Giúp con lập kế hoạch học tập

GD&TĐ - Lập kế hoạch học tập hiệu quả có thể giúp trẻ tập trung, dẫn đến kết quả tốt hơn. 

Cha mẹ nên cân bằng giữa thời gian học tập và vui chơi của con trẻ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ nên cân bằng giữa thời gian học tập và vui chơi của con trẻ. Ảnh minh họa.

Do đó, từ đầu năm học, cha mẹ nên cùng con xác định mục tiêu để dễ dàng vào nền nếp hơn sau kỳ nghỉ hè dài ngày.

Khiến trẻ nỗ lực hơn

Chị Lê Phương Nhung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, con gái học lớp 5 rất hay mất tập trung. Mỗi ngày, thầy cô và bố mẹ đều phải nhắc con làm bài tập. Con ngồi vào bàn học bài thì nhiều nhưng kết quả đạt được chưa cao, chị rất sốt ruột. Đặc biệt, mỗi khi có bài về nhà, bé không chú ý tới những gì thầy cô đã giao trên lớp.

Thậm chí, con chị Nhung cũng không có mục tiêu, kế hoạch xem sẽ thực hiện những nhiệm vụ nào trước. Chính vì vậy, bé thường xuyên rơi vào tình trạng làm thiếu bài tập về nhà. Hoặc, có những ngày cuối tuần, do mải chơi nên bé sẵn sàng bỏ bê việc học.

Thực tế, nhiều trẻ chỉ chờ cha mẹ giục mới học, nếu không giục thì mặc định đi chơi, hoặc khi bị phê bình thì trách móc “sao bố mẹ không nhắc con”. Do đó, với mỗi trẻ, cần rèn luyện cho con kỹ năng xác định mục tiêu trong học tập.

Chị Lê Thu Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con trai chị được rèn về ý thức tự lập sớm. Đối với việc học, con dần dần lập kế hoạch cho mình theo thời gian biểu, ngắn hạn, dài hạn và mục tiêu rất rõ ràng. Càng lớn, con càng có ý thức hơn trong việc học nhờ những mục tiêu đã được lập lên.

“Khi con còn bé, việc xác định mục tiêu tưởng chừng rất to lớn nhưng thực tế chỉ là rèn con làm sao đúng giờ học bài, tập trung thế nào cho hiệu quả nhất, thời gian học sao cho hợp lý,… Bước vào bậc THCS, con chủ động trong mọi việc và có thể tự lên kế hoạch cho cả những vấn đề ngoài việc học tập như du lịch, vui chơi, giải trí. Vào lớp 9, con đã nỗ lực để thi đỗ vào trường THPT mà con mong muốn. Những kế hoạch mà con đề ra chính là động lực để con quyết tâm hoàn thành và đạt được thành công”, chị Hằng chia sẻ.

Theo chuyên gia, lập kế hoạch là kỹ năng quan trọng vì nó tạo điều kiện cho khả năng thiết lập các chiến lược, ưu tiên hành động và đạt được các mục tiêu. Đây là một kỹ năng quan trọng để hoàn thành các dự án học tập dài hạn và trở thành kỹ năng quan trọng khi con chuyển sang học ở trình độ cao hơn, nơi mà trẻ phải tham gia nhiều lớp, bài tập và các kỳ thi.

Cô Nguyễn Phương Hà - giáo viên Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội) cho rằng, nên rèn cho con kỹ năng biết lập kế hoạch từ sớm. Kỹ năng này sẽ giúp con vừa đạt được những thành công trong học tập, vừa có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhờ có kế hoạch, trẻ sẽ luôn cố gắng để hoàn thành mục tiêu hoặc có trách nhiệm với những việc mình làm. Thậm chí, con sẽ có tư duy tổ chức sắp xếp khoa học và đạt được thành tựu nhất định.

“Hãy để con tự chịu trách nhiệm với việc học của bản thân. Cha mẹ không cần nhắc nhở những việc mà con nên tự làm. Trẻ cần hiểu rằng học là trách nhiệm của bản thân và phải tự lo cho bản thân mình. Nếu cha mẹ luôn nhắc nhở, con sẽ có xu hướng phụ thuộc và chỉ học khi được cha mẹ nhắc nhở, dẫn đến việc học tập qua loa, không thật sự chú tâm, đầu tư thời gian, công sức, nỗ lực của bản thân vào việc học”, cô Hà nhấn mạnh.

lap ke hoach mot cach khoa hoc.jpg
Ảnh minh họa.

Cân bằng thời gian hợp lý

Theo cô Nguyễn Phương Hà, khó khăn trong việc giúp trẻ xác định mục tiêu học tập là con thường bị thu hút bởi các hoạt động vui chơi, giải trí hơn. Vì vậy, thay vì ép buộc trẻ quan tâm nhiều hơn đến việc học thì cha mẹ nên cân bằng giữa thời gian học tập và vui chơi của trẻ.

“Để giúp con cân bằng giữa học tập và thời gian chơi, cha mẹ có thể thỏa thuận và xây dựng một thời gian biểu hợp lý cho con. Hãy khuyến khích con nhận thức về ý nghĩa của việc học và đề cao sự nghiêm túc khi ngồi vào bàn học. Đồng thời, giảm bớt thời gian học tập nhưng vẫn đảm bảo rằng con phải học hiệu quả và tập trung vào nội dung học”, cô Hà chia sẻ.

Cũng theo cô giáo này, cha mẹ hãy quan sát và đánh giá cách con học, đặc biệt là sự chênh lệch giữa thời gian học và thời gian chơi. Kiểm tra xem con có sự hứng thú và tiến bộ trong quá trình học hay không. Hãy dành những lời động viên khích lệ hợp lý khi con thể hiện thái độ nghiêm túc và đạt thành tích tốt trong học tập. Ngược lại, nếu con thể hiện lười biếng và không nỗ lực học, hãy nhắc nhở và phê bình.

Nhưng đừng quên rằng, việc giúp con tìm hứng thú học tập cũng đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo từ phía cha mẹ. Chẳng hạn, khám phá thế giới xung quanh và tham gia vào các hoạt động ngoại khoá có thể là lời giải đáp cho câu hỏi cha mẹ phải làm gì khi con không thích học. Phụ huynh có thể đưa trẻ ra ngoài để khám phá thiên nhiên, tham quan bảo tàng, thư viện hoặc tham gia vào các hoạt động văn hóa và thể thao giúp trẻ mở rộng kiến thức, kích thích sự sáng tạo và hứng thú trong học tập.

Các yếu tố khách quan như môi trường cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng lười học ở trẻ nhỏ. Để giúp trẻ tập trung hơn và có hứng thú học tập, một môi trường học tập tốt là rất quan trọng. Cha mẹ có thể thiết kế cho con một góc học tập riêng, nơi thoáng đãng, ngăn nắp và yên tĩnh.

Ngoài việc tạo môi trường học tập lý tưởng, cha mẹ cũng nên sử dụng các quy ước ngầm để khơi gợi tính tự giác trong con. Ví dụ, sau bữa tối, hãy quy định rằng con cần dành một khoảng thời gian ngồi vào bàn học. Điều này giúp tâm lý của trẻ thư giãn và học tập trở nên “dễ chịu” hơn.

“Tuy nhiên, không nên cấm trẻ hoàn toàn khỏi việc đi chơi và gặp gỡ bạn bè. Thời gian nghỉ ngơi và thư giãn là rất quan trọng để não bộ có thể tiếp thu kiến thức mới. Cha mẹ cần tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động giải trí và gặp gỡ bạn bè một cách cân nhắc và hợp lý”, cô Hà nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ