Giúp học sinh lớp 9 thạo kỹ năng viết đoạn văn

GD&TĐ - Làm văn chiếm một vị trí quan trọng trong môn Ngữ văn THCS. Trong đó, dạng bài tập viết đoạn văn xuất hiện khá nhiều.

Giúp học sinh lớp 9 thạo kỹ năng viết đoạn văn

Đây là dạng bài tập tương đối khó với cả giáo viên và học sinh. Với giáo viên, viết đoạn văn thường đòi hỏi thời gian nhiều, công sức đầu tư lớn.

Học sinh cũng rất ngại viết đoạn văn, nhất là những em học trung bình và yếu, kĩ năng viết chưa thành thạo, thuần thục; khả năng diễn đạt về đoạn văn còn mắc nhiều lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, mức độ liên kế; niềm đam mê chưa thật sự lớn

Chú ý nhân tố có ý nghĩa quyết định với đoạn văn

Cô Trần Thị Thuỳ Dương - giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (Gia Lai) - cho rằng: Khi nghiên cứu và viết đoạn văn, cần chú ý các nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với đoạn văn.

Đó là: Câu chủ đề của đoạn văn; các phương thức liên kết đoạn văn thông thường; phân loại đoạn văn và cách tách đoạn văn.

Muốn viết được đoạn văn để luyện tập kiến thức sau khi học văn bản, trước hết học sinh phải hiểu, nắm chắc kiến thức vừa học.

Chẳng hạn, luyện viết được đoạn văn theo nội dung đọc hiểu văn bản nghệ thuật. Để đọc hiểu một tác phẩm văn học thường đọc hiểu theo một quy trình chung:

Đọc và tìm hiểu chung về tác phẩm: tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tóm tắt tác phẩm (nếu là tác phẩm tự sự), tìm hiểu nhan đề tác phẩm… từ đó bước đầu xác định chủ đề tác phẩm.

Đọc và tìm hiểu chi tiết: Đọc phân tích từng phần như phân tích đoạn văn, đoạn thơ, phân tích nhân vật, phân tích hình tượng, hình ảnh chi tiết, hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ…; từ đó đọc ra tư tưởng, thái độ tình cảm của tác giả trước vấn đề xã hội, trước hiện thực cuộc sống được gửi gắm trong tác phẩm.

Trên cơ sở kiến thức về đọc hiểu tác phẩm, để kiểm tra, đánh giá và tự kiểm tra đánh giá kỹ năng nói viết khi vận dụng kiến thức đọc hiểu cụ thể của học sinh.

Khi rèn cách viết đoạn văn viết đoạn văn về nội dung Tiếng Việt, tập làm văn, giáo viên phải hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh kiến thức theo từng bước như tìm hiểu bản chất kiến thức thông qua ví dụ cụ thể.

Sau đó, giáo viên tiến đến hình thành khái niệm kiến thức cho học sinh. Tiếp theo, cho học sinh trải qua các bài tập đơn giản mang tính nhận biết, hiểu một cách chắc chắn.

Trên cơ sở kiến thức, đó giáo viên mới đi vào kiểm tra đánh giá học sinh kỹ năng vận dụng kiến thức ở dạng bài tập rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn.

Nắm vững hình thức đoạn văn

Theo cô Trần Thị Thùy Dương, đoạn văn phải đảm bảo nội dung và hình thức. Học sinh hiểu bài, nắm được kiến thức vẫn chưa chắc viết tốt được đoạn văn nếu khôngđược trang bị về hình thức của đoạn văn.

Vậy nên ngay từ bài luyện viết đoạn văn ở tiết đầu tiên, giáo viên kết hợp cho học sinh ôn lại những kiến thức liên quan về đoạn văn đã được học ở lớp dưới, như câu chủ đề, đoạn văn tự sự, đoạn văn chứng minh, đoạn văn thuyết minh, hay là viết đoạn văn trình bày luận điểm,…,

Thông qua đó, cho học sinh nắm chắc lại kiến thức cơ bản khi tạo lập đoạn văn:

Về nội dung, đoạn văn là một ý hoàn chỉnh ở một mức độ nào đó logic ngữ nghĩa, có thể nắm bắt được một cách tương đối dễ dàng.

Về hình thức, đoạn văn luôn luôn hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó thể hiện ở những điểm sau: Một đoạn văn được bắt đầu từ chữ cái viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng.

Cho học sinh nhắc lại các cách trình bày đoạn văn đã biết ở lớp 8 (đoạn diễn dịch, đoạn quy nạp), sau đó, giáo viên cung cấp thêm một số cách khác như đoạn so sánh, đoạn tương phản, đoạn nhân quả, đoạn móc xích... Từ đó, học sinh hiểu đoạn văn khác với bài văn ở điểm nào, tránh sự lan man thiếu trọng tâm.

Một trong những kinh nghiệm của cô Trần Thị Thùy Dương là xây dựng hệ thống câu hỏi tìm ý cho đoạn văn.

Vi dụ, khi hướng dẫn làm đoạn mở bài, giáo viên đặt ra những câu hỏi tạo cho học sinh vừa xác định nhiệm vụ riêng của đoạn văn trong bài văn, vừa thấy được quan hệ chặt chẽ của nó với các đoạn khác trong toàn bài.

Nghiêm túc kiểm tra bài làm ở nhà

Việc kiểm tra bài làm ở nhà của học sinh cũng được cô Trần Thị Thùy Dương và học sinh thỏa thuận ngay từ đầu năm.

Theo đó, giáo viên sẽ thu bất kì bài của học sinh nào trong giờ dạy văn bản tiếp theo để về nhà chấm, lấy điểm vào cột điểm miệng, hoặc khi kiểm tra bài cũ, học sinh phải trình vở làm bài tập đó.

Khi trình vở phải còn có phiếu học tập bấm vào trang vở. Trên cơ sở đó, giáo viên xem học sinh đã sử dụng phần gợi ý đến đâu, sáng tạo thêm được ý nào, diễn đạt có linh hoạt không hay bị gò bó máy móc.

Giáo viên lưu ý, nhận xét điểm ưu và hạn chế cụ thể cho từng em, khích lệ ý sáng tạo, khả năng diễn đạt của những em cố gắng.

Cô Trần Thị Thùy Dương nhận định: Dạy học sinh làm đoạn văn không đơn giản. Công việc này đòi hỏi sự đầu tư thích đáng của giáo viên, sự nỗ lực của học sinh.

Để có được đoạn văn đúng và hay cần sự khổ luyện và hợp tác từ hai phía. Thành công sẽ không đến với những ai nôn nóng, hời hợt, qua loa.

“Viết văn cũng như tập bơi. Muốn bơi giỏi, bơi xa cần phải có sức khỏe và siêng năng luyện tập.

Trong viết văn, sức khỏe ở đây chính là tư liệu, vốn sống. Để bơi xa, vận động viên còn phải phân phối sức hợp lý.

Để viết văn hay, ngoài việc huy động tư liệu người viết cần phải sắp xếp tư liệu đúng chỗ, hợp lý với yêu cầu của đề bài. Muốn biết bơi phải xuống nước, ngồi trên bờ mãi là kẻ không biết bơi.

Làm văn cũng như vậy, cần phải viết, phải rèn luyện nhiều hơn nữa. Qua việc nghiên cứu trên tôi rút ra cho mình một số kinh nghiệm rèn cho học sinh có kĩ năng viết tốt đoạn văn” - Cô Trần Thị Thùy Dương cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chiến đấu cơ Su-30 của Nga.

Video USV bắn hạ Su-30 ở Biển Đen

GD&TĐ -Trong cuộc tấn công ở Biển Đen hôm 2/5, thiết bị không người lái trên biển (USV) Magura V5 của Ukraine đã bắn hạ một chiến đấu cơ Su-30 Nga.