Giúp con tự tin bước qua tuổi dậy thì

GD&TĐ - Ngưỡng cửa của cuộc đời mà con người ai cũng đi qua, đó chính là tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn mà cơ thể biến động rất nhiều về mặt tâm sinh lý.

Dấu hiệu tuổi dậy thì ở nam.
Dấu hiệu tuổi dậy thì ở nam.

Tuy nhiên, có những trục trặc mà không ai mong muốn xoay quanh hiện tượng: Dậy thì sớm - dậy thì muộn…

Cầu nối của sự trưởng thành

Con người có một giai đoạn đi qua tuổi dậy thì để trưởng thành. Các nhà tâm lý học thường ví tuổi dậy thì là ngưỡng cửa của cuộc đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng bước chân qua ngưỡng cửa này một cách êm đềm, suôn sẻ.

Do đặc điểm sinh học, giới nữ tuổi dậy thì thường sớm và rõ rệt hơn nam. Khi nói đến những trục trặc có liên quan đến tuổi dậy thì, ngay lập tức người ta nghĩ đến những gì đang gây rắc rối cho “phe tóc dài” hơn là “phe tóc ngắn”. Sự rắc rối này thường xoay xung quanh hai hiện tượng gọi là dậy thì sớm và dậy thì muộn.

Dậy thì là “cầu nối” để một con người đang là trẻ em trở thành… người lớn. Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể trẻ, nhất là trẻ gái phát triển một cách mạnh mẽ. Giọng nói thay đổi, mông, ngực nhô cao, khu vực kín bắt đầu mọc lông, bộ phận sinh dục (gồm tử cung, âm đạo, buồng trứng, vòi trứng) cũng phát triển hoàn thiện hơn để chuẩn bị cho thiên chức làm… mẹ, và bắt đầu hành kinh, gọi một cách hình tượng là ngày “đỏ đèn”.

Các biểu hiện trên đều liên quan đến một loại hormone sinh dục nữ là estrogen Giai đoạn dậy thì estrogen tăng tiết rất mạnh.

Một cô gái “hợp quy luật” tự nhiên là khi đến tuổi dậy thì phải có “ngày con gái” theo như cách nói tế nhị của nhiều người. Về mặt y học, đó chính là việc hành kinh mỗi tháng. Lần đầu tiên thấy kinh là cột mốc chắc chắn của tuổi dậy thì, sớm là 9 tuổi, muộn là 17 tuổi.

Các biểu hiện dậy thì của trẻ trai diễn ra muộn hơn cho đến trước năm 18 tuổi. Nó liên quan đến một loại hormone sinh dục nam là testosterone. Ngoài những điểm phát triển tương đồng như nữ giới thì bộ phận sinh dục gia tăng kích thước và sự ham muốn. Nên thường xuất hiện… những giấc mơ ẩm ướt. Các nhà nam học gọi đó là hiện tượng mộng tinh.

Theo nhà nghiên cứu Wilkins (Anh) tuổi dậy thì trung bình là 12. Đối với Việt Nam, dân gian ta có câu: “Nữ thập tam, nam thập lục” (tức con gái 13 tuổi, con trai 16 tuổi) để chỉ tuổi dậy thì. 

Các nghiên cứu cho thấy, tuổi dậy thì còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác như hoàn cảnh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần... Thiếu nữ ở thành thị dậy thì sớm hơn ở nông thôn, lao động nhẹ dậy thì sớm hơn lao động cực nhọc... 

Dậy thì sớm 

Dậy thì sớm ở nữ có nhiều nguyên nhân.
Dậy thì sớm ở nữ có nhiều nguyên nhân.

Các nhà chuyên môn và những bậc cha mẹ xem ngày “đỏ đèn” lần đầu tiên ở các trẻ gái là cột mốc chắc chắn đánh dấu tuổi dậy thì. Nếu điều này xảy ra khi trẻ chưa đầy 9 tuổi gọi là dậy thì sớm. Chính hiện tượng dậy thì sớm này đã cắt nghĩa cho những “sự cố” làm mẹ sớm ở tuổi mới lên 10 thỉnh thoảng lại xảy ra đâu đó. 

Các nguyên nhân gây ra hiện tượng dậy thì sớm bao gồm:
- Do tăng cân: Những trẻ béo phì có khuynh hướng dậy thì sớm hơn những trẻ gầy. Sự tích tụ nhiều mỡ trong cơ thể gây ra sự rối loạn chuyển hóa nội tiết tố cơ thể trẻ.

- Do hóa chất: Trẻ bị ảnh hưởng bởi các hormone tăng trưởng có trong các loại thức ăn, nhất là thịt gia súc, gia cầm được nuôi theo chế độ tăng trọng bằng các loại hormone. 

Ngoài ra, một số loại hóa chất dùng trong công nghệ chế biến nhựa dẻo làm bao bì (như DEHP: 2-Ethylhexyl Phthalate), thậm chí là để tạo sự hấp dẫn về màu sắc cho các món ăn cũng góp phần thúc đẩy hiện tượng dậy thì sớm nếu dùng trong một thời gian dài.

Từ các nguyên nhân gây ra hiện tượng dậy thì sớm nêu trên, mong rằng các bậc phụ huynh sẽ rút ra bài học riêng cho mình để tránh sự lo lắng về những “bất thường” xảy ra ở trẻ và giúp các cháu phát triển đúng với quy luật tự nhiên.

Dậy thì muộn

Gọi là dậy thì muộn khi đến tuổi 18, thiên hạ… “tưng bừng” mà mình vẫn cứ vẫn cứ… “im re”. Nếu cơ thể vẫn phát triển bình thường mà tóc dài không “đỏ đèn”, tóc ngắn trơ cảm xúc không có những giấc mơ hoang đầy ẩm ướt thì phải nghĩ đến khả năng mắc một số bệnh như lao sinh dục, nhiễm trùng đường sinh dục, suy tuyến sinh dục, dị tật bẩm sinh ở đường sinh dục...

Cho nên, các trường hợp trẻ nữ đã đến tuổi dậy thì như các bạn cùng trang lứa mà vẫn như... con trai, nghĩa là chưa thấy có kinh nguyệt cứ phải “bình tĩnh” chờ đợi. Nếu qua tuổi 17 mà vẫn thấy chưa “hợp quy luật” thì cần đưa đi khám chuyên khoa phụ sản tại bệnh viện. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định nguyên nhân và có hướng điều trị.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng dậy thì muộn, nhưng sau đây là các nguyên nhân cơ bản và thường gặp nhất:

- Yếu tố di truyền: Nếu có nhiều người trong cùng một gia đình hoặc một dòng họ như ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em ruột hoặc anh chị em họ có cùng huyết thống cũng phát triển muộn hơn bình thường thì trẻ rất có khả năng bị dậy thì muộn.

Không có gì phải quá lo lắng và cũng không cần sự can thiệp nào đặc biệt. Hãy cứ yên tâm đón chờ “bình minh lên muộn” như là một tặng vật mà Tạo hóa đã ban tặng cho vậy.

- Chế độ ăn uống: Những trẻ bị suy dinh dưỡng, lười biếng ăn uống vì một nguyên nhân nào đó hoặc chế độ ăn “nghèo” các chất dinh dưỡng, không đáp ứng được nhu cầu phát triển thể chất và tinh thần cũng làm cho tuổi dậy thì muộn. Cải thiện chế độ ăn bảo đảm đầy đủ các chất dinh dưỡng và quan tâm động viên trẻ ăn uống sẽ giúp trẻ phát triển một cách bình thường theo đúng quy luật chung.

- Mắc bệnh mạn tính: Các bệnh mạn tính sau đây nếu mắc sớm cũng có thể gây ra hiện tượng dậy thì muộn ở trẻ, bao gồm: Hen phế quản, đái tháo đường, hội chứng thận hư, tiêu chảy mạn, rối loạn tiêu hóa... Việc thăm khám chẩn đoán sớm điều trị sớm và có hiệu quả các bệnh này sẽ giúp cho tuổi dậy thì diễn ra được bình thường như bao trẻ cùng trang lứa khác.

- Bệnh lý các tuyến: Các tuyến nội tiết như tuyến giáp và tuyến yên được ví như là các nhà máy hóa chất mini, chuyên sản xuất ra các hormone có tác dụng kích thích sự phát triển của cơ thể. Nhưng vì nguyên nhân bệnh lý các tuyến này không thể đáp ứng được nhu cầu cơ thể cũng gây ra hiện tượng dậy thì muộn. Việc điều trị sớm bệnh lý ở các tuyến này sẽ giúp thay đổi được vấn đề.

- Họat động đặc biệt: Những trẻ được huấn luyện một cách đặc biệt như tập múa balê, diễn viên xiếc, các vận động viên thể thao chuyên nghiệp... cũng có khả năng xảy ra dậy thì muộn do quá trình luyện tập căng thẳng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến.

Tất cả sẽ trở lại bình thường khi được nghỉ ngơi dài hạn. Do đó, các nhà chuyên môn cần phải quan tâm chế độ luyện tập và nghỉ ngơi thích đáng để tránh hiện tượng dậy thì muộn xảy ra cho các diễn viên và vận động viên “nhí” này.

Dậy thì sớm, muộn mà các nguyên nhân cơ bản đã được nêu ở trên, ta thấy có những nguyên nhân không thể nào can thiệp được như yếu tố di truyền. Có những nguyên nhân có thể can thiệp được một phần để cải thiện như là mắc các bệnh mạn tính.

Những nguyên nhân có thể lật ngược được tình huống qua việc điều trị tích cực như bệnh lý ở các tuyến, suy dinh dưỡng, rối loạn tiên hóa, tiêu chảy mạn... Một số nguyên nhân trong tầm tay có thể thay đổi được ngay từ gốc rễ của vấn đề là chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ nhỏ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đoàn cựu TNXP Thanh Hóa chụp hình kỷ niệm ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Niềm tự hào thức dậy

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa tổ chức cho hội viên một chuyến về nguồn.