Hệ lụy sống “mở”
Tình trạng nạo phá thai gia tăng do trẻ vị thành niên chưa có hiểu biết đầy đủ về giới tính, lối sống “thoáng”, bất cần, vô lo... Nguy cơ nạo phá thai ở lứa tuổi trẻ vị thành niên thường đi kèm với những nguy cơ khác như biến chứng chứng chết người, vô sinh, tinh thần suy sụp, gia đình ruồng bỏ… làm ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển lành mạnh của học sinh cũng như sự phát triển nòi giống.
Quan hệ tình dục khi học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ ở lứa tuổi vị thành niên cũng gây ra nhiều tác hại như có thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, sa đà bỏ học dẫn tới mại dâm, ma túy…
Đáng nói, trong khi giáo dục giới tính từ gia đình, nhà trường còn những khoảng trống thì học sinh chịu nhiều áp lực, tác động từ lối sống hiện đại nước ngoài ồ ạt du nhập; cũng như sự phát triển sớm về tâm sinh lý…
Cùng đó công nghệ thông tin phát triển từng ngày và thế giới tràn ngập thông tin. Chỉ cần vào Google học sinh có thể tiếp cận được với nhiều phim ảnh sex, hình thức sex… Những chuẩn mực về đạo đức, văn hóa ngày càng trở nên lỏng lẻo, thậm chí suy đồi, không đủ sức giúp học sinh “đề kháng” trước áp lực của cuộc sống hiện đại.
Trong khi đó, việc giáo dục giới tính trong nhà trường, gia đình còn nhiều lỗ hổng, cùng sự thiếu hiểu biết trong việc tự vệ bản thân, thiếu chuẩn bị kiến thức giới tính nên nhiều học sinh không đủ bản lĩnh nói không với chính ham muốn bản năng. Các em chạy theo lối sống “thoáng”, sống mở, bất cần những quy tắc. chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất.
Em Đỗ Thùy Linh, Trường THCS Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Em thấy nhiều bạn ở lứa tuổi của mình đã lên mạng Internet để tìm kiếm trang web “đen”. Các bạn khá tò mò và muốn khám phá những “chuyện người lớn” trong không có sự định hướng kịp thời từ bố mẹ, thầy cô. Em nghĩ ở lứa tuổi của chúng em cần tập trung vào học tập, cần được tư vấn những vấn đề liên quan ở tuổi dậy thì, sự biến đổi tâm sinh lý chứ không nên đi sâu, chạy theo vào các vấn đề “nóng” của xã hội.
Giúp học trò “đề kháng”
Cô giáo Nguyễn Minh Hạnh, Trường THCS Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Làm công tác chủ nhiệm đôi khi lo lắng trước những thay đổi về tâm sinh lý của học sinh ở lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, hầu hết học sinh khi có chuyện thầm kín đều ít tâm sự với cô giáo mà thường tự mày mò tìm hiểu hoặc trao đổi với bạn bè.
Tại trường thỉnh thoảng có tổ chức hoạt động ngoại khóa nói về sức khỏe sinh sản, cách phòng chống HIV/AIDS cho học sinh nữ... Song trong bối cảnh hiện nay cần tổ chức nhiều hơn nữa những chương trình tuyên truyền phổ biến cho học sinh cả nam và nữ để các em có được kiến thức cơ bản về giới tính. Từ đó hình thành lối sống chuẩn mực, tăng sức đề kháng với những tác động bên ngoài xã hội…
Các chương trình cần có sự hướng dẫn, tư vấn của chuyên gia chứ không chỉ là nói chuyện chuyên đề của giáo viên trong trường. Trong quá trình biến đổi thành người lớn, các em dễ bị nhiễm những tật xấu từ bên ngoài và những trang web không lành mạnh.
Cô giáo Đặng Thị Thu Hà, Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) trao đổi: Với sự bùng nổ của Internet và sự học hỏi lẫn nhau thì hầu hết các em đều có những kiến thức nhất định về giáo dục giới tính. Nhưng hiện nay học sinh thường có sự phát triển sớm về sinh lý nên việc giáo dục giới tính ở độ tuổi THCS rất cần thiết. Và việc giáo dục giới tính không nên ồ ạt, phải thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”…
Cô Hà cũng chỉ ra thực tế nhiều giáo viên vẫn ngại ngùng lảng tránh những từ “nhạy cảm” trong giảng dạy về giới tính cho học sinh bởi trong môi trường sư phạm, giáo viên luôn được coi là người mô phạm trong mọi cử chỉ, lời nói nên ngại ngần.
Nhưng nếu tiếp tục lảng tránh và không tìm được một cách giáo dục khéo léo hơn thì học sinh sẽ càng tò mò, sự tò mò khi không được giảng đáp một cách thỏa đáng và đúng hướng sẽ dễ dẫn đến hình thành suy nghĩ, lối sống sai lầm…
Ở nhiều nước trên thế giới, các hình thức giáo dục giới tính đã có vị trí nhất định trong trường phổ thông. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta những bài giảng cho học sinh về tình dục vẫn còn là những giờ học đầy lúng túng và ngàn ngại với lượng kiến thức sợ sài và không phù hợp.
Nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục khẳng đinh: Giáo dục giới tính giúp học sinh đề kháng với lối sống, tác động của cuộc sống hiện đại cần phải phân định rõ được các giai đoạn của các em để có cách giáo dục phù hợp.
Ví như, trong khoảng 5-10 tuổi, cần giải đáp mọi câu hỏi mang tính tò mò tự nhiên của trẻ, cần phải để cho trẻ biết em bé được hình thành từ đâu, em bé ra khỏi bụng mẹ như thế nào…
Còn ở lứa tuổi 10-13, khi cơ thể bắt đầu có những thay đổi, trẻ cần được chuẩn bị những kiến thức cơ bản về cấu trúc và chức năng của các bộ phận sinh dục, dậy thì, mang thai, sinh để. Tiếp sau đó là những vấn đề về đạo đức như tình bạn, tình yêu, tình dục…
Mục đích cuối cùng không chỉ là trang bị kiến thức, xây dựng ý thức tình dục mà điều quan trọng là xây dựng những quan niệm đúng đắn về vai trò trách nhiệm của học sinh nam và nữ, hình thành nên trong các em lối sống lành mạnh đúng lứa tuổi và khả năng “đề kháng” trước những tác động mạnh mẽ của lối sống hiện đại hàng ngày đối với lứa tuổi học sinh trung học…