Giúp con “thoát nghèo” nhờ sự đồng hành

GD&TĐ - “Người nghèo nhất trong tất cả không phải là người không có một xu dính túi, mà là không có ước mơ” (Trích Red Fox Woman, Judy Ann Davis). Vậy nên, muốn con “thoát nghèo” chính là gieo mầm ước mơ cho trẻ từ nhỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT.

Chị Phương Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) tốn kha khá tiền mua đồ cho Thỏ (10 tuổi) và cũng tốn công “giảm béo” do thưởng thức món ăn. Nhưng đổi lại, bé Thỏ có đam mê trở thành “masterchef” (siêu đầu bếp) và đang nỗ lực vì mục tiêu ấy.

Được mẹ khuyến khích, ủng hộ, Thỏ phải giỏi tiếng Anh để còn đi học nấu ăn ở Mỹ, phải làm toán giỏi để tính toán định lượng món ăn. Và cứ thế, Thỏ học và làm mọi việc do “muốn thế, thích thế, mơ ước được thế”.

Chị Phương Thảo chia sẻ, phải công nhận Thỏ nấu ngon, khéo và hiện đã có kênh YouTube riêng, giới thiệu hơn 100 món ăn.

Ước mơ giống như một ngôi sao chỉ đường dẫn lối, giúp mỗi người có động lực vạch ra kế hoạch và nỗ lực thực hiện mục tiêu để biến ước mơ thành hiện thực. Ước mơ làm cho sự tồn tại của mỗi người có ý nghĩa hơn trong cuộc đời.

Sở thích của trẻ là một trong những yếu tố giúp con xác định ước mơ của mình. Khi còn nhỏ, ước mơ của trẻ gắn liền với những điều con trải nghiệm. Chính quá trình trải nghiệm làm con biết rõ mình mong muốn làm gì.

Cha mẹ nên là người giúp con trải nghiệm nhiều thứ nhất, có thể chỉ là để kích thích sự hứng thú của con. Sự quan sát và để ý đều đặn đến con từng ngày của cha mẹ sẽ là cơ sở giúp khám phá ra được những điều con làm tốt và những điều con thích.

Theo TS Minh Nguyễn, người đồng sáng lập Dự án The Myriad Eyes, trong thực tế, câu hỏi “Lớn lên con muốn làm gì?” vẫn được nhiều người hỏi khi muốn biết trẻ chọn ngành nghề hoặc bộ môn nghệ thuật nào đó để theo đuổi.

“Con/cháu muốn làm là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, ca sĩ...” là câu trả lời ngây ngô của trẻ. Đây lại thường là những đáp án được cha mẹ “mớm” cho khi con được ai đó hỏi về tương lai. Điều ấy làm con lầm tưởng rằng mình thích làm nghề này, nghề nọ trong khi con không hiểu rõ về điều bản thân hướng tới.

Ước mơ là những điều con ấp ủ và mong muốn những điều đó thành hiện thực. Tuy nhiên, ước mơ phải được xây dựng trên nền tảng tình cảm, khát vọng, năng lực và hoàn cảnh của mỗi người mà không làm tổn hại đến lợi ích của ai khác. Đó mới là một ước mơ chính đáng.

Bố mẹ nên là người giúp con hiểu rõ một ước mơ chính đáng có tầm ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống của con hơn là can thiệp và xác định ước mơ cho con theo ý bố mẹ.

Sự thành công của rất nhiều người đã cho thấy, nếu cha mẹ hồ hởi đón nhận, con sẽ tin vào ước mơ của mình, tự tin vào bản thân, là động lực biến ước mơ thành hiện thực.

Ước mơ của trẻ con rất phong phú và hay thay đổi nhưng nếu cha mẹ biết cách nuôi dưỡng, khích lệ con thực hiện ước mơ thì đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao cho cuộc đời con khi biến những ước mơ thành hiện thực hữu ích cho xã hội.

Để giúp con nuôi dưỡng ước mơ của con, hãy bắt đầu từ việc trân trọng mọi ước mơ của con: Trở thành nghệ sĩ dương cầm, nhà kinh tế học, tỉ phú, nhà nghiên cứu về các loại chim, người dạy nhảy chuyên nghiệp, người bán hàng nổi tiếng, cô giáo dạy giỏi, thợ cơ khí lành nghề… đều có một điểm chung là trở thành người thành công trong công việc mà con theo đuổi.

Ước mơ của con trẻ không ở đâu xa mà nó hình thành chính từ những điều chúng được nghe hàng ngày. Có thể ngay trong chính những bữa cơm gia đình, khi bố mẹ và những người lớn trong nhà bàn luận.

Cũng giống như giáo dục đạo đức, lối sống, ước mơ để trở thành người như thế nào trong tương lai cũng là sự “mưa dầm thấm lâu”, được vun đắp từ chính những tốt tươi trong hành xử, lý tưởng của bố mẹ.

Theo GS. Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, những dữ liệu trong từng ước mơ của con đều thể hiện tính cách, tâm hồn của con. Do đó, để có thể giúp con thành công trong tương lai, bố mẹ hãy đồng hành để hiểu ước mơ của con hơn, từ đó định hướng, hỗ trợ con phát huy năng khiếu của mình. 

Cùng con nuôi dưỡng ước mơ của con, không chỉ là lắng nghe và hướng dẫn, mà còn phải sát cánh bên con thường xuyên rà soát xem con đường đi đã đúng hướng chưa, được bao nhiêu phần trăm quãng đường mình ước tính phải vượt qua để ước mơ ấy trở thành hiện thực, phải thay đổi mục tiêu tùy theo khả năng của con cũng như các điều kiện khách quan… và tiếp tục theo đuổi mục tiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ