chưa hoàn thành công việc hoặc vướng lịch trực tại trường cô Hoà đành gửi con nhờ người thân chăm sóc.

“May mắn chồng là hậu phương vững chắc và hỗ trợ mình đưa, đón các con đi học. Những hôm không thể gửi con cho ông bà, người thân thì chồng mình là người tình nguyện xin nghỉ để chăm con. Chồng cũng là người luôn động viên mình cố gắng để dạy chữ, mang kiến thức đến cho học sinh nghèo”, cô Hoà tâm sự.

“Mình mong rằng sẽ có nhiều sự quan tâm hơn nữa đến những trường vùng sâu, vùng xa như trường mình. Bởi học sinh thiếu thốn rất nhiều, như: đồ dùng học tập, quần áo… Từ những sự hỗ trợ đó các em sẽ có điều kiện và cố gắng hơn trong học tập”, cô Hoà tâm sự.

Để học sinh thoát khỏi đói nghèo, cô Hoà mong muốn các em phải nâng cao ý thức học tập. Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ thay đổi nhận thức và quan tâm, động viên con em mình đến trường.

Trước những nỗ lực, cống hiến của bản thân, tháng 11/2021, cô Trần Thị Kim Hoà là giáo viên tiêu biểu đại diện cho tỉnh Gia Lai tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Thầy Hoàng Văn Ngọc, Hiệu trường Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám cho biết, cô giáo Trần Thị Kim Hoà có 2 người con nhỏ nên mỗi ngày sau khi dạy xong đều vượt hơn 50 km để về nhà.

Mặc dù quãng đường đến trường tương đối xa xôi và hiểm trở nhưng cô Hoà luôn năng nổ, nhiệt tình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cô Hoà còn có năng khiếu hội hoạ, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào dạy học. Đồng thời, cô Hoà cùng giáo viên trong trường thường xuyên đến nhà vận động học sinh ra lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần.

“Năm 2021 vừa qua, cô Hoà là giáo viên tiêu biểu, đại diện của tỉnh Gia Lai ra Hà Nội tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, thầy Ngọc tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.