Chia sẻ với PV, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình cho biết, chỉ vài ngày nữa là chính thức kết thúc vụ thu hoạch vải thiều năm 2019. Sản lượng vải năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 93.000 tấn, trong khi năm ngoái là 150.000 tấn.
Song, đổi lại năm nay giá vải thiều cân bán cho các vựa thu mua rất cao, trung bình khoảng 36.000 đồng/kg. Tính ra, doanh thu từ vải thiều toàn huyện Lục Ngạn đạt khoảng trên 3.000 tỷ đồng”.
Đáng chú ý, ngoài diện tích vải thường, ông Bình tiết lộ, năm nay huyện Lục Ngạn có làm mô hình trồng vải thiều hữu cơ ở hai xã là Quý Sơn và Giáp Sơn với diện tích 20ha.
Vải thiều hữu cơ Lục Ngạn đóng hộp 12 bán được bán với giá cao chưa từng có.
Đây là lần đầu tiên huyện tiến hành trồng thí điểm có liên kết với doanh nghiệp. Các vườn được chọn trồng vải thiều hữu cơ đều là vườn vải có chất lượng, chủ vườn là người có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc.
Đặc biệt, vườn vải còn được lắp đặt camera giám sát toàn bộ quy trình chăm sóc cũng như thu hái.
“Năm đầu tiên trồng thí điểm, sản lượng vải thiểu hữu cơ mới đạt khoảng 200 tấn. So với làm theo phương thức truyền thống thì vải thiều hữu cơ còn cho sản lượng cao hơn. Đến thời điểm hiện tại, vải đã bán hết sạch, giờ không còn quả nào nữa” - Ông Bình nói và cho biết, vải thiều hữu cơ có chất lượng ngon vượt trội, quả đều màu nên giá bán tại vườn đã lên tới 80.000 đồng/kg.
Đặc biệt, những quả vải thiều hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đóng vào hộp giấy (loại hộp giấy này được đặt làm từ Nhật Bản chuyển về), trong hộp quả vải được đặt nổi trên nền vải lụa vàng rồi xuất bán tại vườn với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả (khoảng gần 17.000 đồng/quả).
Bên ngoài hộp đựng vải thiều có dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu theo phần mềm sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm.
Năm đầu thử nghiệm, sản lượng vải thiều hữu cơ đạt 200 tấn, không đủ cung cấp ra thị trường
“Đây là mức giá cao chưa từng có. Nhưng năm nay, doanh nghiệp liên kết với nông dân làm vải thiều hữu cơ chỉ làm thử 500 hộp vải thiều dạng này. Tất cả số hộp vải này đều được bán tại thị trường trong nước”. Theo ông Bình, dù giá khá đắt đỏ, song loại vải này vẫn được mọi người tranh nhau mua mà doanh nghiệp không có hàng để bán.
Qua lần trồng thí điểm thành công này, nhiều doanh nghiệp ngỏ ý tham gia liên kết với nông dân để trồng vải theo mô hình hữu cơ. Thời gian tới, lãnh đạo huyện Lục Ngạn sẽ ngồi làm việc, thống nhất với từng doanh nghiệp và đưa họ đi khảo sát vùng trồng, ông Bình chia sẻ.
Theo một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng vải thiều (380.000 tấn), chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. Chất lượng vải thiều cũng được đánh giá là tốt nhất thế giới. Song, Việt Nam, trong đó có Bắc Giang lại chủ yếu chỉ xuất quả vải thiều theo cân, đóng thùng xốp khá đơn giản nên giá bán không cao.
Trong khi đó, cũng là quả vải thiều Việt Nam xuất sang Nhật Bản được doanh nghiệp đóng trong bao gói đẹp và bán trong siêu thị tới 430.000 đồng/12 quả.
Nhiều người thấy thế xót xa, tiếc cho người nông dân trồng vải vì vất vả mà chỉ bán được giá vài chục ngàn đồng mỗi cân. Thế nên, câu chuyện đóp hộp bán 200.000 đồng/hộp vải thiều tại thị trường nội địa dù mới làm thử nghiệm nhưng theo vị chuyên gia này, đây là tín hiệu vui, là tiền đề để người nông dân liên kết cùng doanh nghiệp làm ra sản phẩm có chất lượng tốt, đem lại giá trị kinh tế cao.