Giữ sáng y đức

GD&TĐ - “Y đức của người thầy thuốc là cái tâm gắn bó với nghề và tấm lòng trắc ẩn yêu thương người bệnh như chính người ruột thịt của mình. Người thầy thuốc không đơn thuần chỉ cứu chữa cho bệnh nhân, mà còn là người nâng đỡ về tinh thần cho họ. Bởi vậy, mỗi y bác sĩ phải không ngừng tự học, tự hoàn thiện và tự tin trong nghề”, bác sĩ Khuất Thanh Bình trải lòng.

Giữ sáng y đức

Chuyện thường ngày ở viện

Ngót 20 năm gắn bó với ngành y, bác sĩ chuyên khoa cấp I Khuất Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) không quản ngại khó khăn để làm tròn vai trò của người thầy thuốc. Ngành y là một nghề đặc thù, bởi vậy ở bất cứ nơi nào cũng không hề dễ dàng. Với miền núi xa xôi, nơi có đông bà con người dân tộc, muốn đảm đương tốt công việc các bác sĩ còn phải được sự tin cậy của bà con dân bản.

Bác sĩ Khuất Thanh Bình chia sẻ: Mộc Châu có 12 dân tộc anh em sinh sống. Đông nhất là người Thái, Mông, Mường, mỗi một dân tộc lại có phong tục, nếp sống riêng. Cuộc sống của bà con còn khó khăn, nhiều gia đình thuộc hộ nghèo thường xuyên phải hỗ trợ cứu đói. Những thôn bản ở xa nằm rải rác bên sườn núi, đến được tới bệnh viện bà con phải vượt qua nhiều đoạn đường đèo dốc, có khi là cả ngày dài.

Trình độ dân trí thấp, hiểu biết về bệnh tật hạn chế, phong tục mê tín dị đoan còn hiện hữu, nặng nề. Không ít người còn tin vào cúng bái trừ tà ma, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Đó là những rào cản nặng nề khiến cho công tác khám chữa bệnh của các bác sĩ gặp nhiều khó khăn. Phần đông bệnh nhân tới viện đều ở tình trạng nặng cần phải cấp cứu. Hơn nữa là bệnh viện tuyến huyện nên cơ sở vật chất, dụng cụ, máy móc khám chữa bệnh vẫn còn hạn chế. Có những ca bệnh nặng, máy móc thiết bị không có chúng tôi phải chuyển tuyến, mặc dù thời gian khám chữa bệnh luôn đòi hỏi cần nhanh chóng, kịp thời.

“Việc y bác sĩ, cán bộ nhân viên tiết kiệm tiền lương ủng hộ người bệnh không hiếm. Có trường hợp cháu bé sơ sinh người Mông, 4 tháng tuổi, ở bản Pha luông, Chiềng Sơn được bố mẹ đưa vào viện trong tình trạng bị suy hô hấp độ 3, viêm phổi kèm theo suy dinh dưỡng nặng phải chỉ định thở máy hỗ trợ. Tuy nhiên, gia đình khó khăn, các y bác sĩ đã tổ chức, vận động, quyên góp tiền mua sữa cho bé.

Đáng buồn hơn, do hệ lụy tảo hôn, bố mẹ cháu bé chỉ mới 15, 16 tuổi nên không biết cách chăm sóc con nhỏ. Vậy là, các bác sĩ đành phải cắt cử nhau hướng dẫn tỉ mỉ về cách chăm sóc, nuôi nấng trẻ. Khi cháu bé khỏe hơn một chút, bỏ được máy thở, gia đình lại nài nỉ xin cho cháu bé về để cúng tại nhà. Họ tin vào lời thầy cúng “cháu bé bị như vậy là do ma rừng nhập vào”. Các bác sĩ lại phải ra công giải thích cho gia đình. Thậm chí “phải dọa” báo công an can thiệp để được tiếp tục chữa chạy cho bệnh nhi. Cuối cùng các bác sĩ cũng đành nhân nhượng “cháu bé cứ nằm điều trị, còn gia đình muốn cúng theo phong tục thì có thể mời thầy cúng ra bệnh viện làm lễ”.

Một tuần tích cực điều trị, bé khỏi bệnh và được ra viện trong sự vui mừng của gia đình. Sau niềm vui mang lại sự sống cho người bệnh, chúng tôi càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: Lương y như từ mẫu”, bác sĩ Khuất Thanh Bình chia sẻ.

Tâm huyết với nghiên cứu khoa học

Để hạn chế bệnh nhân phải chuyển tuyến, bắt đầu từ năm 2005, bác sĩ Khuất Thanh Bình cùng đồng nghiệp tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người bệnh. Với cương vị là Phó Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Bình có nhiều đóng góp trong công tác chuyên môn và quản lý.

Nhiều ứng dụng kỹ thuật mới trong cấp cứu, điều trị tích cực như: Thông khí nhân tạo bằng máy thở, máy sốc tim, máy Monitoring, điện tâm đồ, triển khai hệ thống cấp cứu nhi khoa, hệ thống nội soi can thiệp..., đã đem lại hiệu quả cao, cứu sống được hàng nghìn bệnh nhân nặng, hiểm nghèo. Điều này đã góp phần không nhỏ mang lại những giá trị kinh tế, xã hội đối với ngành và địa phương.

Năm 2009, trẻ sơ sinh đẻ thiếu tháng nhiều, không ít bệnh nhi không có điều kiện chuyển tuyến hoặc thời gian chuyển tuyến từ Sơn La về Hà Nội lâu nên tỷ lệ tử vong cao. Điều này khiến đội ngũ cán bộ y bác sĩ trăn trở. Để khắc phục tình trạng đó, được sự ủng hộ của Ban giám đốc, bệnh viện đã thành lập Đơn nguyên Sơ sinh.

Bác sĩ Bình cho chia sẻ: Từ khi Đơn nguyên Sơ sinh được thành lập, chúng tôi có điều kiện triển khai nhiều kỹ thuật chăm sóc tiên tiến vào quá trình điều trị như: Bơm Sunfactan điều trị trưởng thành phổi ở trẻ bị hội chứng màng trong trên 30 trường hợp, chiếu đèn điều trị vàng da tăng Bilirubil tự do, ứng dụng kỹ thuật thở máy xâm nhập điều trị cho nhiều lượt trẻ sơ sinh bị suy hô hấp, điều trị rối loạn nhịp tim bằng máy shock điện... cùng nhiều kỹ thuật khác. Nhờ vậy tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong giảm, chúng tôi đã cứu sống nhiều bệnh nhi non tháng, nhẹ cân.

Năm 2017, bác sĩ Khuất Thanh Bình đã thực hiện ứng dụng đưa hệ thống nội soi tiêu hóa, thực quản, dạ dày, đại trực tràng vào hoạt động góp phần chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý đường tiêu hóa. Đặc biệt, các ứng dụng này đã can thiệp điều trị thành công nhiều bệnh lý trên đường tiêu hóa, cứu sống nhiều bệnh nhân như: Cầm máu do vỡ, giãn tĩnh mạch thực quản, cắt các khối u, polip đường tiêu hóa, cầm máu do chảy máu của các ổ loét đường tiêu hóa...

Năm 2018 bác sĩ Khuất Thanh Bình tiếp tục đưa ứng dụng kỹ thuật điều trị thuốc tiêu sợi huyết vào điều trị nhồi máu não và nhồi máu cơ tim tại bệnh viện. Đây là một kỹ thuật mới, được triển khai đầu tiên đối với bệnh viện tuyến huyện ở khu vực miền núi (tính đến nay đã điều trị    cho hơn 30 trường hợp)    góp phần cứu sống và giảm di chứng bại liệt của nhiều bệnh nhân, mang lại niềm tin cho nhân dân trên địa bàn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ