Giữ sắc đào rừng trên cao nguyên đá

GD&TĐ - Cao nguyên Tủa Chùa (Điện Biên) những ngày Tết không còn hình ảnh các chuyến xe chở đào tấp nập xuôi núi.

Cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Mông ở Tủa Chùa từ lâu đã gắn liền với hoa đào. Ảnh: Trương Công Thành.
Cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Mông ở Tủa Chùa từ lâu đã gắn liền với hoa đào. Ảnh: Trương Công Thành.

Sau tầng tầng đá xám, những mầm xanh đào rừng đang vươn mình mạnh mẽ, vững vàng đón gió Đông…

Phai nhạt hương sắc núi rừng

Cùng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, Tủa Chùa còn nhận được sự ủng hộ, chung tay từ chính người dân địa phương. Với nhiều lợi thế như vậy, chúng tôi kỳ vọng trong tương lai gần sẽ hiện thực hóa mục tiêu đưa cây đào trở thành hình ảnh “thương hiệu” cho du lịch Tủa Chùa. Tôn thêm vẻ đẹp cho những sản phẩm vốn đã quen thuộc, như: Núi đá, ruộng bậc thang, lòng hồ sông Đà… - Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa Vùi Văn Nguyện.

Nằm ở độ cao trung bình 800m so với mực nước biển, hầu hết diện tích tự nhiên của huyện Tủa Chùa là núi đá vôi có độ dốc lớn. Khí hậu quanh năm mây mù bao phủ, song nơi đây lại được thiên nhiên ưu ái “ban tặng” cho nhiều sản vật đặc trưng. Trong đó không thể không nhắc đến hoa đào rừng.

Mỗi độ Xuân về, Tủa Chùa là nơi hiếm hoi ở Tây Bắc còn bao trùm cái lạnh đặc trưng của ngày Đông miền núi. Không biết, có phải bởi khí hậu mà Tủa Chùa nổi tiếng là một trong những vùng đất “sở hữu” giống đào rừng đẹp nhất nhì khu vực.

Ông Trần Xuân Tân, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), là tay buôn đào có tiếng ở Điện Biên. Nhiều năm qua, ông luôn là chủ sở hữu của những thân đào “đắt giá” tại khu vực chợ hoa Xuân TP Điện Biên Phủ. Theo ông Tân, cùng với Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), Tủa Chùa luôn là địa bàn các “tay” buôn đào khắp nơi tìm đến mỗi dịp giáp Tết.

“Hoa đào ở Tủa Chùa có nét đẹp rất riêng, cánh hoa dày, nhuộm màu hồng phớt. Mỗi bông nở rất to, nổi bật trên thân cây xù xì, mốc meo, có thế nên dân thành phố rất chuộng, bán luôn được giá. Vì thế nên nhiều năm nay dân buôn miền xuôi cũng lặn lội ngược lên Tủa Chùa tìm đào. Năm nào tôi cũng phải đi sớm, thậm chí đặt cọc tiền trước để giữ”, ông Tân cho hay.

Thế nhưng, cũng theo ông Tân vài năm trở lại đây, đào Tủa Chùa đã bắt đầu khan hiếm. Còn như ví von đầy tiếc nuối của ông Hạng A Sử, cao niên tại thôn Tả Phìn (xã Tả Phìn) thì sắc đào trên cao nguyên Tủa Chùa đang ngày một “phai nhạt”.

Ông Sử kể, ngay từ khi còn bé, ông đã quen với hình ảnh đồng bào Mông trong vùng nhìn đào để đón Tết. Khi mùa vàng thu hoạch xong, cũng là lúc đào rừng bung nở rực hồng khắp núi rừng. Thanh niên nam, nữ Mông xúng xính trong bộ trang phục mới í ơi gọi nhau đi chơi Xuân. Đàn ông thì cùng nhau luyện tập múa khèn, phụ nữ thêu Pao mang xuống hội.

Thế nhưng, những năm gần đây, trên các nương đá quen thuộc hiếm hoi lắm ông Sử mới thấy một gốc đào. Muốn ngắm hoa, bà con phải đi sâu vào rừng tìm kiếm. Mỗi độ Xuân về, những cây đào mỏng manh, nằm rải rác không đủ sức “nhuộm sắc” cho những cánh rừng.

Những chỗ dễ tìm như trên các nương đá thì gần như không còn. Trong rừng, gần như cây nào cũng bị đánh dấu chủ quyền hết. Cứ người nào tìm ra trước thì đánh dấu vào thân cây để nhận là của mình. Đến tháng 12 con buôn lên là chặt mang bán. Giới trẻ thì không cảm nhận được, nhưng người già khi phải chứng kiến những thân đào rỉ máu giữa thời tiết buốt lạnh mùa Đông, cũng xót xa lắm!.

Thừa nhận thực trạng trên, song ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết, chính quyền gần như bất lực. Bởi có cấm, có tuyên truyền, thì vì “cái ăn, cái mặc”, bà con vẫn tìm cách chặt bán. Trong khi, chế tài xử phạt chưa có cụ thể, rõ ràng.

“Cũng khó trách bà con, vì kinh tế khó khăn quá, cái gì có tiền là bà con tìm bán. Chỉ trách là một số người chơi đào hiện nay lại có sở thích muốn sở hữu cả cây, sẵn sàng trả giá rất cao. Vậy là bà con lại lùng tìm, đốn cả gốc để bán. Khai thác tận diệt như thế chẳng mấy mà không còn đào”, ông Chinh than thở.

Những cung đường uốn lượn ở xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) ẩn hiện sau vẻ đẹp của đào rừng.

Những cung đường uốn lượn ở xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) ẩn hiện sau vẻ đẹp của đào rừng.

Vẻ đẹp hoa đào rừng Tủa Chùa.

Vẻ đẹp hoa đào rừng Tủa Chùa.

Đánh thức cao nguyên

Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Nghị quyết số 17 về bảo vệ và phát triển cây hoa Ban, hoa Anh Đào trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hiện thực hóa Nghị quyết này, huyện Tủa Chùa xây dựng riêng một chương trình hành động. Trong đó, mạnh dạn bổ sung đưa thêm cây hoa đào rừng và mục tiêu và định hướng phát triển.

“Xác định đào rừng là thế mạnh của địa phương, nên huyện xây dựng Chương trình hành động phù hợp, với nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển loài cây này. Đây sẽ là tấm kim bài để chúng tôi thực hiện mục tiêu kép: Vừa giúp bà con thay đổi ý thức bảo tồn đào lại xây dựng được sản phẩm mới cho du lịch. Bảo vệ cây đào đồng nghĩa với giữ vẹn nguyên sắc màu Tây Bắc nói chung và Tủa Chùa nói riêng”, ông Vùi Văn Nguyện - Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa chia sẻ.

Thế nhưng, sau khi ban hành, 3 năm liên tiếp đại dịch Covid-19 bùng phát thì chương trình hành động gần như cũng “bất động”. Đến năm 2022, chương trình mới chính thức được “khởi động”, với hàng loạt giải pháp được triển khai. Trong đó, địa phương xác định tuyên truyền là nhiệm vụ đi đầu. Qua đó tạo sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo tiền đề quan trọng để khai thông chương trình.

Cũng theo chia sẻ từ Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa, để tạo hướng đi lâu dài, bền vững, địa phương đã tính toán đến việc đảm bảo nguồn sinh kế cho người dân các vùng triển khai.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo việc làm, vay vốn phát triển kinh tế, chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương phân loại đào cổ thụ và những diện tích đào trồng mới. Qua đó vừa bảo tồn phục vụ du lịch, vừa phục vụ kinh doanh vào dịp Tết, duy trì nguồn thu nhập cho bà con”, ông Nguyện cho hay.

Tại các xã, thị trấn, chính quyền, tổ chức đoàn thể triển khai chiến dịch truyền thông, vận động bà con bảo vệ các cây đào hiện có của gia đình, trên nương, gần các khu vực danh lam thắng cảnh. Bằng nguồn xã hội hóa, huyện khuyến khích trồng đào trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, trục chính thôn bản, vườn, sân nhà, xen canh với cây trồng trên nương.

Người dân xã Tả Phìn chăm sóc diện tích đào mới trồng.

Người dân xã Tả Phìn chăm sóc diện tích đào mới trồng.

Nhiều phong trào thi đua được các cấp hội, đoàn thể tổ chức như con đường hoa đào, vườn hoa đào… Tại các trường học, huyện khuyến khích xây dựng công trình trồng cây hoa đào, vườn ươm giống nhằm tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế, tham gia bảo vệ môi trường sống và phát huy ý tưởng sáng tạo.

Ông Mùa A Páo, thôn Pàng Dề B, xã Xá Nhè là 1 trong 8 hộ dân đi đầu tham gia dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển cây đào địa phương. Dự án do Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa phối hợp thực hiện.

Ông Páo chia sẻ, sau khi được đại diện chính quyền xã tuyên truyền, vận động, ông đã bàn với gia đình và quyết định đăng ký tham gia. Ngay sau đó, ông bắt tay vào cải tạo, chuyển đổi 5.500m2 diện tích đang trồng ngô sang trồng đào. Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện, xã, sau 6 tháng trồng, cây đào của gia đình ông Páo đã vươn lên cao ngang đầu người. Hiện toàn bộ diện tích sinh trưởng và phát triển tốt.

“Những ngày đầu tham gia, tôi cũng còn chút băn khoăn, lo lắng. Bởi lâu nay quen trồng ngô, biết chắc chắn là sản lượng thu hoạch sẽ đạt từng này, từng kia. Chuyển sang trồng đào chưa biết thế nào, trước mắt mấy năm đầu thì chẳng thu hoạch được gì rồi. Sau này thấy đào phát triển, mới yên tâm hơn”, ông Páo bộc bạch.

Trong năm 2022, 25 cơ quan, đơn vị tại Tủa Chùa đã huy động xã hội hóa trồng được trên 1.100 cây hoa đào trên các tuyến đường, trong khuôn viên cơ quan. Các xã: Sính Phình, Mường Báng và thị trấn Tủa Chùa trồng đào tập trung theo tuyến đường, địa điểm du lịch. Gần 8ha diện tích trồng đào tập trung tại xã Tả Phìn, Xá Nhè hiện đang phát triển tốt.

Khát vọng xây dựng thương hiệu

Mỗi độ Xuân về, hoa đào lại khoe sắc, làm đẹp cho những ngôi nhà đơn sơ của người dân Tủa Chùa. Ảnh: Trương Công Thành.

Mỗi độ Xuân về, hoa đào lại khoe sắc, làm đẹp cho những ngôi nhà đơn sơ của người dân Tủa Chùa. Ảnh: Trương Công Thành.

Vượt qua những nghi ngại ban đầu, với sự đồng hành, động viên từ chính quyền xã, đến cán bộ chuyên môn huyện, ông Páo đã dần vững tâm. Nhìn đào cứ rẽ đá vươn lên sinh trưởng mỗi ngày, ông Páo dần nuôi hy vọng về 2 - 3 năm tới. Ngày mà vườn đào trên núi đá của gia đình ông sẽ được đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

“Nghĩ đến đó tôi cũng mừng thầm, động viên gia đình cùng cố gắng. Khi đào lớn rồi, vừa có thể làm du lịch, vừa kinh doanh quả, cái nào cũng có thu nhập. Tôi đã bàn với gia đình, tới đây sẽ tiếp tục trồng xen kẽ cây đào vào diện tích nương ngô hiện có”, ông Páo quả quyết.

Còn tại cao nguyên đá Tả Phìn, 5,5 ha đào được chính quyền địa phương triển khai trồng theo hình thức tập trung hiện đều đang phát triển tốt. Chính quyền địa phương kỳ vọng, sẽ tạo dựng thành công điểm check-in đặc sắc cho du khách thập phương, nhằm phát triển du lịch.

Theo đánh giá của ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa: Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương rất phù hợp cho cây đào sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, dự án trồng và phát triển cây đào ở các xã đang triển khai đều đang hứa hẹn nhiều triển vọng.

Chủ tịch xã Tả Phìn - Mùa A Chinh cho hay, hiện nay 18 hộ dân địa phương có vị trí đất tại khu vực núi đá thuận lợi, đẹp, phù hợp đã tham gia trồng đào rừng theo dự án. Người dân được hỗ trợ hoàn toàn về giống, phân bón cũng như sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ chuyên môn về kỹ thuật.

“Bà con rất hăng hái, tích cực chăm sóc. Các khu vực trồng đều được làm rào chắn để bảo vệ. Không chỉ trồng theo dự án, để nhân rộng giống đào bản địa, chính quyền địa phương còn khuyến khích người dân tự ươm, thả hạt vào rừng. Phong trào này hiện nay cũng được đông đảo bà con đồng tình hưởng ứng”, ông Chinh cho hay.

Với người già như ông Hạng A Sử, điều phấn khởi nhất là giờ đây những cây đào trong rừng đã không còn bị đánh dấu, chặt cành, bứt gốc phục vụ thú chơi của người thành phố. Chúng được bảo vệ vẹn nguyên ngay tại nơi sinh ra, trên chính mảnh đất quê hương. Tại các vị trí thân cây từng rỉ máu, giờ đây mầm xanh đã vươn lên, dồn nhựa sống, ấp ủ cho những nụ hoa chờ ngày bung nở.

“Giờ bà con chỉ chặt bán một số cành được trồng trong vườn nhà. Ai nấy đều tự ý thức gìn giữ đào ở trong rừng, trên nương hay tại các điểm du lịch. Đặc biệt, mùa đào năm trước, nhiều bà con ăn quả xong lại đem hạt đó trở ngược về rừng gieo trồng, hoặc vứt xuống các hốc đá. Năm nay, hạt đào đã nảy mầm, vươn lên thành cây cao ngang đầu bọn trẻ rồi”, ông Sử khoe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ