Giữ vững niềm tin

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Với nhiều điểm mới liên quan đến việc bảo đảm chất lượng, Thông tư 28 nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhà chuyên môn lẫn dư luận xã hội. Đặc biệt, với quy định không thực hiện đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên, Thông tư 28 đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử của đào tạo từ xa đối với hai nhóm ngành đặc thù, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đào tạo nhóm ngành sức khỏe và giáo viên đòi hỏi yêu cầu rất cao, thể hiện ở các khâu, bởi đây là những ngành đặc biệt, đào tạo ra người làm công việc chữa bệnh, cứu người, dạy người. Như khâu tuyển sinh, Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã nhấn mạnh phải quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với hai ngành này.

Lần lượt từ năm 2018, 2019, trong tuyển sinh đại học, nếu các ngành khác tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng thì ngành sư phạm và sức khỏe, điểm sàn do Bộ GD&ĐT xác định. Cùng đó, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo cũng đặc biệt “siết” các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Đào tạo từ xa là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển không ngừng. Với đào tạo từ xa, người học hết sức thuận lợi trong học tập, có thể học mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời, tiết kiệm chi phí.

Vì thế, năm 2017, Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT đã cho phép các trường được đào tạo từ xa với tất cả ngành đã được phép đào tạo chính quy. Sau đó, năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học để siết chặt chất lượng hình thức đào tạo này.

Tuy cấp có thẩm quyền đã xây dựng nhiều hành lang pháp lý để bảo đảm chất lượng, nhưng thực tế sản phẩm của hình thức đào tạo từ xa thời gian qua vẫn gây nhiều hoài nghi trong dư luận. Một số trường thiếu tài chính, chấp nhận giảm chất lượng, hạ thang bậc đánh giá để thu hút sinh viên. Tình trạng mở lớp/trạm từ xa ở bất cứ đâu, bát nháo trong tuyển sinh, quản lý sĩ số, cắt giảm thời lượng… diễn ra một số nơi.

Thực tiễn đào tạo từ xa cũng cho thấy hai ngành đặc thù như sư phạm và y khoa cần nhiều thời gian thực tế, thực hành, nên khó bảo đảm được chất lượng. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng bày tỏ không tin vào việc một bác sĩ được đào tạo từ xa có thể gánh vác được trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây cũng là lý do nhiều trường đại học truyền thống về đào tạo y khoa, sư phạm dù được phép theo Thông tư 17, nhưng suốt thời gian qua không thực hiện đào tạo từ xa hai ngành này.

Luật Giáo dục đại học đã rộng cửa cho các trường mở ngành, trong đó có nhóm ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên. Hiện, số trường có đào tạo chính quy hai nhóm ngành đặc thù này đã tăng nhiều so với trước, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy cũng ngày càng cao.

Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, thông tin trên văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, đào tạo từ xa là giống nhau, xã hội ngày nay không dễ dàng chấp nhận sản phẩm đào tạo “vênh” so với chuẩn.

Vì thế quyết định của Bộ GD&ĐT chấm dứt đào tạo từ xa với nhóm ngành sức khỏe, giáo viên là hoàn toàn đúng đắn. Dù gây ra ít nhiều khó khăn cho người học, nhưng đây là giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế và giáo dục, giữ vững niềm tin của xã hội với thầy giáo và thầy thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.