Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, cha mẹ, giáo viên, cố vấn và người chăm sóc có thể hỗ trợ theo nhiều cách.
Những con số báo động
Sức khỏe tâm thần đã trở thành chủ đề được quan tâm trong những năm gần đây. Hàng triệu người Mỹ đang sống chung với chứng trầm cảm, lo âu và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Mức độ căng thẳng cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), 27% người Mỹ trải qua mức độ căng thẳng dữ dội đến mức ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của họ. Điều này có nghĩa là hơn 1/4 số người trả lời khảo sát cho biết, vào hầu hết các ngày, họ bị căng thẳng đến mức không thể hoạt động.
Trong đó, trẻ em là nhóm cũng phải đối mặt với những cảm xúc, vấn đề, tác nhân gây căng thẳng. Theo báo cáo năm 2021 của Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy, những người trẻ tuổi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Đây là cuộc khủng hoảng có thể gây ra những tác động “tàn khốc”.
“Những thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi là có thật và đang lan rộng. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, một số lượng đáng báo động những người trẻ tuổi đã phải vật lộn với cảm giác bất lực, trầm cảm và có ý định tự tử. Tỷ lệ này đã tăng lên trong thập kỷ qua”, ông Vivek Murthy cho biết.
Đối với nhiều người, thông tin này không có gì đáng ngạc nhiên. Sau hơn hai năm chịu lệnh đóng cửa liên tục, phong tỏa, cô lập, sợ hãi, bệnh tật, đau buồn, mất mát và bất ổn, nhiều trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các trường hợp bắt nạt và sử dụng mạng xã hội gia tăng cũng đang ảnh hưởng đến hạnh phúc của trẻ em.
Theo báo cáo năm 2023 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, các bé gái tuổi teen đang trải qua mức độ buồn bã, tuyệt vọng và nguy cơ tự tử cao kỷ lục. Tỷ lệ đau khổ về mặt cảm xúc và bạo lực tình dục cũng tăng. Các chuyên gia đã chia sẻ những điều phụ huynh cần biết về sức khỏe tâm thần và biện pháp phòng ngừa tự tử ở thanh thiếu niên.
Cách nói chuyện
Mặc dù thảo luận và ưu tiên sức khỏe tâm thần là quan trọng, nhưng việc nêu ra chủ đề này có thể vấp phải rào cản. Nhiều thanh thiếu niên không muốn nói về suy nghĩ cũng như cảm xúc. Điều này có thể khiến những cuộc trò chuyện nhạy cảm trở nên khó khăn. Tuy nhiên, việc có một kênh giao tiếp cởi mở là điều cần thiết.
“Điều quan trọng là cha mẹ phải nói chuyện thường xuyên về sức khỏe tâm thần với con mình và có lập trường chủ động”, Christine Yu Moutier - Tiến sĩ Y khoa, Giám đốc Y khoa của Quỹ Phòng chống Tự tử Mỹ nêu quan điểm. Phụ huynh có thể hỏi con về những gì đang xảy ra trong thế giới của trẻ. Điều này có thể đơn giản như việc hỏi: “Con ổn chứ”… Mặc dù có thể nghe những điều gây khó chịu từ con trẻ, nhưng cha mẹ nên đưa ra sự hỗ trợ mà không phán xét.
“Vì thường có sự kỳ thị gắn liền với các tình trạng sức khỏe tâm thần, trẻ em có thể cảm thấy xấu hổ khi nói về những lo lắng, ám ảnh, cưỡng chế và các vấn đề về hành vi khác của mình. Hãy nói chuyện với trẻ về những gì các em đang trải qua. Hãy lắng nghe sự tò mò và đồng cảm với trẻ”, TS Christine Yu Moutier chia sẻ.
Phụ huynh cũng cần tránh những câu nói gây xấu hổ và đổ lỗi cho trẻ. Đồng thời, cần cố gắng hiểu những gì chúng có thể đang trải qua. Hãy tìm hiểu về tác động của bắt nạt, cô lập, căng thẳng và đau buồn, làm quen với các tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến, như lo lắng và trầm cảm.
Cha mẹ cũng cần thừa nhận sự thất vọng, cảm xúc và nỗi sợ hãi của con em mình. Đừng coi nhẹ cảm xúc hoặc trải nghiệm sống của con. Hãy nhớ rằng, sự đồng cảm sẽ có tác dụng rất lớn, và hãy thực hiện theo các tín hiệu của trẻ.
“Hãy kể cho mẹ nghe thêm về điều đó. Mẹ rất muốn hiểu thêm về việc đó đã khiến con cảm thấy thế nào. Khi anh ta nói/làm điều đó với con, con cảm thấy thế nào?”… những câu nói này cho trẻ biết phụ huynh đang lắng nghe trong khi trao quyền cho con. Cuối cùng, hãy nhớ rằng điều quan trọng là phải kiên nhẫn.
“Nếu con bạn chưa sẵn sàng để nói chuyện, hãy mở lời, như “Bất cứ khi nào con muốn nói chuyện, bố/mẹ luôn ở đây để lắng nghe và hỗ trợ”. Hoặc: “Bố/mẹ sẽ không phán xét và không bao giờ ngừng hỗ trợ con, bất kể con phải đối mặt với những thách thức nào”. Nhiều khả năng trẻ sẽ cởi mở khi cha mẹ ít mong đợi nhất, cho dù là ngồi cạnh nhau thay vì đối mặt, trong xe hơi hay cùng tham gia một hoạt động nào đó khác”, TS Christine Yu Moutier cho biết.
Vấn đề tự tử
Hầu hết trẻ em đều biết đến tự tử, dù là qua tivi, có người thân gặp vấn đề này hoặc bản thân từng có ý định đó. CDC Mỹ đã khảo sát về hành vi nguy cơ tự tử của thanh thiếu niên năm 2023 và phát hiện, các yếu tố nguy cơ tự tử đang ngày càng tăng.
Các số liệu được lấy từ năm 2021 cho thấy, 22% học sinh trung học nghiêm túc cân nhắc đến việc tự tử, 18% lập kế hoạch tự tử và 10% hành động theo những suy nghĩ đó. Những con số đó đã tăng đều đặn kể từ năm 2011.
Một báo cáo năm 2020 cho thấy, số lượt đến phòng cấp cứu tăng 31%. Do đó, điều bắt buộc là cha mẹ phải nói chuyện với con mình về vấn đề tự tử một cách trung thực, trực tiếp và cởi mở.
“Nếu trẻ đang nói về bất kỳ mức độ đau khổ nào, phụ huynh đừng ngại hỏi xem chúng có cảm thấy thay đổi về tâm trạng hoặc mức độ căng thẳng hay có ý định tự tử không. Hỏi trực tiếp con về vấn đề tự tử sẽ không làm tăng nguy cơ hoặc gieo mầm ý tưởng. Thay vào đó, điều này sẽ tạo ra cơ hội để hỗ trợ và cho trẻ biết cha mẹ quan tâm”, TS Christine Yu Moutier thông tin.
Các chuyên gia cũng gợi ý, cha mẹ cần hỏi con về những gì trẻ biết về vấn đề tự tử. Thu thập thông tin, trình bày sự thật và xóa tan mọi lời đồn sai lệch mà trẻ có thể đã nghe. Đồng thời, hãy trả lời những câu hỏi mà trẻ có thể đặt ra mà không xấu hổ, phán xét hoặc sợ hãi. Sau đó, hãy xác nhận cảm xúc của trẻ. Cha mẹ nên nói những điều như: “Điều đó hẳn khó khăn lắm”, hoặc “Mẹ xin lỗi vì con phải đối mặt với điều đó. Mẹ có thể làm gì để hỗ trợ con?”.
Bà Alicia Raimundo - Quản lý dự án tại Foundry - nguồn tài nguyên sức khỏe và thể chất trực tuyến dành cho thanh thiếu niên và trẻ em gợi ý, mặc dù mọi vấn đề về sức khỏe tâm thần đều được coi trọng, nhưng cha mẹ nên xử lý những ý nghĩ tự tử ở trẻ một cách hết sức cẩn thận. Nếu con bạn nói rằng chúng có ý định tự tử, hãy coi đó là điều rất nghiêm túc. Đừng tự mình tư vấn cho chúng và đừng gạt bỏ những suy nghĩ hoặc cảm xúc của con.
Brandy Porche - một cố vấn tại Mindpath Health ở Dallas, Texas cho biết, bất kỳ đứa trẻ nào có ý định tự tử đều cần tới sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Hãy liên hệ ngay với một chuyên gia sức khỏe tâm thần và/hoặc đưa trẻ đi đánh giá tại một cơ sở nội trú. Điều này không có nghĩa là trẻ sẽ được đưa vào viện. Song, tốt nhất là nên để một chuyên gia được đào tạo xác định tình trạng của trẻ.
Các chuyên gia đã nêu những dấu hiệu cảnh báo một người có thể có nguy cơ tự tử: Nói về việc muốn chết và/hoặc muốn tự tử; Nói về cảm giác trống rỗng hoặc vô vọng, không có lý do để sống; Nói về cảm giác bị mắc kẹt hoặc cảm thấy không có giải pháp; Bận tâm về cái chết; Nói về việc trở thành gánh nặng cho người khác; Rời xa gia đình và bạn bè; Nói lời tạm biệt với gia đình và bạn bè. Người có ý định tự tử cũng có thể không ngại những hoạt động mạo hiểm, nguy hiểm, như uống nhiều rượu, dùng ma túy hoặc lái xe cực nhanh. Tăng cường sử dụng/lạm dụng chất gây nghiện và thay đổi tâm trạng cực độ.