Trẻ hay mắc lỗi
Như nhiều phụ huynh khác khi có con ở độ tuổi cấp hai, chị Trần Thu Nga khu đô thị Nam Trung Yên rất băn khoăn về việc con hay quên chuẩn bị bài khi đến trường. Chị tâm sự:
Con trai chị thông minh tiếp thu khá tốt, nhưng hay bị cô giáo phê bình vì việc không chỉn chu với các bài tập thầy cô giao về nhà.
Nếu hôm nào bố mẹ quên nhắc nhở, cháu lại mắc một sai sót nào đó. Đang ở lứa tuổi dở dở ương ương, nên nhiều khi chị mẹ mắng vì mắc lỗi lại lầm lì cả ngày không nói. Chị rất băn khoăn không biết làm như thế nào để con tự giác chăm chỉ hơn.
Chị Mai Hà ở Công ty FPT lại ca thán về thói cẩu thả khó thay đổi của con trai. Mỗi lần vào phòng con chị đều mất thời gian dọn dẹp bởi bàn học và đồ dùng của con rất lộn xộn. Bực bội vì tính xấu của con, chị đã đưa ra các hình phạt khác nhau, nhưng xem ra con chị vẫn không thay đổi là mấy.
Rõ ràng để hiểu được tâm lý con trẻ và giáo dục chúng đúng cách, không phải cha mẹ nào cũng áp dụng đúng. Việc rầy la, quát mắng trẻ, hay áp dụng những hình thức kỷ luật nhiều khi cũng không mang lại hiệu quả.
Nhiều trẻ còn tỏ ra chây lỳ và tìm cách đối phó với bố mẹ, khiến phụ huynh khó chịu và không khí gia đình thêm căng thẳng.
Cần nhìn nhận theo cách tích cực
Chia sẻ về cách dạy con, chuyên gia Nguyễn Thị Bình (Trung tâm CleverLand, Hà Nội) đã đưa ra những nhìn nhận xác đáng về vấn đề này: Trên thực tế, các góc nhìn khác nhau thì sẽ tạo ra các kết quả khác nhau.
Và trong việc nuôi dạy con cũng như vậy. Nếu như góc nhìn của chúng ta tích cực, thì sẽ truyền động lực và nuôi dạy các con một cách tích cực.
Bí quyết nuôi dạy con tích cực bao gồm năm nội dung. Cách thứ nhất, chúng ta hãy thực sự để ý đến ngôn ngữ của chúng ta khi nói với các con.
Nếu chúng ta muốn thay đổi các vấn đề và điều chỉnh khi con mắc lỗi, thì những lời nói của chúng ta phải thực sự mang ý nghĩa tích cực. Và quan trọng nhất, là nó phản ánh trung thực mong muốn mà chúng ta muốn có ở con.
Ví dụ như con thường xuyên không để ý đến việc học bài, con rất mải chơi thì thông thường các bố mẹ hay nói: “Tại sao con lại mải chơi như thế? Tại sao con lại không học bài?”... Chúng ta hay nhấn mạnh đến những từ “mải chơi”, “không học bài”, trong khi điều thực sự mà chúng ta mong muốn là “con hãy để ý đến việc học hơn”.
Vậy thì thay vì cấu trúc thông thường, các bậc phụ huynh hãy nói: “Con ơi, mẹ mong con hãy để ý đến chuyện học của con hơn. Hay “con cố gắng đúng giờ một chút. Mẹ tin rằng con sẽ làm được”.
Cách thứ 2: Hãy giữ niềm tin tốt đẹp với các con, đặt thật nhiều câu hỏi tích cực về con, để hiểu về sự phát triển hiện tại của chúng.
Trong quá trình phát triển để hoàn thiện nhân cách những đứa trẻ vẫn mắc lỗi, nên chúng ta phải điều chỉnh những lỗi đó và tin rằng, con có khả năng thay đổi.
Bố mẹ hãy nói với con theo nguyên tắc: Niềm tin để thay đổi vấn đề chưa tích cực của con, kèm thêm những lời khích lệ ở những điểm tốt đẹp của trẻ và đưa ra điều con cần thay đổi.
Cách thứ 3: Đặt ra quy ước với con bằng một thông điệp nào đó. Ví dụ về thời gian, bạn có thể vẽ một chiếc đồng hồ trên giấy và đánh dấu đỏ vào những khung thời gian mà con cần thực hiện.
Cách thứ 4: Cha mẹ cần phải xem lại chính bản thân mình và mình phải là tấm gương đề con noi theo.
Cách thứ 5: Vấn đề quan trọng nhất đó là giữ vững niềm tin và truyền động lực cho các con. Chúng ta nên thường xuyên sử dụng ngôn ngữ yêu thương với các con. Đó có thể là cử chỉ âu yếm, dành thời gian trò chuyện vỗ về động viên khuyến khích con, hoặc là tặng con những món quà thú vị mà con sẽ rất thích thú.