Role plays là hoạt động vận dụng kỹ năng nói mà qua đó người nói sẽ tự đặt mình vào vị trí của một người khác, hoặc vẫn ở vị trí của mình nhưng tự đặt mình vào một tình huống tưởng tượng. Nói cách khác, Role plays là phương pháp tổ chức cho sinh viên thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định.
Chủ đề của hoạt động Role plays
Với chủ đề của hoạt động Role plays, giảng viên Đỗ Hồng Yến cho rằng, đa số các bài tập Role plays trong sách còn ít, chủ đề chưa phong phú, chưa sát với thực tế cuộc sống của sinh viên.
Nên, ngoài những hoạt động Role plays trong giáo trình, giảng viên nên thiết kế thêm những tình huống thú vị, sát với thực tế cuộc sống của sinh viên.
Những tình huống này có thể xuất phát từ tình huống đời thường, từ nội dung trong 1 cuốn sách, 1 bộ phim, từ những khác biệt về văn hóa… để lôi cuốn và tạo hứng thú hơn cho sinh viên.
Phân vai
Để chuẩn bị cho hoạt động Role plays, phân vai cũng đóng vai trò quan trọng. Với hoạt động này, giảng viên Đỗ Hồng Yến cho rằng, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên xung phong lên diễn trước lớp, nhưng thông thường nên phân vai từ trước cho mỗi sinh viên.
Nếu lớp được chia thành nhiều cặp hoặc nhóm thì giảng viên khi quyết định phân vai cần cân nhắc đến khả năng và tính cách của từng sinh viên. Nên chọn những sinh viên có trình độ khác nhau vào một cặp hoặc nhóm để các em có thể học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau.
Để tiết kiệm thời gian trên lớp, sau khi phân vai và hướng dẫn cách làm, giảng viên có thể giao việc đóng vai như một bài tập về nhà. Sinh viên có thể tìm hiểu trước các từ, cụm từ có nghĩa, chuẩn bị lời thoại và sau đó thực hiện Role plays trong giờ học tiếp theo.
Lưu ý trước và trong khi tiến hành hoạt động Role plays
Giảng viên nên hướng dãn và cung cấp cho sinh viên những từ vựng và cấu trúc cần thiết, cách phát âm những từ khó. Điều này giúp sinh viên dễ dàng và tự tin hơn trong hoạt động, không lo bị mắc lỗi.
Hướng dẫn của giảng viên nên rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn. Nếu cần thiết có thể dùng tiếng Việt. Việc này kết hợp cùng sự khuyến khích, động viên của giảng viên sẽ giúp sinh viên còn ngại nói hoặc thiếu tự tin do nghèo từ vựng sẽ vững tin hơn.
Trong quá trình diễn ra hoạt động Role plays, dù có tham gia đóng vai hay không thì vai trò của giảng viên vẫn rất quan trọng.
Giảng viên Đỗ Hồng Yến dẫn gợi ý của J.Harmer như sau: Giảng viên có thể có ít nhất 3 nhiệm vụ: người tham gia trực tiếp vào hoạt động Role plays, người nhắc vở, người đánh giá.
Tuy nhiên, giảng viên Đỗ Hồng Yên cũng cho rằng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng gợi ý trên. Với những lớp học ở trình độ sơ cấp, giảng viên có thể là người tham gia trực tiếp vào hoạt động Role plays để làm mẫu. Việc này có thuận lợi là nếu hoạt động có gì trục trặc, giảng viên có thể điều chỉnh được ngay.
Việc làm mẫu giảng giáo viên là việc tốt, có ích, tuy nhiên giáo viên không nên tham gia thường xuyên vào hoạt động này vì sinh viên có thể sẽ ỷ lại, không phát huy được khả năng sáng tạo.
Giáo viên có thể là người chỉ dẫn hoặc trợ giúp, nhưng nên để sinh viên tự do khi tiến hành hoạt động Role plays. Thầy cô nên là người quan sát, lắng nghe rồi đưa ra nhận xét, đánh giá và điều quan trọng là phải sửa lỗi cho sinh viên.
Cách sửa lỗi, đánh giá giúp tăng hiệu quả Role plays
Một cách sửa lỗi để thu hút sự tập trung của tất cả sinh viên trong lớp là: Khi coh 1 sinh viên, 1 cặp hay một nhóm sinh viên lên thực hiện Role plays trước lớp, giáo viên nên yêu cầu tất cả sinh viên còn lại phải quan sát, lắng nghe rồi đưa ra nhận xét của mình khi hoạt động hoàn tất; giáo viên tổng kết, bổ sung các nhận xét. Giáo viên nên đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, những lỗi sinh viên mắc phải và chỉ ra cách khắc phục.
Ngoài ra, giáo viên cũng có thể cho sinh viên tự sửa lỗi bằng cách ghi âm hoặc quay phim lại hoạt động của các sinh viên.
Theo cô Đỗ Hồng Yến, để sử dụng hoạt động Role plays một cách hiệu quả, giảng viên có thể dùng hoạt động này như một phương pháp đánh giá thay thế để kiểm tra năng lực nói của sinh viên.
Sinh viên phải đáp lại các tình huống giảng viên đưa ra. Có thể có nhiều đáp án khác nhau cho 1 tình huống, tùy thuộc vào cảm xúc, suy nghĩ hay kinh nghiệm của bản thân sinh viên.
Một cách hữu hiệu nữa để tăng hứng thú của sinh viên và thu hút sự tham gia nhiệt tình của sinh viên trong lớp là sử dụng phương pháp tự đánh giá trong hoạt động Role plays.
Giáo viên đưa ra một tình huống, chia lớp thành các nhóm có thể từ 4 - 5 sinh viên mỗi nhóm tùy thuộc số sinh viên trong lớp, mỗi sinh viên đóng một vai.
Mỗi nhóm sẽ giải quyết tình huống theo cách riêng của mình. Giáo viên cho các nhóm chuẩn bị trong 1 thời gian nhất định, sau đó từng nhóm lên thực hiện Role plays; những nhóm còn lại xem và đánh giá, cho điểm theo các tiêu chí, thang điểm mà giáo viên đưa ra.
Sau khi các nhóm thực hiện xong, giáo viên thu lại kết quả chấm điểm, nhóm nào điểm cao nhất sẽ nhận được một phần thưởng.
Việc sử dụng tự đánh giá trong hoạt động Role plays làm cho sinh viên tăng hứng thú và làm việc nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, hoạt động này cần phải có nhiều thời gian.