Đổi mới phương pháp dạy và học
Trao đổi về vấn đề này bà Nguyễn Thị Kim Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thành phố Hà Nội cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp người học làm chủ kiến thức; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú.
Nhờ đó, các em có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Chính vì vậy để chuẩn bị cũng như đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong những năm sắp tới, nhiều năm trở lại đây Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã luôn tích cực áp dụng việc đổi mới sáng tạo trong vấn đề quản lý cũng như đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường.
Với từng môn học Trường Đoàn Thị Điểm đã bố trí phân phối chương trình phù hợp với yêu cầu giảng dạy trên cơ sở thực tế. Cụ thể tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh ở một số lớp để nâng cao trình độ của học sinh. Học sinh được học Toán bằng tiếng Anh, các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Song song với đó, nhà trường cũng tạo điều kiện để học sinh có cơ hội tham gia các kỳ thi trong nước và quốc tế mở rộng. Điều này tạo cho các em học sinh có cơ hội cọ xát hội nhập để nâng cao năng lực bản thân.
Để đội ngũ giáo viên có thể lĩnh hội và áp dụng tốt các phương pháp đổi mới trong giảng dạy, hàng năm nhà trường đều mời đội ngũ chuyên gia tới trường để tập huấn cho các thầy cô giáo. Nhà trường tăng cường cập nhật các phần mềm dạy học trên Internet để hỗ trợ giáo viên có thể khai thác các dữ liệu phong phú phục vụ cho bài giảng.
Dạy học tích hợp, liên môn cần phù hợp với từng môn học
Cô Lê Thị Thiều Hoa, giáo viên giảng dạy môn Toán của Trường Đoàn Thị Điểm cho biết: Xuất phát từ vấn đề làm sao để học sinh yêu thích môn Toán, nên bản thân cô và các giáo viên trong trường rất chủ động trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Với giờ dạy của cô, cô thường bắt đầu từ những hiện tượng thực tế gần gũi trong cuộc sống. Ví dụ dạy đến bài về Tia (trong sách lớp 6), giáo viên có thể lấy ví dụ từ hình ảnh tia nắng, từ đó cô trò sẽ cùng khám phá tìm hiểu tia nắng phát ra từ đâu và khái niệm trong Toán học như thế nào. Từ chỗ lý thuyết trong sách khô khan, giáo viên đã kích thích hứng thú tìm tòi khám phá và các em sẽ nhớ rất nhanh.
Đối với những tiết bài tập, cô Hoa thường cho HS chuẩn bị bài ở nhà theo các nhóm khác nhau. Sau đó tới lớp các em trao đổi tranh luận và chia sẻ kết quả tìm hiểu của nhóm mình. Như vậy, các em sẽ tích lũy được rất nhiều dạng bài tập khác nhau. Trong quá trình tranh luận thậm chí phản biện, các em sẽ ghi nhớ và khắc sâu kiến thức cũng như các bước giải với từng dạng bài. Trong các tiết luyện tập như thế cô giáo cũng sẽ tổng hợp và chốt lại các vấn đề cho học sinh dễ hiểu.
Với môn Sinh học, cô giáo Nguyễn Tô Phượng cho biết: Để các em yêu thích môn học, giáo viên cũng cần vận dụng cách dạy học tích hợp trong bài giảng của mình. Ở môn học này, giáo viên có điều kiện hướng dẫn học sinh khám phá từ thế giới tự nhiên cho đến cuộc sống liên quan đến con người. Vì vậy việc hướng dẫn các em biết cách quan sát, so sánh, tổng hợp và liên hệ rất quan trọng. Thầy cô phải đứng ở vị trí học sinh để lựa chọn kiến thức chuyển tải cho các em, biến những vấn đề khó thành những điều dễ hiểu, đơn giản. Từ việc quan sát thực tế trên cơ sở trực quan sinh động, giáo viên giúp các em hình thành kiến thức cho bản thân mình. Trong quá trình giảng dạy, học sinh được trải nghiệm thực tế ở công viên, các nông trại xanh để tìm hiểu về động, thực vật. Bên cạnh đó, giáo viên có thể giao các bài tập thực hành để các em sưu tầm hay làm phim từ những hiện tượng thực tế. Những buổi tham quan, học ngoài trời như thế rất bổ ích, thầy cô sẽ lồng ghép tới vấn đề định hướng các em bảo vệ môi trường sống.