Nhà khoa bảng Nguyễn Tư Giản:

Giữ vững bản lĩnh, mặc lời khen chê

GD&TĐ -Nguyễn Tư Giản không ở trong triều nhưng vẫn dâng sớ can vua chớ hoà với Pháp. Lời can của ông bị coi là xúc phạm đến ý tốt của phái chủ hoà.

Nguyễn Tư Giản dâng sớ can vua Tự Đức chớ hoà với Pháp, nhưng lời ông bị coi là xúc phạm ý tốt nghị hoà. Ảnh minh hoạ: IT
Nguyễn Tư Giản dâng sớ can vua Tự Đức chớ hoà với Pháp, nhưng lời ông bị coi là xúc phạm ý tốt nghị hoà. Ảnh minh hoạ: IT

Tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823 - 2023), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và dòng họ Nguyễn làng Du Lâm (Đông Anh - Hà Nội), đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của vị Hoàng giáp làm quan trải qua 7 đời vua triều Nguyễn.

Dâng sớ can vua

Nguyễn Tư Giản là một vị quan triều Nguyễn làm nhiều chức, gánh nhiều việc, lúc thăng lúc trầm giữa lúc triều chính cũng đang nghiêng ngả vì thù trong giặc ngoài. Trong hoàn cảnh này, dù có tài kinh bang tế thế cũng khó xoay chuyển cục diện.

Trong tình hình đất nước xảy ra những biến thiên phức tạp, thực dân Pháp xâm chiếm đất nước, nội bộ triều đình Tự Đức phân hóa chia rẽ. Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản vẫn giữ vững bản lĩnh của một người yêu nước nhiệt thành và một nhà khoa bảng chân chính.

Các nhà nghiên cứu trong cuộc hội thảo về Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản vào đầu tháng 10/2022 cho rằng, sau khi ký Hiệp ước Thiên Tân với Trung Hoa ngày 27/6/1858, thực dân Pháp nổ súng chiếm bán đảo Sơn Trà. Quân triều đình phản công nhưng thất bại.

Chiếm xong Sơn Trà, tướng Rigault de Genouilly đưa hải quân vào chiếm Sài Gòn. Đến mùa hè năm 1859, quân Pháp chuẩn bị chiếm Kinh thành Huế, vua Tự Đức và các đình thần hốt hoảng họp bàn.

Năm Tự Đức nguyên niên, Pháp thấy rõ Việt Nam chỉ là một quốc gia hèn kém, dân quyền ngày càng bị tước đoạt, nhân dân ấm ức bất mãn - triệu chứng báo hiệu thời kỳ bại vong.

Về nội bộ triều đình, bấy giờ có mấy ý kiến khác nhau. Phái Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản chủ trương nghị hòađể giữ thế thủ, phái Trương Quốc Dụng và Phan Huy Vịnh chủ trương chống giữ lâu dài, phái Tô Trân, Hồ Sĩ Tuấn quyết đánh không nghị hòa với Pháp khiến vua Tự Đức không thể quyết đoán.

Tháng 7 năm Kỷ Mùi (1859), Nguyễn Tư Giản dâng sớ về Huế, mong nhà vua đừng hòa với Pháp. “Đại Nam thực lục” ghi: Quan đê chính là Nguyễn Tư Giản dâng sớ nói thiết tha rằng không nên hoà với Tây dương.

Bản mật sớ này phân tích kỹ lý do vì sao không nên giảng hòa với giặc, mà cần kiên trì kháng chiến để bảo toàn lãnh thổ và giữ cho được chủ quyền đất nước trước cuộc xâm lăng của Tây dương.

Vua đưa tờ sớ ấy hỏi ý kiến Viện cơ mật, đại thần Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản cực lực phản đối và cho rằng tờ sớ của ông đã xúc phạm đến ý tốt của họ.

Vua Tự Đức không nghe những lời can gián của Nguyễn Tư Giản và trả lời: “Xử lý việc dương di, là xuất từ ý trẫm. Để trẫm bàn lại với các đại thần trong triều, mong sao cho công việc tốt đẹp, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Khanh đang ở bên ngoài, nghe tin đồn chưa chính xác, nên lời lẽ hùng hồn mà không trúng, thậm chí quá đáng. Tuy nhiên, nói thật nói thẳng cũng là bổn phận của bề tôi, trẫm miễn tội cho khanh. Mọi việc đã có triều đình lo liệu, khanh nói lắm làm gì?”

Tuy nhiên, vua Tự Đức vẫn công nhận ý kiến của Nguyễn Tư Giản là chân thành, thẳng thắn, xuất phát từ lòng yêu nước.

Đau đáu canh tân đất nước

Nguyễn Tư Giản là vị quan có tài, có chí hướng canh tân đất nước.

Nguyễn Tư Giản là vị quan có tài, có chí hướng canh tân đất nước.

Thời bấy giờ, tư bản Âu châu phát triển mạnh cho nên họ tìm thị trường tiêu thụ và nguyên liệu mới để tiếp tục phát triển công nghệ. Châu Á đất rộng người đông nhưng lạc hậu, trở thành mồi ngon của thực dân Âu châu. Việt Nam được xem có vị trí chiến lược - là bàn đạp để xâm chiếm Trung Hoa.

Trong hoàn cảnh này, vua Thiệu Trị và các đại thần như Trương Đăng Quế, Nguyễn Văn Giai cho rằng, người Pháp là cuồng di. Những ý kiến lầm lạc ấy đã tỏ rõ sai lầm của những người cầm giữ vận mệnh nước ta – khi không hiểu thời thế thiên hạ.

Vua Tự Đức nối ngôi vua Thiệu Trị là người giỏi nho học và tôn sùng nho giáo. Cũng như đa số nho sĩ thời đó, nhà vua không hiểu rõ thời thế và vẫn giữ quan điểm chỉ có Trung Hoa và Việt Nam mới là văn hiến. Quan niệm thời ấy còn cho rằng, người Âu châu là rợ - như rợ Kim đời nhà Tống có võ bị tài giỏi nhưng là giống người dã man, không đáng bắt chước.

Năm Bính Thân (1846), Nguyễn Tư Giản được cử làm Tri phủ Ninh Thuận, nhưng vào mùa thu năm sau vua Tự Đức cho triệu ông về kinh. Trong mười năm ở kinh đô Huế (1847 - 1857), ông được nhà vua cho đổi tên lần nữa - Định Giản trở thành Tư Giản.

Tháng 6 năm Mậu Thìn (1868), ông được vua cử đi sứ nhà Thanh. Sứ đoàn do Lê Tuấn làm Chánh sứ, ông và Hoàng Tịnh làm Phó sứ. Mọi biểu sớ giấy tờ quan hệ đều do ông thảo.

Qua chuyến đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Tư Giản hiểu biết thêm về tình hình Trung Quốc, Nhật Bản và các nước. Ông thấy thanh niên Trung Quốc du học nhiều nước trên thế giới, ông cũng muốn nước ta quan hệ với châu Âu để cho người sang học kỹ nghệ mới lạ.

Trong chuyến đi sứ này, ông có gặp Chánh sứ đoàn Triều Tiên Kim Hữu Uyên, hai Phó sứ là Triệu Bỉnh Cảo, Nam Đình Thuận và hai bên có trao đổi thơ văn. Hai tác phẩm “Yên thiều thi thảo” và “Yên thiều thi tập” của Nguyễn Tư Giản có ghi chép khá cụ thể về cuộc tiếp xúc giữa hai đoàn sứ thần cùng hai bài thơ xướng họa.

Nhờ đi sứ, Nguyễn Tư Giản hiểu được thực trạng triều đình nhà Thanh đang trên đà suy thoái trầm trọng, không chống đỡ nổi các thế lực hùng mạnh phương Tây đang nhòm ngó bành trướng sang vùng Viễn Đông. Ông cũng thấy rõ ở nước mình vua Tự Đức và triều đình vẫn rập khuôn theo hình mẫu của triều đình nhà Thanh.

Từ đó, ông tận dụng sự tin cậy của vua Tự Đức, cố gắng thuyết phục vua Tự Đức đảm nhiệm trọng trách của vua như các vua thời Minh Trị ở Nhật Bản và vua Chulalongkom ở Xiêm La (Thái Lan) - hết lòng ủng hộ những kế sách canh tân đất nước mà Phạm Phú Thứ và Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên vua, mặc dù không ít đại thần khác ngăn trở.

Ông cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân tự cường, mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài du học.

Hội thảo đánh giá Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản là một nhà canh tân – cùng với Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện.

Hội thảo đánh giá Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản là một nhà canh tân – cùng với Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện.

Không quyên tiền cho Pháp

Trên đường đi sứ sang Yên Kinh (Bắc Kinh) năm 1868, Nguyễn Tư Giản có làm bài “Biện di thuyết” khá nổi tiếng. Theo lời ông kể, khi đoàn sứ bộ ta tới Quảng Tây, thấy trong hiệu sách đang bày bán tập “Việt Tây dư địa đồ thuyết”. Trong đó phàm những nơi đất Trung Hoa tiếp giáp với Việt Nam đều ghi là “giáp mỗ di châu, di huyện”. Do đó, ông viết bài “Biện di thuyết”.

Đi sứ về Nguyễn Tư Giản được thăngThượng thư bộ Lại, ông ra sức thuyết phục vua xóa bỏ định kiến gốc Công giáo của Nguyễn Trường Tộ, mà khẳng định bằng những dẫn chứng thực tế kế sách của Nguyễn Trường Tộ – Phạm Phú Thứ đã và đang thi hành đều làm cho dân giàu nước mạnh.

Tháng 7/1875, Nguyễn Tư Giản lại bị giáng chức phải ra làm Sơn phòng sứ ở Chương Mỹ coi việc khẩn hoang để chuộc tội (do vậy ông có thêm hiệu mới là Thạch Nông). Bởi trước đây ông đã cho một học trò tên Phan Văn Nhã vào làm thư lại, sau đó Nhã làm ấn và bảng Cửu phẩm giả.

Vì cả tin, Nguyễn Tư Giản và Tham tri Nguyễn Văn Thúy cùng Thị lang Nguyễn Mậu Đạo đều điềm nhiên ký tên và đóng dấu. Việc bị phát giác tâu lên, vua giao cho pháp ty chiếu luật định án.

Năm Mậu Dần (1878), nhân dịp lễ “Ngũ tuần đại khánh” của vua Tự Đức, ông được triệu về Huế trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết.

Sau biến cố tại Kinh thành Huế xảy ra vào đêm 22 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức Thị lang bộ Hộ, nhưng sau đó ông giả ốm xin về nghỉ.

Năm 1886, chiều theo ý Pháp, Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hợp cho mời một số danh sĩ ra làm việc. Từ chối mãi không được, Nguyễn Tư Giản phải ra làm Tổng đốc Ninh - Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên).

Nguyễn Tư Giản khước từ quyên tiền dựng tượng Toàn quyền Paul Bert (tượng Paul Bert nằm kề bên Tòa thị chính Hà Nội - ảnh tư liệu).

Nguyễn Tư Giản khước từ quyên tiền dựng tượng Toàn quyền Paul Bert (tượng Paul Bert nằm kề bên Tòa thị chính Hà Nội - ảnh tư liệu).

Tháng 3/1887, vua Đồng Khánh trích công quỹ một ngàn đồng Đông Dương để Chính phủ Pháp mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert. Nhân đó, các quan trong Nha Kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Chính cũng bày ra chuyện lạc quyên ở các tỉnh để góp thêm tiền mua đồng.

Thế nhưng, các quan chức ở tỉnh Ninh - Thái không quyên góp một đồng nào. Lập tức, Nha Kinh lược tâu lên vua xin cho tra vấn và đổi chức. Thuận theo yêu cầu, vua Đồng Khánh cho Nguyễn Xuân Duẩn đến thay, đồng thời triệu Nguyễn Tư Giản về Nha Kinh lược xét hỏi.

Bị tra vấn, Nguyễn Tư Giản biện giải rằng: Việc này, không do chỉ dụ nhà vua giao trách nhiệm cho cả ba kỳ. Chỉ riêng Nha Kinh lược Bắc Kỳ định ra, các Tổng đốc không được dự bàn thì không trách cứ được. Việc quyên góp là việc làm tự nguyện, pháp luật cũng không ràng buộc, các quan chức Ninh - Thái đang rất túng quẫn, không thể có tiền góp sang nước Pháp.

Bài 1: Vị Hoàng giáp làm quan trải 7 đời vua

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ