Giúp giáo sinh Toán dạy tốt theo chương trình mới

GD&TĐ - Dạy học môn Toán ở trường phổ thông hướng vào mục tiêu chung theo tinh thần đổi mới giáo dục đòi hỏi ở giáo viên sự điều chỉnh hoạt động dạy học so với cách thức truyền thống.

Giúp giáo sinh Toán dạy tốt theo chương trình mới

Với quan điểm này, TS Hoàng Công Kiên và TS Phan Thị Tình (Trường ĐH Hùng Vương - Phú Thọ), cho rằng, các trường sư phạm cần có sự điều chỉnh nhằm chuẩn bị cho giáo sinh tiềm năng thích ứng với yêu cầu mới ngay trong quá trình đào tạo.

Xây dựng "cầu nối" kiến thức Toán ở ĐH và phổ thông

Điều đầu tiên TS Hoàng Công Kiên và TS Phan Thị Tình nhấn mạnh là cần xây dựng một "cầu nối" một số kiến thức toán học ở trường ĐH với kiến thức toán phổ thông phục vụ cho dạy học môn Toán ở trường phổ thông.

Việc xây dựng "cầu nối" này là cơ sở cho người dạy học theo phương châm biết mười, dạy một. Khi xác định vị trí "cầu nối" kiến thức ở ĐH với kiến thức toán phổ thông, giảng viên cần giúp sinh viên trả lời các câu hỏi sau:

Xây dựng mô hình toán học cho bài toán là vấn đề mấu chốt, có tính chất quyết định hiệu quả của việc vận dụng toán học. Bởi thế, giảng viên nên chú trọng điều này để tạo nền móng vững chắc cho sinh viên dạy học sinh của họ các bước vận dụng toán học .

Kiến thức môn học được trình bày ở ĐH cung cấp những thông tin gì về quan điểm, mức độ trình bày kiến thức môn học trong chương trình môn Toán ở phổ thông?

Kiến thức cung cấp cho sinh viên công cụ, mở rộng tầm nhìn để thực hiện tốt việc dạy học kiến thức nào trong môn Toán ở trường phổ thông? Tác dụng sử dụng kiến thức trong nghiên cứu, đào sâu, khai thác kiến thức ở trường phổ thông?

Kiến thức giúp chỉ ra cách hiểu sâu sắc, đúng bản chất các nội dung nào trong chương trình phổ thông, có thể giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn gì trong dạy học?

Có thể đặc biệt hóa kiến thức để nhìn nhận các kiến thức môn Toán trong chương trình phổ thông dễ dàng hơn không?

Tạo cơ hội cho sinh viên kết nối kiến thức với thực tiễn

Kết nối kiến thức với thực tiễn tạo cơ sở để giáo viên chú trọng mối liên hệ giữa toán học với thực tiễn trong dạy học. Khi dạy từng nội dung toán học, giảng viên cần giúp sinh viên xác định xem có thể sử dụng kiến thức để xây dựng, giải quyết các vấn đề, các bài toán nảy sinh từ các lĩnh vực thực tiễn nào.

Từ đó, trong quá trình dạy học, theo tiến sĩ Hoàng Công Kiên và tiến sĩ Phan Thị Tình, giảng viên cần quan tâm đến các vấn đề: Xây dựng và sử dụng các bài toán thực tiễn phục vụ cho chủ đề kiến thức; chú ý khai thác bài toán mở; lưu ý người học những sai lầm dễ mắc trong vận dụng lý thuyết để giải bài toán thực tiễn; rèn luyện cho sinh viên khả năng xây dựng mô hình toán học cho bài toán thực tiễn.

Sai lầm dễ mắc trong vận dụng lý thuyết để giải bài toán thực tiễn được cài đặt có thể trong ý tưởng của nội dung hay số liệu các bài toán thực tiễn, nhằm dẫn đến sự thiếu đảm bảo về tính chấp nhận được cả về định tính lẫn định lượng của kết quả lời giải.

Ngoài ra, giảng viên cần lưu ý sinh viên những sai lầm mà học sinh phổ thông dễ mắc khi tiếp cận các môn học này hoặc trong quá trình vận dụng kiến thức để giải các bài toán thực tiễn.

Riêng việc xây dựng các bài toán thực tiễn, cần đảm bảo tính đa dạng, liên quan tới nhiều lĩnh vực thực tiễn. 

Trong mỗi lĩnh vực, cần lưu ý một số đặc thù nổi bật về tính huống dẫn tới bài toán, về thuật ngữ chuyên môn riêng.

Trong quá trình sử dụng bài toán thực tiễn liên quan đến một lĩnh vực nào đó, giảng viên cần lưu ý, giải thích ý nghĩa của một số thuật ngữ trong lĩnh vực đó theo cách tiếp cận bằng công cụ toán học, nhằm tạo cho sinh viên khả năng mô tả tình huống thực tiễn một cách chính xác và linh hoạt, tạo tiềm năng rèn luyện ngôn ngữ chính xác cả về cú pháp và ngữ nghĩa cho học sinh phổ thông trong dạy học sau này.

TS Hoàng Công Kiên và TS Phan Thị Tình cũng lưu ý, sử dụng hệ thống bài toán thực tiễn cần hỗ trợ tối đa việc dạy học kết nối toán học với thực tiễn. 

Nếu coi việc giải bài toán thực tiễn là cái đích cuối cùng cần hướng tới của việc tiếp cận kiến thức thì đưa một số bài toán thực tiễn vào thời điểm gợi động cơ (mở đầu, trung gian hay kết thúc). 

Nếu sử dụng bài toán đó trong dạy học với mục đích củng cố kiến thức môn học thì có thể đặt ra yêu cầu sinh viên tự xây dựng hệ thống bài toán dưới dạng bài tập lớn, xây dựng nội dung xemina hoặc sử dụng hệ thống bài toán đã được xây dựng làm nội dung tự học.

Sử dụng phương pháp dạy học phát huy tối đa tính tích cực học tập

Định hướng sư phạm trong dạy học các môn khoa học cơ bản không chỉ đối với nội dung và đối với cả cách thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học. Theo đó, việc dạy học ở ĐH của giảng viên gây ảnh hưởng và có sự hỗ trợ không nhỏ tới việc dạy học của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên được tập dượt thiết kế các kế hoạch học tập giúp học sinh chủ động xác lập và thực thi kế hoạch chiếm lĩnh tri thức, phát triển năng lực cá nhân qua ý tưởng thiết kế kế hoạch bài học của chính giảng viên.

Bởi thế, việc sử dụng các phương pháp dạy học của giảng viên cần tạo cho sinh viên được học trong hoạt động và bằng hoạt động, phát triển ở sinh viên năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc, xây dựng chiến thuật hành động đúng đắn, điều hành công việc trong sự tương tác của các cá nhân một cách hiệu quả...

Điều đó góp phần tạo cho họ thói quen tổ chức dạy học các chủ đề kiến thức môn Toán nhằm phát huy tính tích cực, năng lực cá nhân, sở trường của học sinh trong công tác sau này một cách tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ